I. CÁC GIẢI PHÁP Ở CẤP VĨ MÔ
I.4.1. Công tác thông tin
Vấn đề thông tin có vai trò to lớn trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại. Thực
tế là hiện nay thông tin hai chiều giữa nước ta với 5 nước Bắc Phi vẫn còn thiếu thốn. Hơn
nữa, nếu có thông tin thì chủ yếu chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo và các cơ quan quản lý Nhà
nước, chưa xuống đến các doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải quan
tâm phát triển công tác thông tin nhằm đảm bảo có sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường các nước Bắc Phi, từ đó nâng
cao nhận thức cho các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan về tiềm năng to lớn của thị trường này. Khi mà doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về thị trường Bắc
Phi do thiếu thông tin thì mọi chủ trương của Nhà nước đều rất khó phát huy hiệu quả.
Cho đến nay nước ta đã có rất nhiều sách, báo, tạp chí, rất nhiều cơ quan tham gia cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kinh tế cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu cụ thể.
Tuy nhiên, thông tin về thị trường các nước Bắc Phi nói riêng và châu Phi nói chung còn rất
ít, rất tản mát và thiếu đồng bộ. Cần nghiên cứu tạo ra một dạng chuyên san dành riêng nói về thị trường Bắc Phi, trong đó cập nhật nhanh và đầy đủ các thông tin liên quan đến thị trường trong nước cũng như thị trường các nước Bắc Phi, các ngành hàng, mặt hàng, khả năng cung cấp và tiêu thụ, điều kiện cung cấp hoặc tiêu thụ, các mặt hàng cùng loại, các mặt
hàng có khả năng thay thế, các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của các đối thủ
cạnh tranh, hàng rào thuế quan, phi thuế quan hoặc các biện pháp bảo hộ trên từng thị trường, các thông tin về trợ giúp khi cần thiết... Chuyên san này có thể thuộc một cơ quan
quản lý Nhà nước (chẳng hạn Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch Đầu tư…) hay do Hội hữu nghị
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các cơ quan quản lý Nhà
nước và các doanh nghiệp đều có thể trực tiếp vào mạng và hòa mạng Internet để khai thác
và cung cấp thông tin. Chỉ cần có địa chỉ và xác định rõ nhu cầu thông tin cần thiết thì có thể
tìm thấy và thỏa mãn phần nào nhu cầu đó trên Internet, từ cẩm nang thương mại, phương pháp làm ăn trên thị trường sở tại, tình hình cung cầu các loại sản phẩm đến địa chỉ của các
công ty xuyên quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn của từng nước và những đề xuất kiếm tìm
đối tác v.v… Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như các cơ quan đại diện Việt
Nam ở Châu Phi cần sớm quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện trang web của mình, làm cho trang web thực sự trở thành một “cổng chào” đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp sở tại.
Ngược lại thì các đơn vị trong nước cũng phải đẩy mạnh việc khai thác thông tin trên mạng Internet. Hiện nay, các tổ chức khu vực, các cơ quan quản lý Nhà nước và nhiều doanh
nghiệp ở các nước Châu Phi đã xây dựng những trang web khá đầy đủ và phong phú về nội dung (đặc biệt Ai Cập, Maroc). Điều quan trọng là phải xác định đúng nhu cầu thông tin của
mình, và đúng địa chỉ cần tìm. Đặc biệt là Nhà nước cần sớm có định hướng cho các doanh
nghiệp về vấn đề này, chẳng hạn tổ chức những khóa tập huấn về khai thác mạng Internet,
quảng bá trên báo chí và phương tiện truyền thông những trang web đáng quan tâm khi các
doanh nghiệp muốn kinh doanh với các nước Châu Phi.
Sau khi Chính phủ thông qua Chương trình hành động Việt Nam-Châu Phi, năm 2004,
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thành lập cổng giao dịch Internet giới thiệu
các thị trường lớn như Nam Phi, Angiêri, Marốc... Đây là một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường trao đổi thông tin giữa Việt Nam và các nước Bắc Phi.