CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ DU LỊCH TÔN GIÁO TÍN NGƯỠNG
2.2. Các giá trị của di sản “Thực hànhTín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của ngườ
người Việt”
2.2.1. Giá trị văn hoá
Thực hànhTín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện tính dân gian gắn bó với cộng đồng, tính cởi mở dễ thích ứng với sự biến đổi xã hội, lại thể hiện tính quy chuẩn của một tôn giáo dân gian. Đó chính là nét độc đáo của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Hoạt động Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu mang những yếu tố văn hoá dân gian đặc trưng của người Việt, những lề lối sống những văn hoá đời thường như ăn trầu, uống rượu, dâng hương, thướng tiền, nghe văn,… hoặc lắng nghe những lời thỉnh cầu, giao tiếp với cộng đồng.
Văn hoá ăn trầu trong hoạt động thực hành Tín ngưỡng: người Việt ta từ xưa đến nay đã có văn hoá ăn trầu từ ngày thường cho đến hiếu, hỉ, tết, giỗ… đều có sự xuất hiện của cơi trầu điếu thuốc. Nhai trầu không chỉ là một thói quen mà đã trở thành một yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đầu tiên, đó chính là sự thể hiện cho nét giao tiếp đặc sắc của người Việt. Dân gian Việt Nam có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, câu này có nghĩa là mỗi khi gặp nhau, sau khi chào hỏi thì người ta sẽ mời nhau ăn trầu rồi tiếp đến mới ngồi xuống nói chuyện. Trong hầu đồng khi ông đồng hay bà đồng thỉnh hầu những giá nữ thần thì đa phần sẽ dâng trầu lên để thánh ngài về chứng và ngự một đôi miếng trầu. Thông thường trầu dùng trong khi hầu đồng thường sẽ là trầu têm cánh phượng, khi têm trầu cánh phượng, người ta vẫn sử dụng những nguyên liệu là lá trầu, cau và vôi nhưng những món đó lại được sắp xếp với hình dáng cầu kỳ,
kiểu cách. Điều này vừa thể hiện sự sang trọng của trầu cau trong các dịp lễ, lại vừa nói lên sự khéo léo của những người têm trầu. Dù thời gian có trôi đi khiến cho tục nhai trầu ít nhiều bị thay đổi, thế nhưng trong hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu thì trầu cau vẫn được gìn giữ một cách trân trọng. Điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt như một nét văn hóa tốt đẹp mãi lưu truyền. Văn hoá uống rượu, nghe văn trong thực hành Tín ngưỡng: cùng với sự xuất hiện của cau trầu thì rượu cũng là một thứ đồ mà dân gian ta từ xưa đến nay cũng khó vắng trong vạn tiệc. Uống rượu là văn hoá của Việt Nam ta từ rất lâu đời, người Việt quan điểm luôn là hiếu khách, sau lời chào bằng miếng trâu và sau đó là những câu chuyện. Người Việt Nam có tục lệ uống rượu khi ăn, mang ý nghĩa tương sinh hài hòa, thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển” của Phương Đông. Cho nên có thể nói rằng uống rượu là một phạm trù văn hóa không thể thiếu của người Việt ta từ trước tới nay. Và không ngoại lệ thì trong những buổi hầu đông đồng nhân sẽ chuẩn bị trước một chút rượu để khi thỉnh thánh giáng đồng sẽ dâng rượu chúc thánh, rượu chúc thánh sẽ dâng tam tuần và thường sẽ dâng các vị nam thần tức là các quan lớn các ông hoàng hay cậu bé và một số vị nữ thần miền thượng như các chầu bà các chúa ngàn. Hình tượng người quân tử người quân tử thì phải sành “Cầm, kỳ, thi, họa,tửu”, cùng “bầu rượu, túi thơ” để “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc”. Hình tượng “bầu rượu” là có thật, rượu được rót vào vỏ quả bầu khô nhỏ, rất tiện cho việc đeo,mang trên người. Trong hầu đồng thì hình ảnh này cũng được khắc hoạ lại qua việc hầu các giá ông hoàng, như ông hoàng Bơ, hoàng Bảy, hoàng Mười luôn có bầu rượu , túi thơ đeo bên mình.
