Chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp, các cộng đồng, các quốc gia; là sự tham gia của nhân dân vào các công việc nhà nước và xã hội; là tổng hợp những phương hướng, những mục tiêu được quy định bởi lợi ích cơ bản của giai cấp, của đảng phái; là hoạt động thực tiễn chính trị của các giai cấp, các đảng phái, các nhà nước để thực hiện đường lối đã được lựa chọn nhằm đạt mục tiêu đã đề ra. Với pháp luật và các hoạt động thực hiện pháp luật, chính trị là điều kiện bảo đảm, có vai trò chỉ đạo phương hướng phát triển, phương hướng thực hiện pháp luật. Với kinh tế, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, từ kinh tế thông qua chính trị đến pháp luật. Chính trị là khâu trung gian chuyển tải những nhu cầu, đòi hỏi của kinh tế đến với pháp luật. Căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, các lực lượng chính trị hoạch định đường lối chính sách, cương lĩnh chính trị, định hướng chiến lược... của mình, đồng thời quyết định phương pháp, phương tiện, hình thức thực hiện, lựa chọn, bố trí con người để đạt những mục tiêu đã đề ra. Nhà nước thể chế đường lối của Đảng cầm quyền thành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Do vậy, hệ thống pháp luật và các hoạt động thực thi pháp luật chịu ảnh hưởng lớn bởi hệ thống chính trị của quốc gia.
Đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chính sách của các tổ chức chính trị- xã hội khác ở nước ta thể hiện mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của các lực lượng, các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Pháp luật Việt Nam là một trong những hình thức biểu hiện của chính trị, thể hiện đường lối chính trị thông qua việc ghi nhận và thể chế đường lối, chủ trương, mục tiêu của lực lượng cần quyền trong xã hội, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, giải quyết các khiếu nại của công dân về đất đai không phải là ngoại lệ. Hoạt động thực hiện pháp luật trong đó có hoạt động giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai muốn đạt được hiệu quả thì phải trên cơ sở những điều kiện bảo đảm về chính trị nhất định. Nếu tình hình chính trị trong nước bất ổn định, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai, về khiếu nại và cơ chế giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai thiếu nhất quán, không đồng bộ, không minh bạch sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thực thi pháp luật, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. Hiệu quả giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai dù ở phạm vi đơn vị hành chính nào đều cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.