Quá trình nghiên cứu và phát triển chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng mỡ đà điểu làm dầu mỡ bôi trơn cho thiết bị tàu thủy (Trang 57 - 58)

Năm 1995, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương - Viện Chăn nuôi ấp 02 quả trứng đà điểu ostrich gửi từ Mỹ về nở được 02 con nuôi phát triển bình thường. Năm 1996, Trung tâm tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao tổ chức ấp 100 trứng đà điểu nhập từ Zimbabwe nở được 38 con nuôi cho kết quả tốt. Với những cơ sở khoa học vững chắc và kết quả

thực nghiệm có tính thuyết phục, năm 1997 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu phát triển chăn nuôi đà điểu Ba Vì - Hà Tây thuộc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương - Viện Chăn nuôi. Năm 1998, 150 đà điểu ostrich 3 - 4 tháng tuổi gồm 03 dòng Blue, Black và AUST đã được nhập về từ úc với giá gần 7,5 triệu đồng/con. 03 dòng đà điểu này và 01 dòng của Zimbabwe được chăm sóc nuôi dưỡng tốt qua các giai đoạn. Đến năm 2000, đàn đà điểu đã bước vào giai đoạn sinh sản và đến nay đã sinh sản được 4 năm cho năng suất cao tương đương các nước tiên tiến.

Cũng trong thời gian qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được các nhà khoa học của Trung tâm và Viện Chăn nuôi triển khai. Kết quả nghiên cứu phát triển chăn nuôi đà điểu đã thu được những thắng lợi bước đầu. Hơn 3.000 con giống đã được đưa vào nuôi trong sản xuất ở trên 23 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, Trung tâm còn chuyển giao sang CHDC Nhân dân Lào 54 con. Kết quả cho thấy tỷ lệ nuôi sống cao 85 - 95,05%; khối lượng cơ thể lúc 11 - 12 tháng tuổi từ 98 - 112 kg. Một số đàn nuôi giống đã có năm đẻ đầu với năng suất trứng 10 - 12 quả/mái; tỷ lệ phôi 54 - 75%.

Đã có nhiều mô hình chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hóa như trang trại Vườn Xoài của Bà Nhã ở Đồng Nai, Chị Trang ở Tp Hồ Chí Minh, công ty Minh Đức ở Đà Nẵng và đặc biệt Tổng công ty Khánh Việt đã và đang triển khai đầu tư trên 600 tỷ đồng cho Chương trình công nghiệp đà điểu ở các tỉnh miền Trung và ven biển với các hạng mục công trình như: Trại giống, Nhà máy thức ăn, Nhà máy chế biến da, Nhà máy chế biến thịt với mục tiêu nuôi 5.000 - 7.000 đà điểu sinh sản và sản xuất 3.000 tấn thịt/năm để xuất khẩu.

Hiện nay, Trung tâm dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Chăn nuôi đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao TBKT với hy vọng đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ngành chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng mỡ đà điểu làm dầu mỡ bôi trơn cho thiết bị tàu thủy (Trang 57 - 58)