Sau khi chúc rượu thánh thì sẽ dâng văn chúc thánh các thánh ngài sẽ ngự đồng và ngồi nghe văn sau đó là thướng tiền cho cung văn và ban lộc cho muôn dân bách gia trăm họ. Dân ta luôn có quan điểm “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần” nên trong mỗi buổi hầu đồng thì đồng nhân sẽ chuẩn bị rất nhiều đồ lễ khác nhau để trước có tâm dâng lễ sau hạ đàn chia lộc bách gia “Nhất lộc hoa, nhì lộc quả, thứ ba lộc tiền” những đồ tán lộc đến mọi người sẽ là những thứ như hoa quả bánh kẹo và tiền Ứng xử trong tâm linh đó là lắng nghe những
lời thỉnh cầu và phán truyền ban phúc. Trong những buổi hầu đồng thì ông đồng bà đồng là những người thay mặt cho những người trần thường lên hầu thánh, để người thường có thể được giao tiếp với các vị thần linh và khi hầu thì những người có mong muốn và tâm nguyện gì sẽ khấn nguyện xin và những ông đồng bà đồng sẽ phán những lời ban phúc cho dân.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu luôn mang tính bản địa, địa phương nhưng trong văn hoá thực hành tín ngưỡng vẫn theo một quy cách nghi thức chung. Hầu đồng, đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng, là sự tái hiện lại hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu. Trước khi hầu, ông Đồng hay bà Đồng phải thông qua người chủ đền làm “lễ thánh và lễ chúng sinh”. Lễ chúng sinh có mặt trong tất cả các nghi lễ của tín ngưỡng Tứ phủ và các tín ngưỡng dân gian khác dành cho các vong hồn lang thang, cơ nhỡ không người thờ cúng. Giúp việc trực tiếp cho ông,bà đồng có những người hầu dâng và cung văn. Người hầu dâng là những người đã từng hầu đồng, họ giúp ông,bà đồng những việc như thắp hương, dâng các loại binh khí, thuốc lá, rượu, trầu… nhất là, giúp người hầu thay lễ phục khi chuyển các giá hầu. Hai người hầu dâng thường ngồi hai bên ông,bà đồng trước bàn thờ Thánh, họ mặc áo dài đen quần trắng, đàn ông đội khăn xếp, đàn bà mặc áo dài màu. Cung văn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong nghi thức hầu bóng. Họ dùng các loại nhạc cụ và hát để dẫn nhịp các giá đồng. Cung văn hát càng hay, dừng đúng nhịp khi Thánh nhập, sẽ được ông,bà đồng thưởng cho rất nhiều tiền hoặc ban lộc.
Trình tự của một buổi hầu đồng có thể diễn ra theo các bước: Thánh giáng, Thánh thăng, thay lễ phục, thắp hương làm phép, múa đồng, ban lộc và nghe chầu văn, Thánh thăng. Sau khi đứng lên làm lễ và xin phép mọi người được nhập đồng, ông/bà Đồng trùm khăn đỏ phủ diện lên đầu để thực hiện nghi thức Thánh giáng. Có hai hình thức Thánh giáng, là giáng trùm khăn (hầu tráng mạn) và Thánh nhập (mở khăn). Đối với các Thánh Mẫu thường hầu theo kiểu tráng mạn. Để nhận biết các Thánh giáng, ông,bà đồng dùng ngón tay để ra hiệu, và dùng tay bắt chéo trước trán báo hiệu Mẫu đã thăng. Ngoài ba vị Thánh Mẫu
bao giờ cũng giáng, thì còn có các vị Thánh nhập nhiều và giáng lâu như: Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Ngũ; Chầu Đệ Nhị, Chầu Lục; Ông Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, Cô Bơ Thoải, cô Bé Thượng Ngàn, Cậu Bơ… các vị khi giáng nhập thường ban lộc cho những người cầu xin.
