CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.8 Các nhân tố ảnh hưởng đến sẵn sàng áp dụng IFRS:
Các nhà nghiên cứu đã lý thuyết hóa nhiều đặc tính của công ty có mối liên hệ đến mức độ toàn diện của thông tin được công bố trong báo cáo tài chính thường
niên như Wallace và các cộng sự (1994), El-Gazzar và các cộng sự (1999), Tagesson và các cộng sự (2003), Alsaeed (2006), Guerreiro (2008), Khlif and Souissi (2008), Rouf (2011). Tác giả kết hợp các nhân tố đã được khám phá trong các nghiên cứu trước và đồng thời căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội đặc thù tại Việt Nam để đưa vào đề tài nghiên cứu của mình một số đặc tính như:
2.8.1 Quy mô công ty (SIZE):
Các công ty càng lớn thì nhu cầu huy động vốn càng lớn và càng bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước nên yêu cầu thông tin trên báo cáo tài chính cần phải rõ ràng và minh bạch. Các công ty càng lớn thì chi phí đại diện càng cao nên cần có báo cáo tài chính hoàn chỉnh, minh bạch và có độ chính xác cao (Alsaeed, 2006).
Giả thuyết được đặt ra là quy mô doanh nghiệp càng lớn thì mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS càng cao.
H1: Mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của công ty đại chúng tăng lên tương ứng với quy mô công ty.
Hỗ trợ cho giả thuyết này là lý thuyết hành vi dự định và lý thuyết đại diện.
2.8.2 Thương mại quốc tế (COMINT)
Công ty có hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế thì nhu cầu hội nhập càng cao. Các công ty càng có nhiều đối tác và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì yêu cầu áp dụng IFRS càng cao. IFRS giúp cải thiện thông tin tài chính của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư dễ dàng so sánh để có cơ sở đưa ra quyết định chính xác (a. Gordon & P. Loeb, 2012).
Giả thuyết được đặt ra là công ty càng có hoạt động kinh doanh quốc tế cao thì mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS càng cao.
H2: Mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của công ty đại chúng tăng lên với mức độ kinh doanh quốc tế.
2.8.3 Loại công ty kiểm toán (AUD)
Trong thực tiễn cung cấp dịch vụ kiểm toán thì hầu hết công ty kế toán kiểm toán quốc tế hàng đầu thế giới (Big 4) rất ủng hộ quá trình hội tụ giữa kế toán quốc gia và quốc tế. Việc sử dụng chung một hệ thống chuẩn mực trong báo cáo tài chính giữa các quốc gia sẽ giúp các công ty thuộc nhóm big 4 này tiết kiệm được chi phí trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Các công ty kiểm toán này luôn tư vấn cho khách hàng nên áp dụng IFRS.
Giả thuyết được đặt ra là nếu công ty được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán thuộc nhóm big 4 thì mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS cao.
H3: Mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của công ty đại chúng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán thuộc nhóm big 4 thì cao hơn các công ty khác.
Hỗ trợ cho giả thuyết này là Lý thuyết khuếch tán cải tiến và Lý thuyết đại diện.
2.8.4 Tỷ suất lợi nhuận (DEBT):
Các công ty có lợi nhuận cao thì có xu hướng thích trình bày thông tin tài chính rõ ràng và đáng tin cậy. Các công ty này không chịu áp lực phải che giấu bớt các thông tin tài chính bất lợi, vì vậy việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế đối với họ là dễ được chấp nhận (Guerreiro, 2008). Do đó giả thuyết được đặt ra là các công ty có xu hướng sẵn sàng áp dụng IFRS khi có có tỷ suất lợi nhuận càng cao.
H4: Mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của công ty đại chúng tăng cùng với tỷ lệ lợi nhuận.
Hỗ trợ cho giả thuyết này là lý thuyêt đại diện và lý thuyết hành vi dự định.
2.8.5 Đòn bẩy tài chính (ROA)
Nhu cầu công bố thông tin tài chính minh bạch, chính xác ngày càng cao khi các công ty có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu càng cao (Alsaeed, 2006). Do đó dưới áp lực của chủ nợ, các công ty đại chúng có tỷ lệ nợ cao có xu hướng áp dụng IFRS nhiều hơn.
Giả thuyết đặt ra là các công ty càng sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính thì có xu hướng sẵn sàng áp dụng IFRS hơn.
H5: Mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của công ty đại chúng liên quan đến đòn bẩy tài chính.
Hỗ trợ cho giả thuyết này là lý thuyết đại diện và lý thuyết dự phòng.
2.8.6 Năng lực chuyên môn của người làm kế toán (EDU)
Bản thân IFRS rất phức tạp và không dễ hiểu, nên để áp dụng tốt IFRS thì yêu cầu người làm công tác kế toán phải có trình độ chuyên môn cao và thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn. Do đó, các công ty có nhân viên kế toán với năng lực chuyên môn tốt thì mức độ sẵn sàng áp IFRS cao hơn.
H6: Mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của công ty đại chúng có liên quan đến năng lực của người làm kế toán.
Hỗ trợ cho giả thuyết này là lý thuyết khuếch tán cải tiến và lý thuyết hành vi dự định.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Thông qua chương 2, Tác giả đã giới thiệu sơ lược về IFRS và hệ thống kế toán của Việt Nam, cũng như đặc điểm của công ty đại chúng. Tác giả cũng đã trình bày các lý thuyết nền hỗ trợ cho nghiên cứu như thuyết hành vi dự định, thuyết đại diện, thuyết dự phòng và đưa ra các nhân tố có thể ảnh hưởng đến mức sẵn sàng áp dụng IFRS. Có 6 giả thuyết được đưa ra để tạo mô hình nghiên cứu. Mô hình nghiên cứu sẽ được trình bày trong chương 3.