Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của gia cầm như: giống, giới tính, tốc độ mọc lông, khối lượng bộ xương, dinh dưỡng và các điều kiện chăn nuôi, sức khoẻ…
+ Ảnh hưởng của dòng, giống:
Mỗi giống có khả năng sinh trưởng nhất định, sự khác nhau về sinh trưởng đó là do bản chất di truyền quy định. Đặc điểm di truyền của giống và ngoại cảnh do tác động qua lại với nhau, nghĩa là cùng một kiểu gen nhưng ở môi trường khác nhau thì có sinh trưởng khác nhau. Cho nên việc cần thiết là phải tạo ra môi trường phù hợp với kiểu gen đó để phát huy tối đa tiềm năng di truyền của giống. Jaap và cs (1937) [35] đã phát hiện ra những sai khác trong cùng một giống về cường độ sinh trưởng.
Theo tài liệu của Chambers J. R (1990) [32] có nhiều gen ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cơ thể gà. Có gen ảnh hưởng đến sự phát triển chung, có gen ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều chiều, có gen ảnh hưởng theo nhóm tính trạng, có gen ảnh hưởng tới một vài tính trạng riêng lẻ. Godfrey E. F và Joap R. g (1952) [37] và một số tác giả khác cho rằng các tính trạng số lượng này được quy định bởi 15 cặp gen, trong đó ít nhất có một gen về sinh trưởng liên kết giới tính (nằm trên nhiễm sắc thể X), vì vậy có sự sai khác về khối lượng cơ thể giữa con trống và con mái trong cùng một giống, gà trống nặng hơn gà mái 24 - 32%.
Trần Thanh Vân (2002) [27] khi nghiên cứu khả năng sản xuất thịt của gà lông màu Kabir, Lương Phượng và Sasso cho biết: khối lượng cơ thể gà ở 10 tuần tuổi đạt lần lượt là 1990,28 g/con, 1993,27 g/con và 2189,29 g/con.
Theo Nguyễn Duy Hoan, Trần Thanh Vân (1998) [6] cho biết, gà con ở 40 ngày tuổi khối lượng tăng gấp 10 lần so với lúc 01 ngày tuổi, trong khi đó vịt con chỉ cần có 20 ngày để tăng gấp 10 lần khối lượng so với lúc 01 ngày tuổi.
Nguyễn Thị Thuý Mỵ (1997) [18] khi nghiên cứu 3 giống gà AA, Avian và BE 88 nuôi tại Thái Nguyên cho thấy khối lượng cơ thể của 3 giống khác nhau ở 49 ngày tuổi là khác nhau, cụ thể lần lượt là: 2501,09 g; 2423,28 g; 2305,14 g.
Khảo sát khả năng sinh trưởng của 3 dòng gà Plymouth Rock thì dòng TĐ9 có khả năng sinh trưởng tốt nhất. Đến tuần tuổi thứ 8, dòng TĐ9 có khối lượng sống vượt dòng TĐ8 12,90% và vượt dòng TĐ3 17,40%, (Lê Hồng Mận và cs, 1996) [17]
Theo Nguyễn Mạnh Hùng và cs (1994) [5] thì sự sai khác về khối lượng cơ thể giữa các giống gia cầm rất lớn, giống gà kiêm dụng nặng hơn gà hướng trứng từ 500 - 700 g (13 - 30%).
Sự khác nhau về sinh trưởng và khối lượng cơ thể còn chịu ảnh hưởng của tính biệt, thông thường con trống sinh trưởng nhanh hơn con mái: Ở gà hướng thịt giai đoạn 60-70 ngày tuổi con trống nặng hơn con mái 180-250 g (Nguyễn Duy Hoan và cs,1999) [7].
+ Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển của từng mô khác nhau gây nên sự biến động trong quá trình phát triển và có sự khác nhau giữa mô này với mô khác.
Theo Bùi Đức Lũng, Lê Hồng Mận (2003) [13] để phát huy được sinh trưởng cần cung cấp thức ăn tối ưu với đầy đủ chất dinh dưỡng được cân bằng hợp lý giữa protein với năng lượng. Ngoài ra trong thức ăn hỗn hợp cho chúng còn được bổ sung hàng loạt các chế phẩm hóa sinh không mang theo nghĩa dinh dưỡng nhưng có kích thích sinh trưởng làm tăng chất lượng thịt.
Khi nghiên cứu đến độ tuổi và mức độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến sinh trưởng của gà thì Chambers J. R. (1990) [30] cho biết: Sinh trưởng là tổng số của sự phát triển các phần cơ thể như thịt, xương, da. Tỷ lệ sinh trưởng các phần này
phụ thuộc vào độ tuổi, tốc độ sinh trưởng và phụ thuộc vào mức độ dinh dưỡng. Mức độ dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển các bộ phận khác nhau của cơ thể mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của từng mô này đối với mô khác.
