Giá trị văn hóa tinh thần của người Daoở huyện Tân Sơn

Một phần của tài liệu Bản sắc văn hóa của người dao ở huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 29 - 36)

2.2.1.Cưới hỏi

Tục lệ cưới hỏi của người Dao gồm nhiều nghi lễ phức tạp, trong mỗi nhóm lại có những nghi lễ riêng. Để đi đến kết hôn thường là do đôi trai gái tự tìm hiểu nhau nhưng cũng có trường hợp cha mẹ chọn sẵn hoặc do mai mối. Ở người Dao việc xem tuổi được coi là yếu tố quan trọng nhất, họ phải nhờ thầy bói xem tuổi của hai người có hợp nhau hay không rồi mới đi đến kết hôn. Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió, nghĩa là tuổi hay lá số của đôi trai gái hợp nhau thì gia đình nhà trai phải nhờ ông mối đến đặt vấn đề với nhà gái. Khi đã được nhà gái chấp nhận thì tiến hành lễ dạm hỏi.

Đối với người Dao Quần Chẹt, nhà trai (có thể là bố, mẹ, chồng hoặc chú bác) đến nhà gái mang trầu cau (10 quả) để hỏi năm sinh, tháng đẻ của người con gái (có khi nhà trai phải đi lại nhiều lần, nhà gái mới đồng ý cho biết ngày sinh tháng đẻ của con gái mình). Sau đó, về nhờ người xem sách tử vi xem đôi trai gái ấy có hợp nhau không. Nếu được, nhà trai mổ một con gà trống khoảng trên 1 kg luộc chín, đặt lên bàn thờ cúng rồi xem chân giò, thấy tốt thì đến nhà gái để trả lễ. Trong khi đi đường, kiêng kị gặp người mang vác cuốc, xẻng, lợn lửng, chuột dũi, tê tê (cho là không may mắn). Lần thứ ba, nhà trai đến nhà gái để hỏi về lễ lạt thách cưới. Xưa kia, thông thường nhà gái lấy hai nén bạc, 80kg thịt lợn xô, 40 kg gạo, 40 lít rượu, 1 đôi gà, 1 yến gạo giã thật trắng (để cho mẹ đẻ người con gái ăn chay). Tuy nhiên, ngày nay lễ lạt thách cưới không còn khắt khe như vậy mà chủ yếu đã được quy ra tiền mặt. Lần thứ tư, nhà trai xem ngày lành tháng tốt đến báo cho nhà gái ngày cưới.

Khi đi dạm ngõ, hai gia đình đều phải tự giới thiệu lí lịch, hoàn cảnh 3 đời nhà mình rồi mới lân la giới thiệu đến con cái cần dựng vợ gả chồng. Có khi chủ nhà gái giới thiệu tóm tắt lí lịch nhà trai cho anh em nhà mình biết để bàn chuyện. Sau đó, nhà trai về lấy con gà nặng khoảng 0,4kg cúng sống trước bàn thờ gia tiên và khấn rằng: đứa con trai nhà mình tên tuổi như ... nay được nhà ông … có con gái tên là… sinh ngày tháng năm… mong tổ tiên phù hộ cho kết hôn, nếu sung khắc vô sinh hoặc tai ương thì báo mộng vào chân gà, nếu tốt thì cho gặp gỡ tiếp theo. Sau đó mổ gà luộc chín xem chân gà. Xem xong chân gà, nhà trai đến nhà gái báo lại kết quả việc xem chân gà và bói dò đường không gặp rủi ro.

Lần thứ 3 đến xin thách cưới.

Lần thứ 4 đến xin giảm giá rồi đặt vuông vải gói 5 hào bạc trắng, 10 quả cau đặt cọc (khi cưới nhà gái trả lại cho nhà trai gói đặt cọc này).

Trong hôn lễ người Dao Quần Chẹt rất chú trọng đến thủ tục chọn và đón ông mờ. Ông mờ là người nhà gái. Nếu cô dâu là con gái cả thì ông mờ là anh trai hoặc em trai cô ta. Nếu cô dâu là con thứ thì ông mờ là chị gái hoặc anh rể cô ta, có trường hợp ông mờ là chủ nhà.

Nhà gái hẹn ngày dẫn nhà trai đi đón ông mờ. Tại nhà ông mờ, nhà gái nói lại toàn bộ công việc mà hai gia đình đã tiến hành.

Chủ nhà cho dọn rượu làm lễ cúng. Sau vài tuần ra rượu, nhà trai trình ra cơi trầu vuông vải gói dăm hào bạc trắng gọi là cái sảy. Đại diện nhà trai có lời xin đón ông làm ông mờ cho hai cháu. Nhà trai và ông mờ trao nhau cái “sảy” rồi cùng hướng lên bàn thờ vái 3 cái .