Trong một buổi hầu đồng, thông thường là có nhiều vị Thánh giáng (khoảng từ 10 đến 15 vị, có thể đến 20 vị). Việc Thánh giáng cũng theo thứ tự rất chặt chẽ: từ Thánh Mẫu, hàng Quan, hàng Chầu, hàng ông Hoàng, hàng Cô Cậu, Ngũ Hổ, Ông Lốt, vong linh tổ tiên ông,bà đồng. Trong nghi thức hầu đồng, trùm khăn phủ diện có ý nghĩa quan trọng nhất. Lúc trùm khăn, ông,bà đồng coi như đã chết, họ chỉ là “cái giá,ghế” để Thánh nhập. Khi Thánh đã giáng và nhập đồng, lúc này ông, bà đồng không còn là mình nữa, mà là hiện thân của thần linh, mọi người ngồi dự lễ cũng phải cung kính, thưa gửi như “tế thần như thần tại”. Khi ông,bà đồng được thánh nhập, họ sẽ dùng tay để ra hiệu (thánh nam thì ra hiệu tay trái, thánh nữ thì tay phải). Những người hầu dâng,giúp việc hầu cho ông,bà đồng có nhiệm vụ thay trang phục phù hợp với Thánh đã nhập. Mỗi vị thánh đều có những kiểu dáng và màu sắc lễ phục riêng phù hợp với tính cách từng người. Sau khi thay đổi lễ phục, các ông,bà đồng phải làm nghi thức dâng hương. Đối với thánh nam thì quỳ lậy, giơ cao bó hương trước trán; thánh nữ thì quỳ dâng hương, dập đầu xuống đất ba lần. Đây là một nghi thức không thể thiếu đối với sự giáng nhập của các vị thánh. Ông, bà đồng sẽ nhận một bó hương từ tay người hầu dâng, rút một nén hương cầm tay phải hướng làm động tác “khai quang,cuông”. Sau khai quang, ông, bà đồng sẽ dùng số hương còn lại, tiến tới bàn thờ thánh để dâng hương. Mỗi lần vái lậy, một tiếng chuông được cất lên. Theo Ngô Đức Thịnh: “dâng hương là một hành vi tôn kính, một lời cầu nguyện thầm lặng, biểu hiện bằng làn khói bốc lên trời. Hương cũng như màu sắc chói lọi, mùi hương thơm của nước hoa, mùi trái cây… không những làm các vị thần linh thích, mà còn có tác dụng xua đuổi tà ma, chống lại những cái gì chết chóc, không có sự sống”.
Trong hầu đồng, nghệ thuật vũ đạo là một hoạt động quan trọng và có thể được coi là bằng chứng cho việc nhập hồn, tái sinh của Thánh vào cơ thể của
ông,bà đồng. Tùy theo mỗi vị trí và tính cách của vị Thánh mà các động tác múa cũng khác nhau. Lúc này, động tác múa của người hầu đồng phải kết hợp nhịp nhàng với âm nhạc và lời hát của cung văn, tạo nên không khí nhộn nhịp, khi hào hùng khi duyên dáng. Mỗi lần múa xong, Thánh lại ngồi xuống, lúc này, cung văn hát những bài chầu văn kể lại sự tích, lai lịch và ca ngợi tài năng, sắc đẹp, công đức của vị Thánh đang giáng. Những người hầu dâng cũng dâng lên Thánh rượu, trà, thuốc lá, trầu,…; trước khi dâng, lễ vật đều được khai quang, làm sạch các đồ dâng cúng
Giá trị văn hóa của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc trình diễn với thể hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa tâm linh. Các thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu như một vở kịch có lớp lang, được trình diễn theo thứ tự bởi ý niệm, bởi thực hành với sự thay đổi âm nhạc, ca từ, nghi lễ, khăn áo, đạo cụ và cách thức trình diễn.