Theo Trần Công Xuân (1995) [28] cho biết cùng tổ hợp lai Broiler: Ross 208, Ross 208 - V35 nuôi ở 9 lô với 3 mức năng lượng và 3 mức protein, cho khối lượng ở 8 tuần tuổi khác nhau rõ rệt.
Tác giả Trần Công Xuân (1995) [28] nghiên cứu trên gà Ross - 208 đã kết luận: ở giai đoạn 0-6, 7-17, 18-64 tuần tuổi nuôi bằng khẩu phần có các mức protein tương ứng là 18,5; 14 và 17%, cung với một mức năng lượng trao đổi 2750 kcal/kg thức ăn, đạt kết quả tốt nhất.
Tác giả Epym R. A và cs (1979) [33] cho biết: Dinh dưỡng không chỉ cần thiết cho sinh trưởng mà còn cần thiết để thể hiện khả năng di truyền của sinh trưởng. gà Broiler phát triển mạnh nên đòi hỏi lượng thức ăn tương ứng để phát huy tiềm năng di truyền của chúng.
Lê Hồng Mận, và cs (1993) [16] cho biết nhu cầu protein thích hợp cho gà Broiler cho năng suất cao đã được xác định. Để phát huy được khả năng sinh trưởng tối đa cần phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng với sự cân bằng nghiêm ngặt giữa protein, axit amin với năng lượng.
Lê Hồng Mận và cs (1993) [16] cho biết nhu cầu protein thích hợp cho gà Broiler cho năng suất cao đã được xác định. Để phát huy được khả năng sinh trưởng tối đa cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng với sự cân bằng nghiêm ngặt giữa protein, axit amin với năng lượng.
Trần Tố (2006) [26], cho biết khi nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ khác nhau giữa methionine và lysine trong khẩu phần ăn đến sinh trưởng của gà Broiler giống Kabir cho biết đến 10 tuần tuổi lô có tỷ lệ methionine/ lysine 40,5% cho sinh trưởng tốt hơn các lô có tỷ lệ này bằng 45,5% và 35,5%.
Nhiều kết quả nghiên cứu của các tác giả (Waldroup và ctv, 1976 [45]; Pesti Fletcher, 1983 [41]) cho biết: khi tăng mức năng lượng trong khẩu phần ăn đã làm tăng tốc độ tăng trọng của gà Broiler.
Kubena và cs, 1972 [38] cho rằng: việc tăng năng lượng và giảm một chút tỷ lệ protein trong khẩu phần ăn ở giai đoạn kết thúc giúp cho thân thịt có nhiều mỡ
hơn, nhờ đó tăng độ ngon của sản phẩm và đề nghị dùng mức năng lượng 3300 -3400 kcal/kg thức ăn đối với giai đoạn xuất phát và giai đoạn kết thúc.
Nguyễn Nghị, Bùi Thị Oanh và cs, 1992 [19] cho rằng: với mức năng lượng trao đổi 3100 - 3200 - 3300 kcal/kg trong khẩu phần ăn của gà Broiler HV135 tương ứng với 3 giai đoạn, đã tăng khối lượng và tiêu tốn thức là tốt nhất. Mức năng lượng trong khẩu phần ăn của gà Tam Hoàng được tác giả Lê Hông Sơn, 2000 đề nghị như sau: 3050- 3150- 3300 kcal/kg thức ăn tương ứng 3 giai đoạn nuôi: 0 - 4; 5 - 8; 9 - 12 tuần tuổi. Thức ăn của gà chăn thả theo khuyến cáo của tác giả Trần Công Xuân và cs, 2006[29] là 2800 - 2850 - 3000 kcal/ kg thức ăn, tương ứng 3 giai đoạn nuôi: 0 -4; 5 - 8; 9 - xuất bán.
Wu, 1990 [46] khi nghiên cứu nhu cầu Methionine của gà Broiler trong mùa hè đã khuyến cáo tỷ lệ TSAA là 0,7% và nhu cầu tối thiểu của Methionine là 0,26%.
