Thuyết minh công nghệ xử lý

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu sự cố tại các công trình đơn vị thuộc hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp biên hòa II (Trang 28 - 30)

a. Công đoạn tiền xử lý cơ học:

Nước thải từ các nhà máy trong KCN Biên Hòa II chảy theo hệ thống thu gom nước thải tập trung về bể thu gom B01. Tại đây có bố trí song chắn rác thô, giữ lại rác có kích thước lớn hơn 2,5 cm như nilon, vải, gỗ,... nhưng trong nước thải vẫn còn các chất nổi chủ yếu là dầu mỡ từ khâu rửa máy móc nhà xưởng của các nhà máy trong KCN. Lượng chất nổi này sẽ được tích lũy lại cho đến khi tạo thành lớp váng nổi tương đối dày và được công nhân vớt thủ công ra khỏi bể. Tại bể thu gom có lắp đặt máy đo pH hoạt động liên tục để kiểm soát pH của nước thải. Từ đây nước thải được 3 bơm chìm (hoạt động theo nguyên tắc phao) luân phiên bơm nước lên sàng quay lọc rác tinh.

Ở sàng quay lọc rác tinh, rác có kích thước lớn hơn 5mm bị giữ lại và tự động rơi xuống thùng chứa rác. Từ sàng quay lọc rác tinh, nước thải sẽ được phân ra các giai đoạn xử lý tùy thuộc vào đặc tính:

- Nước thải có đặc tính tốt (pH dao động trong khoảng từ 6,5 – 8,5 và không có màu sắc bất thường) sẽ được đưa vào bể điều hòa B02. Tại đây nước thải được sục khí để tránh quá trình yếm khí xảy ra và đảo trộn đều.

- Nước thải có đặc tính xấu (pH<6 hay pH>9; nước thải về có màu sắc khác thường: đen, trắng đục, xanh) sẽ được chảy về bể báo động B03 để được xử lý hóa lý, đặc tính của nó được xác định bởi thiết bị phát hiện chất độc hại Bioscan- Biomaste (phát hiện các chất độc hại ảnh hưởng đến sự phát triển của vi sinh vật như : các chất hữu cơ mạch vòng; chất tẩy rửa bề mặt; các kim loại nặng Zn,Cu, Cr,…).

b. Công đoạn xử lý hóa lý:

Nước thải sau khi phát hiện có độc tố ảnh hưởng tới sự phát triển của vi sinh vật được đưa đến bể báo động. Tại đây nước thải được 2 bơm chìm bơm đến công đoạn xử lý hóa lý. Công đoạn xử lý hóa lý gồm bể keo tụ A04 và bể lắng sơ cấp B04. Tại bể keo tụ các hóa chất được sử dụng là FeCl3, NaOH, và chất trợ keo tụ polymer anion polyacrylamide nhằm mục đích trung hòa pH, keo tụ các kim loại nặng. Nước thải sau quá trình keo tụ sẽ chảy tràn qua bể lắng sơ cấp, tại đây dầu mỡ

được tách bởi hệ thống gạt dầu, phần cặn lắng được hệ thống gạt bùn gom về bể thu bùn và bơm đến công đoạn xử lý bùn. Nước sau khi lắng sẽ chảy tràn qua máng về bể điều hòa B02 để đến công đoạn xử lý sinh học.

Sau khi bùn được bơm đến bể nén bùn B08, ở đây bùn và nước được tách một phần, nước chảy về bể thu gom B01 còn bùn sau khi nén được bơm lên trộn chung với polyme cation polyacrylamide vào máy ly tâm bùn. Ở máy ly tâm bùn, nước được tách ra khoảng 10 – 40 %, nước sau ép chảy về bể thu gom và bùn sau khi ép cho vào thùng chứa đưa tới sân phơi bùn đến thời gian định kỳ sẽ có xe tải đến thu gom và đưa đi chôn lấp ở bãi xử lý chất thải rắn.

c. Công đoạn xử lý sinh học:

Trong trường hợp hệ thống tự động kiểm tra cho thấy nước thải không chứa độc tố ảnh hưởng đến xử lý sinh học thì từ sàng lọc rác tinh được tập trung lại tại bể điều hòa B02. Tại đây, nước thải được điều hòa về nồng độ và lưu lượng chất thải, điều chỉnh pH về khoảng tối ưu (pH dao động trong khoảng từ 6,5 – 8,5) cho quá trình xử lý sinh học bằng công nghệ Unitank một bậc hiếu khí.

Nước thải từ bể điều hòa được bơm liên tục lên cụm bể xử lý sinh học B05 – B06 – B07. Tại bể Unitank, quá trình xử lý sinh học hiếu khí lơ lửng được thực hiện. Trong bể Unitank sẽ diễn ra quá trình oxy hóa sinh hóa các chất hữu cơ hòa tan và dạng keo trong nước thải dưới sự tham gia của các vi sinh vật hiếu khí. Vi sinh vật sẽ tiêu thụ các chất hữu cơ trong nước thải để sinh trưởng. Vi sinh vật phát triển thành quần thể dạng bông bùn dễ lắng và được lắng ngay trong bể. Để hiệu quả xử lý của bể Unitank ổn định, lượng bùn vi sinh trong bể luôn được duy trì ở một giá trị nhất định. Phần bùn dư được lấy ra và được xử lý trong các công đoạn xử lý bùn.

Nước trong được tách ra từ bể B05 và B07 qua các máng tràn răng cưa theo ống dẫn nước đưa qua bể chứa nước sạch B09 và đưa vào hồ hoàn thiện 3 ngăn. Khi nước thải được đưa ra ngăn thứ ba của hồ hoàn thiện sẽ được châm với Javen diệt khuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận là suối Bà Lúa và đổ ra sông Đồng Nai.

Về công tác xử lý bùn: Bùn dư từ các bể xử lý sinh học B05 – B06 – B07 sẽ được bơm với lưu lượng ổn định qua bể nén bùn B08. Cánh khuấy bùn trong bể sẽ tạo điều kiện cho bùn tách nước và lắng, nước dư nổi trên bề mặt chảy vào kênh chảy tràn/tấm chắn và quay trở về bể thu gom nước thải để tiếp tục được xử lý. Bùn đặc ở đáy được bơm bùn bơm vào thiết bị máy ép bùn ly tâm. Bánh bùn sau khi ép được đổ vào thiết bị thu bùn khô và chuyển qua sân phơi bùn và chuyển đi chôn lấp theo qui định, nước dư lại trở về bể thu gom nước thải.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu sự cố tại các công trình đơn vị thuộc hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp biên hòa II (Trang 28 - 30)