2.2.2. Giá trị nghệ thuật
Giá trị nghệ thuật của di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện qua sự kết hợp nghệ thuật tổng hợp bởi các điệu hát văn, điệu múa, trang phục, đạo cụ…. sự kết hợp các yếu tố này mang tính nghệ thuật rất đặc sắc và là nơi hội tụ nghệ thuật của các vùng miền khác nhau của Việt Nam. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được coi là “bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt với sự kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, lời ca, điệu múa…
Mỗi nghi lễ hầu đồng có từ 5 - 36 giá. Mỗi giá hầu một vị Thánh với trang phục, điệu múa, bài hát, lễ vật khác nhau. Âm nhạc và bài hát trong nghi lễ hầu đồng được gọi là hát chầu văn (hát văn). Mỗi làn điệu hát văn gắn với một vị Thánh, kể về truyền thuyết, công trạng của họ. Những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tin rằng nghi lễ hầu đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh, gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình tới thần linh.
Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các
cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn lại có cơ hội phát triển. Các trung tâm của hát văn là Hà Nam, Nam Định và một số vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật chầu văn đang được quan tâm bảo tồn và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện tại, Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Phủ Dầy Nam Định đã được đưa vào danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Hát văn có nhiều hình thức biểu diễn bao gồm là hát thờ, hát thi, hát hầu (hát phục vụ hầu đồng, lên đồng), và hát văn nơi cửa đền:
- Hát thờ: được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa…) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng.
- Hát hầu, trong hát hầu theo tín ngưỡng tứ phủ thì ba giá tam tòa Thánh Mẫu là bắt buộc và hầu tráng bóng chứ không tung khăn. Các giá tung khăn bắt đầu từ hàng Quan Lớn trở xuống. Trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, người ta có thể kết hợp hầu tứ phủ hoặc hầu riêng, nếu hầu kết hợp với tứ phủ thì thường thỉnh tam tòa Thánh Mẫu đầu tiên, còn nếu hầu riêng thì thỉnh đức Thánh Vương Trần Triều đầu tiên (các trường hợp cá biệt hầu Vương Phụ An Sinh Vương… thì sẽ hầu trước Đức Thánh Vương Trần Triều).
- Hát văn nơi cửa đền: thường gặp tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Các cung văn hát chầu văn phục vụ khách hành hương đi lễ. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền, và hát theo yêu cầu của khách hành hương. Nhiều khi lời ca tiếng hát được coi như một bài văn khấn nguyện cầu các mong ước của khách hành hương
Hát văn là lễ nhạc hát chầu Thánh nên có vai trò quan trọng trong lễ hầu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.
Các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo đàn thập lục, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu.
Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và cả những điệu hát của dân thiểu số, xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không.
Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông Đồng bà Cốt. Trong nghi lễ đó, hát vǎn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi đã múa các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này cũng là lúc thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu, thuốc lá, trầu nước v.v. Các thứ thánh dùng phải làm nghi thức khai cuông (khai quang) cho thanh sạch.
Nghệ thuật diễn xướng được thể hiện rõ nét nhất là trong nghi thức hầu đồng. Vào lúc này, các ông,bà đồng phải cải trang, thay đổi trang phục liên tục mỗi khi chuyển các giá hầu. Trong quá trình thánh thăng giáng vào ông, bà đồng, các cung văn sử dụng giai điệu cũng như lời ca mà lúc lên bổng xuống trầm, lúc từ tốn khoan thai, lúc déo dắt, dồn dập… Từ âm nhạc sôi động, các ông/bà đồng cảm nhận bài bản gắn liền với xuất thân, hành trạng, công đức của vị thần linh ấy mà thăng hoa. Nghệ thuật trang phục đạt tới sự tinh tế, chặt chẽ về màu sắc, kiểu dáng. Cùng với âm nhạc từ các cung văn, trang phục của các ông, bà đồng hòa vào vũ đạo mà tạo ra tính cách, sở thích… của mỗi vị thần linh trên điện thờ. Đây là sự pha trộn hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền của người Việt.