+ Ảnh hưởng của tính biệt, tốc độ mọc lông đến sinh trưởng của gà - Tính biệt ảnh hưởng đến sinh trưởng:
Trần Đình Miên, 1994 [15] cho biết lúc gà mới nở gà trống nặng hơn gà mái 1%, tuổi càng tăng sự sai khác càng lớn, ở 8 tuần tuổi sự sai khác về khối lượng giữa gà trống và gà mái là: 27%. North M. O, Bell P. D. (1990) [40] cũng cho biết khối lượng gà con 1 ngày tuổi tương quan dương với khối lượng trứng giống đưa vào ấp, song không ảnh hưởng đến khối lượng cơ thể gà lúc thành thục và cường độ sinh trưởng ở 4 tuần tuổi. Lúc mới nở gà trống nặng hơn gà mái 1%, ở 2 tuần tuổi hơn 5%, 3 tuần tuổi 11% và 8 tuần tuổi hơn 27%. Nguyễn Thị Hải và cs (2006)[9] cho biết gà TĐ nuôi vụ Xuân - Hè ở 10 tuần tuổi có khối lượng cơ thể ở con trống 2616,33 g/con và ở con mái là 2214,48 g/con, khác nhau 18,15%.
Tính biệt là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến khối lượng cơ thể của gà: gà trống nặng hơn gà mái từ 24 - 32%. Những sai khác này cũng được biểu hiện ở cường độ sinh trưởng, được quy định không phải do hoocmon sinh học mà do các gen liên kết với giới tính. Tuy nhiên, sự sai khác về mặt sinh trưởng còn thể hiện rõ hơn đối với các dòng phát triển nhanh so với các dòng phát triển chậm (Chambers J. R.1990) [32]
- Ảnh hưởng của tốc độ mọc lông tới sinh trưởng:
Những kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học xác định trong cùng một giống, cùng giới tính ở gà có tốc độ mọc lông nhanh có tốc độ sinh trưởng, phát triển cao hơn gà mọc lông chậm. Kushner K. F. (1974) [31] cho rằng tốc độ mọc lông có quan hệ chặt chẽ tới tốc độ sinh trưởng, thường gà lớn nhanh thì mọc lông nhanh và đều hơn ở gà chậm mọc lông. Hayer J. F và cs (1970) [35] đã xác định trong cùng một giống thì gà mái mọc lông đều hơn gà trống và tác giả cho rằng ảnh hưởng của hoocmon sinh trưởng có tác dụng ngược chiều với giới tính quy định tốc độ mọc lông.
Theo Siegel P. B và Dumington E. D. (1978) [42] thì những alen quy định tốc độ mọc lông nhanh phù hợp với tăng khối lượng cao.
+ Ảnh hưởng của nhiệt độ nuôi
Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng rất rõ rệt, đặc biệt là giai đoạn gà con. Với gà Broiler và gà hậu bị, nhiệt độ ngày thứ nhất cần đảm bảo 32 - 340C; ngày thứ 2 - 7 là 300C; tuần thứ hai là 260C; tuần thứ ba là 220C; tuần thứ tư là 200C. Theo Lê Hồng Mận và cộng sự (1993) [16] thì nhiệt độ tối ưu chuồng nuôi với gà con sau 3 tuần tuổi là 18 - 200C. Nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu năng lượng trao đổi (ME) và protein thô (CP) của gà Broiler, do vậy tiêu thụ thức ăn của gà chịu sự chi phối của nhiệt độ môi trường. Trong điều kiện nhiệt độ khác nhau thì mức tiêu thụ thức ăn của gà cũng khác nhau.
Theo Herbert g. J và cs (1983) [36] thì nhiệt độ chuồng nuôi có ảnh hưởng tới gà sau 3 tuần tuổi như sau: Thay đổi 10C tiêu thụ năng lượng của gà mái biến đổi tương đương 2 Kcal ME, mà nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng khác nhau cũng bị thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Trong điều kiện khí hậu nước ta, theo Lê Hồng Mận, Bùi Đức Lũng (1993) [16] thì gà Broiler nuôi vụ hè cần phải tăng mức ME và CP cao hơn vụ xuân 10 - 15%.
+ Ảnh hưởng của chế độ chiếu sáng.
Theo Nguyễn Duy Hoan và cs (1998) [6], với gà Broiler giết thịt sớm 38 - 42 ngày tuổi thì thời gian chiếu sáng như sau: 3 ngày đầu chiếu sáng 24/24 giờ, cường độ chiếu sáng 20lux/m2, ngày thứ 4 đến khi kết thúc thời gian chiếu sáng giảm xuống còn 23/24 giờ, cường độ chiếu sáng 5lux/m2.