Khi ăn cơm nhà trai phải để ý xem ông mờ đã thết đãi mình món gì để dịp cưới, ngoài các món thông thường, sắp thêm các món đó để mời trả miếng cho ông mờ.

Sau đó về nhà trai bày cơm rượu mời anh em làng xóm ăn uống và nhờ họ đến làm giúp.

Ông mờ có mặt tại nhà gái. Nhà gái cũng mời thầy cúng có mặt hôm nhà trai dẫn đồ cưới. Nhà trai do một người đại diện phụ trách cỗ bàn cho nhà gái dẫn đoàn phu đám cưới gánh thịt, gạo, rượu đến nhà gái. Họ được nhà gái mời cơm rượu xong mới báo cáo bàn giao lễ. Khi xưa gặp phải những ông mờ của nhà gái hiếu thắng thì đoàn trai chịu khổ sở khi nghe những câu chê bai lễ lạt không tốt, không đẹp.

Sau khi được ông mờ nghiệm thu nhận lễ lạt, đoàn phu của nhà trai bắt đầu vào mổ lợn làm cỗ. Khi ấy tầm nửa đêm. Sáng ra cỗ bàn đã tinh tươm. Phu nhà trai phải nhấc cỗ mời khách nhà gái. Họ xếp mâm mời ông mờ ở vị trí trang trọng và cỗ bàn thịnh soạn nhất. Ăn uống xong, vị đại diện nhà trai mới mời thuốc ông mờ và khách khứa, rồi có lời mời ông mờ và bà con nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng.

Ông mờ làm bùa phép để ma quỷ không cản đường vì đồng bào quan niệm từ giờ này vì cô dâu chưa về đến nhà chồng nên chưa được tổ tiên nhà chồng nhập khẩu mà đã bị cắt khẩu ở nhà vãi rồi, trên đường đi không có tổ tiên nào bảo hộ nên phải có thủ tục bùa phép để xua ma quỷ xấu dẫn đường.

Ở nhà trai, từ sáng sớm cũng đã bày cỗ bàn ăn uống linh đình sau khi đã cúng báo xin tổ tiên thần thánh phù hộ. Nhà trai bày mâm cỗ thịnh soạn để mời ông mờ nhà gái, có thầy cúng và vài cụ cao niên ngồi tiếp. Chú rể cũng ngồi ăn

nhưng phải ngồi xổm để tỏ rõ ngồi hầu hạ. Uống vài tuần rượu, ông mờ mới tuyên bố bàn giao cô dâu cho nhà trai, và dặn dò cô dâu. Vì thế mâm cỗ này còn được gọi là mâm giao cô dâu cho nhà trai. Sau khi ăn, ông mờ trao trả vuông vải gói đồ đặt cọc của nhà trai hôm trước đến đón ông tại nhà. Sau đó ông mới đưa tiền mừng cho cô dâu tương đương mua được 10 kg thịt lợn.

Khi ông mờ về, nhà trai phải biếu ông mờ 10 kg thịt lợn để trong hai cái sọt mới, lót đáy lá rong. Bên trên chốc sọt để thỏi thịt cắt từ lưng xuống lườn có hai dẻ xương sườn. Trước khi người hầu của ông mờ gánh thịt về, ông mờ trả lại thỏi thịt đó cho nhà trai. Thỏi thịt đó là thịt “hồi phúc hồi lộc”.

Ngày xưa có lệ hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái. Sau cưới 3 ngày mới tổ chức “hồi diện” (lại mặt) để nhà gái biết mặt chú rể. Hôm cưới chú rể không đi đón dâu, phải đi ngày chẵn. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài, đặc biệt là văn hóa của người Kinh nên những thủ tục này đã được bớt đi, thay vào đó hôm cưới chú rể trực tiếp đi đón dâu, sau khi làm lễ tại gia đình nhà gái, đại diện nhà trai sẽ làm lễ xin dâu về làm lễ tại gia đình nhà trai. Sau đó, thì chọn ngày chẵn để làm lễ lại mặt.

Ngoài ra, còn lễ trả nốt nợ cưới cho nhà gái. Đám cưới xưa thường thách cưới cao, nhiều bạc trắng, nên ít đám trả đủ ngay sau ngày cưới mà phải nợ lại nhiều năm. Người ta mời ông mờ và thầy cúng đến. Nhà trai mang lễ sang. Lễ có số tiền nợ cùng thịt, gạo, rượu đủ ăn dăm ba mâm. Khi bố mẹ vợ đã chết thì lễ được làm là tượng trưng bằng đốt tiền âm và cúng bái, ăn uống ở nhà người ăn hương hỏa của nhà vãi, giữ bàn thờ nhà vãi.

