Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, việc tạo ra giống mới có năng suất cao thì chưa đủ, mà còn phải tạo ra nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng phù hợp với đặc tính sinh lý, phù hợp với mục đích sản xuất của từng giống, dòng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.
Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là tỷ lệ chuyển hoá thức ăn để đạt được 1 kg thịt, với gà nuôi thịt tiêu tốn thức ăn chủ yếu dùng cho việc tăng khối lượng. Nếu tăng khối lượng càng nhanh thì cơ thể đồng hoá, dị hoá tốt hơn, khả
năng trao đổi chất cao, do vậy hiệu quả sử dụng thức ăn cao dẫn đến tiêu tốn thức ăn thấp.
Bằng thực nghiệm đã chứng minh tiêu tốn thức ăn cho tăng khối lượng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giống, tuổi, tính biệt, mùa vụ, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng cũng như tình hình sức khỏe của đàn gia cầm.
Theo Phùng Đức Tiến (1996) [22], hệ số tương quan di truyền giữa khối lượng cơ thể và tăng khối lượng với tiêu tốn thức ăn thường rất cao được Chambers J. R (1984) [32] xác định là (0,5 - 0,9). Tương quan giữa sinh trưởng và chuyển hoá thức ăn là tương quan âm từ (-0,2 đến -0,8). Willson S. P (1969) [44] xác định hệ số tương quan giữa khả năng tăng khối lượng cơ thể và hiệu quả chuyển hóa thức ăn từ 1 - 4 tuần tuổi là r = -1 đến +1. Hiệu quả sử dụng thức ăn liên quan chặt chẽ đến sinh trưởng.
Nguyễn Thị Hải và cs (2006)[9] cho biết gà Broiler TĐ nuôi vụ Xuân - Hè đến 10 tuần tuổi tiêu tốn hết 2,20 kg thức ăn ở lô nuôi nhốt và lô bán nuôi nhốt là 2,32 kg thức ăn.
Trần Công Xuân, Nguyễn Huy Đạt (2006) [29] khi nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà chăn thả Việt Nam năng suất và chất lượng cao đã đưa ra kết luận. Tổ hợp lai ¾ máu Lương Phượng và ¼ máu Sasso X44 tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng từ 2,54 - 2,68 kg.
Theo Phan Sỹ Điệt (1990) [2] khi nuôi gà Broiler Ross - 208 ở 6 tuần tuổi với các mức năng lượng khác nhau cho tiêu tốn thức ăn 1,88 - 2,2 kg.
Sinh trưởng nhanh và tiêu tốn thức ăn thấp luôn là mục tiêu của nhiều công trình nghiên cứu về lai tạo giống gia cầm.
2.2.2. Vài nét về đối tượng thí nghiệm
* Gà thí nghiệm
Giống gà Mía:giống gà Mía có nguồn gốc ở thôn Mông Phu, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây cũ nay là Hà Nội. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tập trung nhiều ở Hà Tây. Hình thái của giống gà Mía: con trống có thân hình to, dài, hình chữ nhật. Phần lớn có màu mận chín, tuy nhiên cũng có màu đen. Mào cờ (cả trống và mái), tích tai chảy, da chân vàng nhạt, con mái có màu vàng lá chuối khô. Sau khi đẻ 3 - 4 tháng lườn chảy xuống giống như yếm bò.
Khối lượng mới nở khoảng 43 g, gà trống trưởng thành đạt khoảng 3kg, gà mái đạt khoảng 2,3 kg. gà bắt đầu đẻ khi được 165 - 170 ngày tuổi. Một năm đẻ 4 - 5 lứa và đẻ được 55 - 60 quả. Khối lượng trứng 55 - 58 g/quả.
Gà Mía có chất lượng thịt thơm ngon, ngọt là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Thời xưa gà Mía là sản phẩm được dùng để cung tiễn vua chúa và được sử dụng trong các lễ hội tại các địa phương.