Ánh sáng ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng và khả năng sản xuất thịt của gà lai F2. Cần phải có một chế độ ánh sáng phù hợp để gà có thể sinh trưởng nhanh, tiêu tốn ít thức ăn và năng lượng điện lại giảm từ đó sẽ nâng cao được hiệu quả chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao+ Ảnh hưởng của mật độ nuôi nhốt:
Mật độ nuôi nhốt cũng là một yếu tố quan trọng để chăn nuôi gà đạt hiệu quả cao. Mỗi giai đoạn sinh trưởng, mỗi phương thức nuôi đều có quy định mật độ nuôi nhất định (phương thức chăn thả tự do, bán nuôi nhốt, nuôi nhốt trên đệm lót dày, nuôi nhốt có sân chơi yêu cầu mật độ lần lượt: 0,1; 0,3; 0,35; 0,2m2/con…). Nếu nuôi quá thưa thì lãng phí diện tích, nhưng nếu nuôi quá dày thì ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng của gà. Bởi lẽ, khi mật độ nuôi nhốt cao thì chuồng nhanh bẩn, lượng khí thải NH3, CO2, H2S cao và quần thể vi sinh vật phát triển ảnh hưởng tới khả năng tăng khối lượng và sức khoẻ của đàn gà, gà dễ bị cảm nhiễm bệnh tật, tỷ lệ đồng đều thấp, tỷ lệ chết cao, cuối cùng làm giảm hiệu quả trong chăn nuôi. Ngược lại, mật độ nuôi nhốt thấp thì chi phí chuồng trại cao. Do vậy, tuỳ theo mùa vụ, tuổi gà và mục đích sử dụng cần có mật độ chăn nuôi thích hợp.
- Mùa hè mật độ tối ưu là 8 con/m2, mùa đông mật độ tối ưu là 10 con/m2 nền chuồng, đối với gà Broiler.
+ Ảnh hưởng của phương thức nuôi.
Phương thức nuôi cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sinh trưởng và khả năng sản xuất của gia cầm. Có 3 phương thức nuôi đó là: Phương thức nuôi chăn thả, phương thức nuôi nhốt và phương thức bán nuôi nhốt. Phương thức nuôi khác nhau kéo theo nhiều yếu tố như: mật độ, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, thậm chí cả thành phần thức ăn vào cơ thể gia cầm bị thay đổi. Mỗi phương thức nuôi đều có ưu nhược điểm riêng và thể hiện trong từng điều kiện chăn nuôi cụ thể với các giống gia cầm cụ thể. Lựa chọn phương thức nuôi phù hợp sẽ góp phần làm tăng năng suất chăn nuôi.
•Phương thức nuôi nhốt và bán nuôi nhốt.
Theo Nguyễn Duy Hoan và cs (1998) [6]. “Phương thức bán nuôi nhốt là phương thức nuôi mà gia cầm bị hạn chế trong một khu vực nhất định”.
“ Phương thức nuôi nhốt là phương thức nuôi mà gia cầm bị nhốt hoàn toàn không được thả ra ngoài”.
* Phương thức bán nuôi nhốt. + Sân bãi chăn thả.
Sân bãi cho gia cầm là khu đất (bãi cỏ) được bao bởi hàng rào hay lưới, gia cầm được vân động ban ngày ở đây, còn ban đêm gia cầm được ngủ trong chuồng nuôi đã được thiết kế ngay trong khu vực sân vận động này. Máng ăn, mang uống được đặt ngay ở sân hoặc có thể chuyển vào trong chuồng tùy thời tiết. Nhìn chung trong thực tế, sân (bãi) vận động được ngăn làm hai phần để gia cầm chỉ hoạt động ở một nửa, nửa còn lại tạo điều kiện cho cỏ mọc và tránh ô nhiễm bãi chăn.
+ Chuồng nuôi.
Có nhiều kiểu chuồng, gia cầm sống ở đó cả đêm và 1 phần ban ngày đặc biệt là trong thời tiết xấu như mưa, bão hay lúc nắng nóng giữa trưa hè.Chuồng nuôi phải có sào đậu, có đệm lót tốt. Máng ăn, máng uống có thể đặt trong chuồng nếu đủ chỗ, nhưng phải lưu ý đủ ánh sáng để chúng ăn, uống.
+ Lợi ích.
Cần diện tích đất đai ít hơn chăn thả tự do. Phù hợp với công việc của người phụ nữ trông nom tại nhà.Phương thức chăn nuôi này không cần nhiều vốn đầu tư vào chuông trại, trang thiết bị. Thiết kế và xây dựng chuồng trại không khó lắm.
+ Hạn chế.
Nếu nuôi với mật độ lớn hay kéo dài thời gian thì phương thức này có bất lợi là nhiễm ký sinh trùng và các mầm bệnh, làm cho tỷ lệ chết tăng cao, sinh trưởng và sức sản xuất của gia cầm giảm.Khi trời mưa, khu vực chuồng nuôi và sân bãi vận động sẽ bốc mùi khó chịu nếu công tác vệ sinh kém.