Trang phục: Cô dâu phải mặc áo dân tộc, vòng cổ, tay đeo vòng bạc; chú rể mặc quần áo dài, đội khăn. Khi đón dâu về, nhà trai làm lễ kết tơ hồng.

Mục đích, ý nghĩa của lễ kết tơ hồng là để ông tơ, bà nguyệt chứng giám nhân duyên cho đôi vợ chồng suốt đời bên nhau. “Người vợ như sợi tơ hồng; quấn lấy người chồng, gắn bó với nhau”.

* Tục cưới của người Dao Tiền

Nếu như người Dao Quần Chẹt rất khắt khe phong kiến trong tình yêu hôn nhân thì nhóm Dao Tiền lại nới lỏng tự do đến mức dễ dãi thoải mái.

Con gái người Dao Tiền, 13 tuổi đã nằm giường riêng cạnh cửa đi phía cuối nhà. Đêm đêm con trai tự cậy cửa vào ngủ cùng (tục gọi là ngủ thăm). Nếu ưng họ sẽ ăn nằm cùng nhau một thời gian. Khi anh con trai ở xa đến, muốn tìm hiểu lấy cô gái làm vợ thì có thể ở một thời gian dài hơn. Ngày đi làm hộ gia đình, tối được ngủ cùng cô gái. Đương nhiên phải được cô gái bằng lòng xách cái túi lưới quần áo của chàng trai ở ngoài hiên, ngoắc vào trong vách khỏi ướt át. Ngủ thăm một tháng không có chửa thì thôi nhau. Nếu có chửa già làng sẽ bảo gia đình cô gái đi gọi những anh con trai đã ngủ cùng cô gái đem gà, rượu đến để cúng “buộm”. Riêng anh con trai đã ăn nằm cuối cùng có chửa phải đem đến 1 con lợn 20 - 30kg, chai rượu, 1 sấp giấy bản làm tiền âm. Ông già làng bày cỗ cúng ở cái bàn ngoài thềm. Cúng xong già làng hỏi lại: “Thằng nào làm mày có chửa?” Cô gái chỉ vào anh con trai nọ. Ngày xưa hiếm có chuyện đổ vấy. Và nếu anh con trai không muốn cưới cũng không sao, coi như đã bị phạt rồi. Cô gái biết đẻ càng dễ lấy chồng. Ăn cỗ cúng buộm chỉ có gia đình hàng xóm, chức dịch không dự coi đó là cỗ xấu. Sau cúng buộm, nhà trai nhờ thầy mo xem tuổi đôi lứa, nếu hợp thì anh con trai phải đến ở công nhà cô gái một năm trước khi cưới. Cô gái đẻ ra ở nhà mình phải khai sinh họ ngoại, là con của ông bà vãi, gọi ông bà vãi là bố mẹ, gọi bố mẹ đẻ là anh chị. Nếu nhà con trai nghèo ở công 15 - 20 năm mới cưới cũng được. Có khi già không cưới nổi thì các con cũng không được cưới. Con muốn cưới phải bố mẹ cưới trước.

Trước khi cưới phải nhờ thầy mo xem tuổi. Ở Xuân Sơn làm lễ dạm, chỉ có trầu cau, gói kẹo; lễ hỏi cưới cũng nhẹ nhàng. Khi cưới, nhà trai phải gánh cưới cho nhà cô gái 200kg lợn hơi, gạo nếp, tẻ đủ ăn, 100 lít rượu trắng, tiền bạc trắng tương đương khoảng 1 triệu ngày nay.

Khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải cử 6 người (4 người con trai dùng ống tre hoặc ống nứa, dán giấy xanh đỏ khiêng lợn, khiêng rượu, gạo) cùng ông mo đem hai nén bạc đến nhà gái để cúng. Nhà gái cử một bà mờ để nhận lễ và đêm đó nhà gái phải làm cỗ cho nhà trai ở lại ăn uống. Lúc này, ông mo phải lựa lời nói thật khéo với nhà gái, nếu không vừa lòng, nhà gái có thể gây khó dễ cho nhà trai. Ăn uống xong, ông mo nhà trai phải lấy lòng nhà gái để ngày

hôm sau ông được tiếp tục đón dâu về nhà chồng, và khi cô dâu về nhà chồng, phải chuẩn bị đủ số gối, vải cho mình và cho bố mẹ chồng. Ngoài ra, còn mang theo hai bộ quần áo thêu, 2 cái vòng bạc, 2 cái yếm, 1 đôi xúc xích dài hơn 1m gồm có ống vôi, chuông, ống tăm, ngoáy tai và 1 đôi đũa.

Khi đi đón dâu phải xem giờ, xuất phát đi vào buổi tối. Trước khi con gái đi, nhà gái có lễ cúng, trong đó có bát rượu đầy. Ông mo dẫn đầu đoàn nhà trai đón dâu phải uống hết bát rượu đó với mong muốn cho đôi vợ chồng yêu nhau say đắm.

