SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA TÍNH DÂN TỘC TRONG CÁC TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC HIỆN ĐẠ

Một phần của tài liệu Tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc giai đoạn 1986 đến 2016 (Trang 54 - 57)

TỘC TRONG CÁC TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC HIỆN ĐẠI 3.1. Giá trị của tính dân tộc trong tác phẩm điêu khắc thể hiện ở nội dung tư tưởng

Giá trị của tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc cho thấy khát vọng biểu hiện cảm xúc nội tâm, cá tính phong cách của các nghệ sĩ. Trên các bức chạm nhiều nghệ nhân đã cố gắng dùng khả năng, trình độ khéo léo của mình để mô tả những niềm vui, nỗi buồn, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình lên từng thớ gỗ, đồng, xi măng, thạch cao, thép, sắt…một cách sâu sắc.

Và ở một khía cạnh nội dung nào đó, chính bản thân những tác phẩm đó đã truyền tải thông điệp tinh thần dân tộc đến với người thưởng thức.

Toàn bộ những tìm tòi về mặt nội dung tác phẩm điêu khắc khắc có yếu tố tính dân tộc đều chú trọng đều khai thác tâm lý, tình cảm con người Việt hoặc đại diện cho tiếng nói của người dân lao động: những thay đổi về tâm lý, trạng thái văn hóa, tinh thần của người dân Việt. Tất cả như mạch ngầm được thấm vào máu, vào thịt, vào tâm trạng nhà điêu khắc để rồi được òa ra tung tẩy, thỏa mãn trên từng khối, mảng, từng diện, từng khuôn khổ phạm vi của chất liệu.

Tất cả đều đạt đến độ hoàn hảo, ta không thấy xuất hiện bất kỳ sự thúc ép nào về mặt tạo hình, về khuôn mẫu mà chỉ thấy sự tự do phóng khoáng xuất hiện hầu hết trên các tác phẩm từ năm 1986 đến 2016.

Các hình ảnh, nội dung được thể hiện dường như đều lột tả tâm trạng người làm ra nó: mặc dù các hình khối có đơn giản hay phức tạp, bị vặn vẹo,

bóp méo, hay cường điệu, cách điệu các chi tiết một cách tỉ mỉ, công phu thì vẫn không mất đi cái đẹp đẽ, cái tinh thần của nội dung tác phẩm.

Ngoài ra những nội dung khai thác cảm xúc đẹp đẽ của tình yêu quê hương đất nước, thì tình yêu cuộc sống cũng được tái hiện trên các tác phẩm có tính dân tộc, có mạch nguồn văn hóa cha ông, đều bộc lộ cuộc sống riêng hết sức thú vị.

Những cái đẹp thông thường chỉ có thể làm thỏa mãn nhu cầu của thị giác thông thường tuy nhiên chưa chắc đã làm thỏa mãn những tâm hồn nhạy cảm mà những điều nội tâm sâu thẳm đòi hỏi lại vô cùng vô tận, có thể vì vậy nên các nhà điêu khắc luôn mong muốn biến đổi cho nó mới hơn, hấp dẫn hơn.

Chúng ta có thể thấy khái niệm "yếu tố dân tộc" của tượng dân gian được truyền tải mạnh mẽ vào từng tác phẩm điêu khắc của các tác giả hiện đại đã được phân tích ở trên. Nổi bật là cách nhìn ước lệ, khái quát, bất chấp quy luật thị giác thông thường, khác hẳn nhận thức vật lý chật chội hay quan niệm xa gần, viễn cận kinh điển của Phương Tây. Nếu ta mở rộng thêm nghĩa của không gian thì có thể nói rằng, không gian trong tượng dân gian còn mang nội dung xã hội sâu sắc, nội dung triết học bền bỉ, kinh viện. Đó là một không gian tạo hình không chấp nhận những công thức thị giác thông thường, được mở ra mọi chiều, mọi hướng để chứa đựng một không gian xã hội - tư tưởng. Là nơi để thỏa mãn sự sáng tạo của người thể hiện, là nơi cởi trói, giải thoát sự o bế của nội dung mà nhường lại hết cho sự sáng tạo, trải nghiệm và tự do thể hiện cảm xúc.

Mặt khác, nếu nghệ thuật là một hệ thống tín hiệu thì nghệ thuật tạo hình dân gian có hàm lượng thông tin rất lớn. Những nụ cười châm biếm vừa sắc sảo vừa tế nhị như những thông điệp muốn tuyên truyền, gửi gắm vào tâm tình của những người lao động,...

Trong không gian chật hẹp của thôn xã Việt Nam xưa kia, ông cha ta chỉ còn một hướng hành động duy nhất: nhìn thẳng vào cuộc sống hiện thực thấm đẫm nước mắt và mồ hôi, nơi có đầy đủ thang bậc của cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố, nơi giao thoa giữa tình cảm con người với con người, con người với thiên nhiên, với xã hội. Nơi tiếng nói của hình khối được vút cao, bay bổng. Do đó, họ đã phát hiện ra một phương tiện mới - một tiếng nói tạo hình mới, khác hẳn tiếng nói tạo hình của cung đình và tôn giáo.

Đó là chất hiện thực và hiện đại hiện rõ trên phù điêu, chạm khắc đình làng, trên các tượng thờ dân gian quen thuộc: tượng A di đà, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, tượng La Hán chùa Tây Phương, chùa Mía...

Những nội dung hết sức dung dị gần gũi lấy ý tưởng ngay trong đời sống làng xã, ngay trong sinh hoạt hàng ngày làm tư liệu để sáng tạo. Chúng tạo ra mối quan hệ khăng khít, tư liệu từ đời sống được chuyển hóa vào tinh hoa nghệ thuật, và những tinh hoa nghệ thuật đẹp đẽ kia lại quay trở lại phục vụ chính đời sống tinh thần của người dân, nhờ vậy nó biến thành tài sản chung, niềm tự hào chung của dân làng.

Những tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc luôn mang thông điệp về nội dung nào đó, bởi như vậy mới lột tả hết những cảm xúc, những tâm trạng, những uẩn ức, những chịu đựng nằm sâu bên trong mỗi con người. Và để phù hợp với những yêu cầu trên, cần có những con mắt tư duy và rung động của nhà điêu khắc thì mới tạo ra sự biểu cảm và phong phú trên các tác phẩm đến vậy. Chính những nhà điêu khắc đã “ký tên” vào những tác phẩm của mình để từ đó nó có mặt trong đời sống của muôn đời sau.

Tóm lại, những tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc luôn mang tình tiết riêng biệt, mang ý nghĩa chặt chẽ gắn bó với nền văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh độc đáo của người Việt được hun đúc từ ngàn đời.

Một phần của tài liệu Tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc giai đoạn 1986 đến 2016 (Trang 54 - 57)