Các công trình nghiên cứu về hầu

Một phần của tài liệu Điều tra hiện trạng kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của nghề nuôi hầu (crassostrea belcheri sowerby, 1871) thương phẩm ở tỉnh bà rịa –vũng tàu (Trang 31 - 33)

Có khoảng 21 loài hầu phân bố ở các vùng sông, ven biển, vùng đảo từ Bắc vào Nam. Trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, kích thước thương phẩm lớn như: C.rivularis, C.belcheri và C.gigas….[17]

Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, hầu cửa sông (C. rivularis) là đối tượng được nuôi đầu tiên ở Việt Nam dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng ta đã nghiên cứu nuôi thử nghiệm hầu cửa sông trên hệ thống sông Bạch Đằng - Quảng Ninh và đạt sản lượng 10 tấn/năm [3],[13].

Nguyễn Xuân Dục (1999) khi khảo sát sinh vật đáy ở vùng biển Cát Bà và Hạ Long đã xác định được 30 loài động vật thân mềm có giá trị kinh tế, hầu hết các loài trên đều phân bố tập trung với mật độ cao, thuận lợi cho sự khai thác, trong đó hầu có 6 loài:

C. rivularis Gould, O. cucullata Born, O. modax Gould, O. denselamellosa Lischke, O. glomerata Gould và O. echinata Quay et Gaimard. Chúng chủ yếu phân bố ở vùng triều, chỉ có loài O. denselamellosa là phân bố ở vùng trung triều và loài O. echinata thì phân bố ở cả hai vùng là vùng triều và vùng dưới triều [4].

Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thuỷ Sản I đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm hầu Thái Bình Dương ở một số khu vực thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Kết quả đã sản suất thành công giống nhân tạo, đang triển khai nuôi thương phẩm [6].

Nghề nuôi hầu C. lugubris thương phẩm ở đầm Lăng Cô-Thừa Thiên Huế đã phát triển tự phát từ năm 1947. Đến năm 2001 số hộ tham gia nuôi là 103 hộ thuộc khu vực thôn Hói Mít, thôn Lập An, thôn Loan Lý, thôn An Cư Đông 2 và thôn An Cư Tây thuộc xã Hộc Hải, huyện Phú Lộc với diện tích và sản lượng tăng qua các năm:năm 1997, diện tích nuôi 100 m2, sản lượng 160 kg, đến năm 2001 diện tích nuôi 129.749 m2, sản lượng 171.285 kg [7].

Ở vùng Đầm Thị Nại, Trung Tâm Khuyến Ngư tỉnh Bình Định đã tiến hành nuôi nhằm khôi phục và phát triển nguồn lợi hầu muỗng bị cạn kiệt do khai thác quá mức. Kết quả hầu nuôi sinh trưởng khá nhanh, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 11,4 g/tháng, tỷ lệ sống sau 4 tháng nuôi đạt 93% [15].

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 1994-1995 ngư đân đã tiến hành nuôi hầu bằng dàn tre ở vùng cửa sông Rạng thuộc xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Từ năm 1997 đã chuyển sang nuôi hầu bằng lồng khung sắt. Đến năm 2000. Đã có nhiều hộ nuôi hầu, mỗi hộ thường nuôi từ 4 -10 lồng, cá biệt có hộ nuôi đến 20 lồng, kích thước lồng nuôi 2 x 4 x 0,8 m. Trong lồng treo nhiều vật bám là những tấm Fibrocement, rộng 10-15 cm, dài 40 -50 cm, khoảng cách giữa hai dây vật bám là 20 cm, thời gian nuôi là 10-12 tháng, cỡ hầu thu hoạch khá lớn, đạt 4-6 con/kg, giá bán 8.000-10.000 đồng/kg, đã góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Sản lượng nuôi ước đạtkhoảng 100-150 tấn/năm [20].

Ngày 17/05/2001, Hội đồng tư vấn nhiệm vụ khoa học công nghệ về lĩnh vực thuỷ sản thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực” giai đoạn 2001- 2005 đã đặt vị trí trở lại cho nghề nuôi hầu và đề xuất nội dung nghiên cứu cụ thể là “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi hầu (hầu sông) thương phẩm“ [4].

Lê Minh Viễn (2004) đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất thành công hầu giống bám đơn (C. belcheri) bằng phương pháp sinh sản nhân tạo. Hình thức này đã mang lại hiểu quả kinh tế gấp nhiều lần so với hình thức nuôi hầu bằng phương pháp thu giống tự nhiên [24].

Một phần của tài liệu Điều tra hiện trạng kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của nghề nuôi hầu (crassostrea belcheri sowerby, 1871) thương phẩm ở tỉnh bà rịa –vũng tàu (Trang 31 - 33)