Người Dao nói chung và người Dao ở Tân Sơn - Phú Thọ là một trong những dân tộc cho đến bây giờ vẫn duy trì được bản sắc truyền thống đậm nét, không chỉ thể hiện qua trang phục, mà còn thể hiện qua tiếng nói. Dân tộc Dao ở Tân Sơn được chia thành hai nhóm khác nhau là Dao quần chẹt và Dao Đeo tiền nhưng ngôn ngữ của họ là thống nhất, điều đó cho thấy rõ mối quan hệ gắn kết giữa các cộng đồng người Dao với nhau. Người Dao ở Tân Sơn sinh sống ở nhiều vùng địa hình khác nhau nhưng sinh hoạt cộng đồng của họ vẫn mang tính chất khép kín, điều đó thể hiện qua phong tục tập quán, qua hôn nhân (khi dựng vợ gả chồng cho con cái, người Dao chỉ mong là gả trong cộng đồng). Đấy là một trong những đặc điểm để người Dao giữ gìn ngôn ngữ và phong tục tập quán của mình. Cùng với đó, văn hóa tâm linh là yếu tố vô cùng quan trong trong đời sống của người Dao, thể hiện đặc biệt qua nghi lễ cúng bái.
Để duy trì được tiếng Dao trong cộng đồng dân tộc người Dao ở Tân Sơn, những người già trong làng thường dạy con cháu viết và đọc từ những cuốn sách cổ chữ Dao. Những cuốn sách cổ này hầu như gia đình nhà người Dao nào cũng có. Bản thân những nhóm người Dao ở Tân Sơn họ có thể nói và hiểu được ngôn ngữ của những nhóm dân tộc khác. Tuy nhiên, bằng nhiều cách trong cuộc sống, các nhóm Dao này vẫn duy trì và bảo tồn được ngôn ngữ tiếng Dao của dân tộc mình. Con cháu của người Dao ra ngoài nhiều, nói tiếng kinh rất rõ nhưng về nhà cả gia đình lại chỉ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ tiếng Dao. Trong làng cứ những ai biết nhiều chữ Dao sẽ được người trẻ tìm đến tập trung học. Nhiều người rất thích học vì nó liên quan đến rất nhiều các nghi lễ trong cuộc sống và trong mỗi gia đình, đặc biệt là nhà trưởng họ đều có các loại sách và đều được giữ cẩn thận trong nhà. Nhà nào cũng có sách nên nếu nhà này có mất thì đã có nhà kia. Nhất là những nhà đi cúng thì đều có sách và sách nhiều. Sách truyện, sách đám cưới, sách cúng đều có.
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của các dân tộc ít người có phần bị ảnh hưởng, nhưng dân tộc Dao vẫn giữ được nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc của đời sống. Chính những nét văn hóa đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.