Thực trạng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ

Một phần của tài liệu Nợ công và nguy cơ khủng hoảng nợ công đang là mối đe dọa hệ thống tài chính quốc tế. Phân tích thực trạng và các giải pháp quản lý, sử dụng và hoàn trả nợ nước ngoài của Việt Nam (Trang 29 - 30)

b) Cơ cấu nợ công

3.2.1.Thực trạng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ

Phát hành trái phiếu Chính phủ là một kênh huy động vốn nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách và đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố được giao quản lý và sử dụng vốn TPCP đã có nhiều cố gắng trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, bám sát mục tiêu, nội dung, danh mục dự án sử dụng vốn TPCP để phân bổ, quản lý và sử dụng bảo đảm có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí... Số vốn TPCP đã giải ngân giai đoạn 2006 - 2009 là 117.169 tỷ đồng cho hơn 2.000 dự án, công trình. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 31/8/2010 đã có 1.410 công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 68%, trong đó có những công trình, dự án như: Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 chiều dài 1.432 km, các tuyến quốc lộ 4C, 4D...

Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn nhiều bất cập.

Trước hết là ở khâu đăng ký nhu cầu vốn, lập kế hoạch vốn TPCP còn nhiều hạn chế, xét duyệt thiếu chặt chẽ; xác định tổng mức đầu tư, tổng dự toán sơ sài, thiếu chính xác, khi thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần, với mức tăng cao làm vỡ kế hoạch vốn. Đến năm 2009, đã giải ngân vượt mức tổng vốn TPCP của cả giai đoạn 2003 - 2010 nhưng chỉ có hơn 50% dự án đã hoàn thành, nhiều công trình, dự án để hoàn thành cần số vốn tăng 2-3 lần so với mức đăng ký...Kết quả giám sát của UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội vừa qua cho thấy, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 - 2010 là 246.447 tỷ đồng. Nhưng hiện nay qua tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 558.654 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, có những dự án không chỉ điều chỉnh tăng giá nhân công, vật liệu, đền bù, giải phóng mặt bằng mà còn điều chỉnh cả thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án, có những dự án vừa thi công, vừa đấu thầu, vừa điều chỉnh

tổng mức đầu tư. Riêng các bộ, ban, ngành lập dự tóan nhu cầu trái phiếu Chính phủ năm 2011 này đã có mức tăng và tỷ lệ tăng rất cao so với năm 2010. Điển hình như Bộ Giao thông Vận tải tăng 7.700 tỷ đồng, tăng 62,6%; nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 54.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 10.800 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 70% (6.800 tỷ đồng); của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 36.200 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 7.240 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 60,8% (2.740 tỷ đồng); Bộ Y tế tăng 75,9% (tăng 4.250 tỷ đồng).

Bên cạnh đó là việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung, mục đích, bố trí ngoài danh mục dự án; không bố trí vốn đối ứng theo đúng cơ cấu vốn được duyệt, còn trông chờ hoàn toàn vào vốn TPCP diễn ra ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng này làm tăng thêm nhu cầu TPCP. Trong khi việc huy động trái phiếu chính phủ trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của tình hình kinh tế vĩ mô khiến trái phiếu chính phủ không còn hấp dẫn đối với người dân nữa. Ngay trong năm 2009, mặc dù phát hành nhiều phiên nhưng vẫn chưa thể huy động đủ số vốn dự định. Kế hoạch là 126.000 tỷ đồng và 950 triệu USD, song số thực hiện chỉ là 19.172 tỷ đồng và 543 triệu USD.

Ngòai ra, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng từ nguồn vốn TPCP còn nhiều hạn chế, sai sót ở tất cả các khâu, từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án, phân bổ vốn cho tới thực hiện đầu tư, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Đáng chú ý, vốn TPCP là vốn vay của Chính phủ nhưng đầu tư còn dàn trải, tiến độ thực hiện nhiều dự án còn chậm, có dự án chưa thực sự cấp bách, không thuộc đối tượng sử dụng vốn TPCP nhưng vẫn được bố trí đầu tư bằng nguồn vốn TPCP.

Một phần của tài liệu Nợ công và nguy cơ khủng hoảng nợ công đang là mối đe dọa hệ thống tài chính quốc tế. Phân tích thực trạng và các giải pháp quản lý, sử dụng và hoàn trả nợ nước ngoài của Việt Nam (Trang 29 - 30)