Cô dâu trước khi cưới phải mượn đeo hai ba chục cái vòng bạc, mặc chồng chất hàng chục váy áo, vì thế nhà trai phải cử hai cô gái khỏe đi dìu hai bên.Về nhà chồng cô dâu ngồi gian giữa, mẹ chồng ngồi trên, ông mo cúng nhập hồn cho cô dâu, chú rể.

2.2.2. Tang ma

Xuất phát từ quan niệm cho rằng chết là biến thành ma, là vĩnh biệt mọi

người để sống với tổ tiên ở thế giới khác cũng giống như thế giới trần gian; người Dao phân biệt khá rõ rệt hai loại chết: chết bình thường (chết lành) và chết bất đắc kỳ tử (chết xấu). Chết bình thường là những người chết do tuổi già, sức yếu còn chết xấu là những người chết ở ngoài nhà như do sét đánh, ngã cây, chết đuối... Nhưng dù chết bình thường hay chết bất đắc kỳ tử thì người đó cũng được chôn cất chu đáo theo đúng phong tục tập quán của người Dao.

Xuất phát từ quan niệm về hồn và xác mà người Dao chia đám tang thành hai lễ: Làm ma chôn cất người chết và làm chay đưa hồn người chết về với tổ tiên. Hai lễ này có thể tiến hành liền nhau nhưng cũng có thể tách biệt. Những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thường làm ma trước, đến khi nào chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết mới làm chay để đưa hồn người chết về với tổ tiên ở thế giới bên kia.

Khi tắt thở, người chết được tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới. Sau đó được đặt trên tấm giát nứa trong gian cạnh bếp, đầu quay vào phía trong, chân quay ra cửa chính. Người ta khâu một cái túi bằng vải trắng đủ đựng 3 - 5 ống

gạo để cho người chết gối đầu. Phía đầu người chết thắp một cây đèn và một nén hương, còn ở phía chân đặt mâm có gà luộc, 3 chén rượu và bát hương.

Người ta báo tang bằng cách đứng ở sân trước cửa chính bắn 3 phát súng săn và phải bắn từng phát một để thông báo cho dân bản biết về sự việc buồn của gia đình. Việc khâm liệm người chết cũng được chuẩn bị khá chu tất. Sau khi đã rửa sạch quan tài, họ lấy củ nâu, gạo nếp, đất vàng và vôi trộn lẫn với nhau và giã thật nát để trát vào các khe giữa các tấm ván của quan tài. Người ta lấy giấy màu lót bên trong quan tài rồi rắc thóc, ngô và để quần áo người chết.

Sau khi phát tang và khâm liệm xong, gia đình cử người đi mời thầy cúng đến hành lễ. Để hành lễ cho người chết, người Dao thường mời 3 thầy cúng. Thầy chính làm nhiệm vụ cúng mở đường tiễn đưa người chết, thầy thứ hai làm nhiệm vụ cúng tiền của, tư trang cho người chết và thầy thứ ba làm nhiệm vụ đưa cơm, rượu cho người chết.

Theo tục lệ của người Dao, trong khi các thầy cúng hành lễ, các con trai của người chết phải ngồi xổm (con rể có thể ngồi trên ghế bình thường). Các con gái, con dâu phải xõa tóc, đội khăn tay chỉ khi đưa ma xong mới được vấn tóc lên. Theo tập quán của người Dao, trước khi khiêng người chết ra huyệt, gia đình làm lễ “chia của” với ngụ ý để người chết có đủ những thứ thiết yếu để sử dụng hàng ngày ở thế giới bên kia như: đũa, chén, cơm, rượu, dao, cuốc... Khi khiêng quan tài ra cửa, người Dao thường chọn giờ rất cẩn thận và kiêng không trùng với giờ sinh của những người thân trong gia đình. Ra đến địa điểm mai táng, trước khi cho quan tài xuống huyệt, thầy cúng chính đứng ở đầu người chết để gọi hồn của những người tham dự đưa ma hôm đó ở lại, đừng theo xuống huyệt đi về thế giới bên kia. Trên đường từ mộ về, người Dao kiêng ngoái đầu trở lại sau vì sợ rằng hồn người sống sẽ đi theo hồn người chết về thế giới bên kia.

Đồng bào Dao cho rằng: làm đám ma là công việc cần phải tiến hành ngay lúc có người chết để đưa hồn người chết về nơi an nghỉ, tuy nhiên đó mới chỉ là “cất giấu” người chết để các “ma ác” không bắt hồn và không hành hạ thể xác. Họ cũng quan niệm rằng cần phải làm ma khô, ma nguội hay làm chay để

Một phần của tài liệu Bản sắc văn hóa của người dao ở huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 29 - 36)