Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án dân sự qua thực tiễn thực hiện tại viện kiểm sát nhân dân huyện thủy nguyên, thành phố hải phòng 03 (Trang 50 - 53)

Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, tại khoản 2, Điều 21 BLTTDS (sửa đổi bổ sung năm 2011) quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần”.

Như vậy, việc thực hiện kiểm sát xét xử tại phiên tòa là hoạt động được coi là quan trọng nhất của VKSND khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành TTDS.

Theo quy đinh tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS trên, mặc dù Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động được quy định tại Điều 25, Điều 27, Điều 29 và Điều 31 BLTTDS nhưng VKSND không tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm giải quyết các tranh chấp dân sự quy định tại các điều này mà chỉ tham gia hạn chế trong những trường hợp do pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 21. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- VKSNDTC-TANDTC (sau đây gọi tắt là TTLT số 04/2012) ngày 01/8/2012 của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự VKS

tham gia phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, vụ án dân sự do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 và các Điều 86, 87, 88, 89, 90, 92, 93 và 94 BLTTDS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của BLTTDS 2004 quy định thì “đương sự có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ hợp pháp” [19]. Tuy nhiên trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ và có yêu cầu thì thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ (khoản 2 Điều 85 BLTTDS). VKS có trách nhiệm tham gia tất cả các vụ án dân sự mà Tòa án tiến hành một hoặc nhiều biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 và các Điều từ 86 đến Điều 95 BLTTDS, không phụ thuộc vào việc đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Tòa án hay không

Trường hợp thứ hai, vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng:

Điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch này hướng dẫn: “Tài sản công là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được hình thành từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”. Trường hợp này VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch này hướng dẫn lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư. Đối với các vụ án tranh chấp có đối tượng là lợi ích công cộng VKS có trách nhiệm tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Trường hợp thứ ba, vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở.

Theo hướng dẫn tại khoản 3 điều 7 Thông tư liên tịch số 04 vụ án dân sự có đối tượng là tranh chấp quyền sử dụng đất hoặc nhà ở bao gồm Tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất hoặc ai là người có quyền sở hữu nhà ở; Tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở (đối với tranh chấp về hợp đồng có liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc nhà ở nhưng quyền sử dụng đất hoặc nhà ở đó không phải là đối tượng của hợp đồng, thì không thuộc trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm); Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế nhà ở; Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất hoặc đòi lại nhà ở đang cho mượn, cho sử dụng nhờ; Tranh chấp trong các giao dịch dân sự khác có đối tượng giao dịch là quyền sử dụng đất, nhà ở.

Trường hợp thứ tư, vụ án dân sự có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Đó là các trường hợp: “Người có nhược điểm về tâm thần có giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; Người có nhược điểm về thể chất thuộc một trong các trường hợp: bị mù hai mắt, bị câm, bị điếc có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên”. Với những vụ án này pháp luật quy định VKS phải tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kể từ khi thụ lý đến khi xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện vụ án dân sự thuộc một trong các trường hợp nêu trên, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho VKS biết để VKS phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm để thực hiện công tác kiểm sát. Và trong trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải

chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho VKS cùng cấp để VKS nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trước khi tham gia phiên tòa để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã và đang được bảo vệ, được thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên thay mặt cho VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa là kiểm sát toàn bộ hoạt động tố tụng và việc thực hiện pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời; kiểm sát những hoạt động TTDS của các đương sự và người tham gia khác nhằm bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, qua đó hỗ trợ hoạt động xét xử của Tòa án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án dân sự qua thực tiễn thực hiện tại viện kiểm sát nhân dân huyện thủy nguyên, thành phố hải phòng 03 (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)