KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1 Kết luận

Một phần của tài liệu Tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc giai đoạn 1986 đến 2016 (Trang 71 - 75)

1. Kết luận

Đảng ta đã khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thầm sâu vào toàn bộ đời sống và hành động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người” mà Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) đưa ra đến nay vẫn là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta, cần được kế thừa, bổ sung và phát huy trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội X (2006) đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Trong Nghị quyết Trung ương khóa VIII của Đảng cũng đề cập đến vấn đề “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã nhận định “ Đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, người dân Đất Tổ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đẩy mạnh

hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao hướng về cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn”

Hiện nay với xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tác động mạnh mẽ đối với đời sống văn hoá của đất nước ta. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nước ta không thể nằm ngoài dòng chảy văn hóa của các nước trong khu vực, do vậy không tránh khỏi sự áp đặt các giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống nhanh, thực dụng theo lối “Phương Tây hóa” đang xâm lấn nền văn hóa nước nhà.

Tính dân tộc trong nghệ thuật điêu khắc cho tới hiện nay vẫn thu hút sự quan tâm của người dân, chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, bởi vậy nó xứng đáng là một vết son trong lịch sử, là niềm tự hào của người dân Việt.

Việc phân tích và hệ thống tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc, tiêu biểu là những tác phẩm trong triển lãm toàn quốc cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Cách thức nghiên cứu tính dân tộc một phần sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn của sinh viên mỹ thuật, nhưng mặt khác cũng góp phần giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho mọi đối tượng sinh viên, với mục đích đưa sinh viên tiếp cận, biết yêu, biết trân quý, biết giữ gìn và phát huy kho tàng văn hóa dân tộc riêng biệt, phong phú của Việt Nam.

Với toàn bộ những nghiên cứu mang tính phổ quát, nhóm nghiên cứu đã trình bày một cách có hệ thống về giá trị của tính dân tộc thông qua sự phân tích, so sánh, đánh giá nhận xét các tác phẩm điêu khắc trên cơ sở phân tích những vấn đề đã được đặt ra và giải quyết có thể thấy: tính dân tộc trong các tác phẩm điêu khắc luôn tạo ra sự thay đổi về diện mạo mới: về hình, về khối, về cấu trúc, về đặc điểm, về màu sắc, về không gian…nó mở rộng biên độ hơn về lối diễn hình đối tượng, cảm xúc của nhân vật, đối tượng.

Cách xây dựng bố cục, thể hiện tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc thường là sự thay đổi về thủ pháp tả kể, nó phát triển từ cái thấy đơn thuần sang sự nhìn phức tạp, biểu hiện, cao hơn sự miêu tả sự vật hiện tượng thông thường, tìm về giá trị cốt lõi truyền thống.

Bản thân mỗi tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc luôn tạo ra sự riêng biệt trong cái tổng hòa của nghệ thuật điêu khắc nói chung. Nó luôn muốn vượt qua những hình ảnh đã quen mắt với mọi người để vươn tới cái nhìn có cảm xúc sâu kín và lắng đọng hơn, chạm nhiều hơn đến cảm xúc của người xem.

Thông qua nghệ thuật điêu khắc có tính dân tộc giúp ta nhận thấy giá trị đích thực của sự lao động sáng tạo và tài năng, sự khéo léo của các nghệ sĩ, nhà điêu khắc đương đại.

Với mục tiêu và định hướng ngay từ ban đầu nhóm nghiên cứu không đề cập hoặc nhận xét gì đặc biệt về những trường hợp, phong cách cũng như nghệ thuật điêu khắc cụ thể nào mà chủ yếu phân tích vai trò, giá trị của tính dân tộc trong điêu khắc là chính. Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu để chứng minh ý nghĩa nội tại, sự hình thành, và ở chừng mực nào đó tìm đến giá trị đích thực của tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc gần với cuộc sống hiện tại.

Trong nghệ thuật sáng tác tác phẩm điêu khắc có tính dân tộc, nếu cứ bóc tách mọi vấn đề một cách rõ ràng, rành mạch là điều khó có thể thực hiện được. Vậy nên, quan điểm của nhóm nghiên cứu là chỉ khảo sát, phân tích dân tộc trong điêu khắc Việt Nam hiện đại ở một thời kỳ cụ thể trong một giai đoạn nhất định. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật vẫn chủ trương tiếp tục tìm hiểu những giá trị văn hóa, những biểu đạt của nghệ thuật tinh hoa nhất nền điêu khắc Việt Nam để có được những giải thích, đánh giá thỏa đáng và trân trọng.

Với những đóng góp như trên, đề tài tạo ra một cơ sở dữ liệu cần thiết góp phần bổ sung làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật điêu khắc cho tỉnh Phú Thọ và những người quan tâm.

2. Kiến nghị

Sinh viên mỹ thuật cần được Nhà trường tạo điều kiện cho đi tham quan Bảo tàng, các công trình kiến trúc, điêu khắc có tiếng vang để dần nâng cao nhận thức về thẩm mĩ cho bản thân.

Một phần của tài liệu Tính dân tộc trong một số tác phẩm điêu khắc giai đoạn 1986 đến 2016 (Trang 71 - 75)