Giống gà Lương phượng:gà Hoa Lương Phượng gọi tắt là gà Lương Phượng, có xuất xứ từ vùng ven sông Lương Phượng, Trung Quốc. Đây là giống gà thịt lông màu do xí nghiệp gà thành phố Nam Ninh - Quảng Tây - Trung Quốc lai tạo thành công sau 10 năm nghiên cứu, sử dụng dòng trống địa phương với gà nhập nội. giống gà Lương Phượng đã được nhiều nước nhập và lai tạo để nuôi thả vườn, nuôi bán chăn thả. Qua thử nghiệm ở trong và ngoài nước như Việt Nam, Lào, Thái Lan..., xí nghiệp giống Nam Ninh đã đưa ra một số chỉ tiêu sản xuất của gà Lương Phượng.
Gà Lương Phượng được nhập khẩu vào nước ta qua cửa khẩu quốc tế Quảng Ninh năm 1998. Trung tâm nghiên cứu gia cầm Vạn Phúc đã nhập 1900 con nuôi tại trại thí nghiệm và được nhân dân ta nuôi ở nhiều nơi.
Theo tài liệu của Vũ Ngọc Sơn (2000) [21] gà Lương Phượng hoa có dáng bề ngoài gần giống gà Ri của Việt Nam. Màu lông đa dạng, màu vàng tuyền, vàng đốm hoa hoặc đen đốm hoa. Sở dĩ gọi là gà Lương Phượng hoa vì trong đàn gà có nhiều màu lông khác nhau, như một vườn hoa. gà trống có mào đơn, ngực nở, lưng phẳng, lông đuôi cong, chân cao vừa phải màu vàng, thịt mịn, thơm ngon. Về năng suất, khối lượng gà thịt lúc 65 ngày tuổi đạt 1,5 - 1,6 kg, tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng là 2,4 - 2,6 kg, tỷ lệ nuôi sống trên 95%. Sản lượng trứng đạt 177 quả/mái/66 tuần. Ở tuổi trưởng thành, gà trống có khối lượng 2,7 kg, gà mái có khối lượng 2,1 kg.
Kể từ khi nhập vào nước ta gà Lương Phượng đã được chú ý, quan tâm nghiên cứu nhất là trong việc dùng làm con lai để lai tạo với các giống gà khác, tạo ra con lai có sức sản xuất cao hơn.
2.2.3. Tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước
2.2.3.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là các nước phát triển như : Mỹ, Pháp, Hà Lan,
Đức... Theo tài liệu của FAO (dẫn theo Nguyễn Duy Hoan, Trần Thanh Vân (1998) [6]) công bố, năm 1995 đàn gia cầm trên thế giới đã lên tới 10 tỷ con. Trong đó, chủ yếu là gà chiếm tới 95,7%, gà tây chiếm 2,2%, vịt chiếm 1,8%, ngỗng chiếm 0,3%. Ngày nay, ngành chăn nuôi gia cầm chiếm một vị trí rất quan trọng, tính đến năm 1993 trung bình mỗi người sử dụng 8 kg thịt gia cầm và 125 quả trứng trên một năm.
Những năm gần đây nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm rất chú trọng đến gia cầm chăn thả. Nhiều báo cáo của những dự án phát triển, chỉ ra rằng gia cầm chăn thả đóng một vai trò đáng kể trong việc làm giảm sự nghèo đói (Saleque M. A, 1996) [43].
Tình hình ngành sản xuất chăn nuôi gia cầm tăng lên, dẫn đến các nước trên thế giới không ngừng cải tiến về con giống cũng như dinh dưỡng để đưa năng suất chất lượng chăn nuôi gia cầm phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn nhưng khắt khe của thị trường.
Kitalyi A. J (1996) [39] khi nghiên cứu về hệ thống chăn nuôi gà chăn thả cho biết: Chăn nuôi gà theo phương thức thâm canh ở những vùng nông thôn có sự khác nhau với hệ thống chăn nuôi gà địa phương và sự khác nhau đó có liên quan đến sự tồn tại về vật chất và hoàn cảnh kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh những thành tựu về công tác giống, những thành tựu về khoa học công nghệ đã giúp ngành chăn nuôi gà Broiler có được bước nhảy vọt lớn nhất về các chỉ tiêu năng suất. Trong vòng 40 năm (1950 - 1990) để đạt được khối lượng xuất chuồng 1,82 kg của gà Broiler, người ta đã giảm một nửa thời gian cần nuôi và giảm được 40% lượng thức ăn tiêu tốn.