2.2. Quy định về đối tượng hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở
2.2.1. Đối tượng của hợp đồng kỳ hạn
Khác hoạt động mua bán hàng hóa thông thường, mua bán hàng hóa qua SGDHH ngoài hướng tới đối tượng là hàng hóa, các chủ thể của hợp đồng còn hướng đến việc mua bán phái sinh các hợp đồng kỳ hạn đã được ký kết nhằm đầu cơ sinh lời. Do đó, hợp đồng kỳ hạn có hai loại đối tượng: hàng hóa và hợp đồng kỳ hạn.
Một là: Khi các bên giao kết hợp đồng kỳ hạn hướng tới việc giao, nhận hàng trên SGDHH,đối tượng của hợp đồng là hàng hoá.
Nếu hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng rất đa dạng, chủ yếu là các hàng hóa đã có sẵn và phục vụ cho mục đích giao ngay thì đối tượng của hợp đồng kỳ hạn bị giới hạn, chủ yếu thuộc ba nhóm hàng: nông sản, năng lượng và kim loại. Đây là những mặt hàng tồn tại sự biến động lớn về giá cả và luôn tuân theo quy luật cung cầu mà không chủ thể nào có thể chi phối được. Về mặt lý thuyết, không có sự hạn chế về loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường hàng hóa tương lai. Tuy nhiên, thực tiễn giao dịch hàng hóa tương lai cho thấy, những hàng hóa có sự biến động lớn về giá cả và dễ bị ảnh hưởng từ sự thay đổi của thị trường là những hàng hóa phát sinh nhu cầu mua bán hàng hóa tương lai nhiều nhất.
Ở Việt Nam, theo Quyết định 4361/QĐ-BCT ngày 18 tháng 08 năm 2010 của Bộ Công thương về việc công bố Danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua SGDHH, các mặt hàng là đối tượng của hợp đồng kỳ hạn giao dịch trên các SGDHH chỉ bao gồm cà phê, cao su và thép. Đây là những mặt hàng có thế mạnh của chúng ta, đồng thời cũng là những hàng hóa có sự biến động lớn và ảnh hưởng nhiều từ sự thay đổi của thị trường.
Qua nghiên cứu pháp luật một số nước trên thế giới, quy định hàng hóa là đối tượng của hợp đồng kỳ hạn khá đa dạng. Theo Luật mua bán hàng hóa tương lai của bang Otario, Canada (ban hành năm 1990, sửa đổi lần cuối năm 2010) thì:
Hàng hóa được hiểu là hàng hóa nông sản, lâm sản, hải sản, khoáng sản, kim loại, nhiên liệu hydrocarbon, tiền tệ hoặc đá quý, và bất kỳ một loại hàng hóa, vật phẩm, dịch vụ quyền hoặc lợi ích, dù ở dạng gốc hay đã qua chế biến được lựa chọn làm hàng hóa theo các quy định trong Luật này [4, tr. 141].
Với quy định này, Bang Otario, Canada đã có những quy định mở rộng đối tượng của hợp đồng tương lai hơn so với pháp luật Việt Nam. Đó không chỉ dừng lại ở các mặt hàng nông sản, năng lượng và kim loại mà còn mở rộng ra nhiều loại mặt hàng khác nhau ở dạng sản phẩm hay dịch vụ, dù ở dạng gốc hay đã qua chế biến. Điều này cũng dễ lý giải, bởi lẽ với bang Otario của Canada, hoạt động mua bán hàng hóa tương lai đã tồn tại lâu đời và mang tính chất chuyên nghiệp, còn với Việt Nam chúng ta, hoạt động này mới ở giai đoạn đầu phát triển, năng lực hiểu biết cũng như cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên pháp luật cần giới hạn một số mặt hàng thế mạnh trước tiên, nhằm đảm bảo những bước đi vững chắc hơn cho hoạt động mua bán hàng hóa tương lai còn non trẻ ở Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH là hoạt động mua bán hàng hóa tương lai, vì thế, đối tượng của hợp đồng kỳ hạn phải là những hàng hóa sẽ hình thành trong tương lai (mua bán lúa non, cà phê trước vụ thu hoạch…). Tuy nhiên, tác giả không hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. Phần lớn hàng hóa hình thành trong tương lai là đối tượng của hợp đồng kỳ hạn nhưng đó không phải là tất cả, có những hợp đồng kỳ hạn vẫn giao dịch những hàng hóa đã tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng. Về bản
chất, hợp đồng kỳ hạn là cam kết mua bán với giá cả tại thời điểm giao kết hợp đồng, giao nhận hàng hóa trong tương lai; điều này có nghĩa việc giao nhận hàng sẽ được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai mà không mang tính chất “giao ngay” như hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, chứ không bắt buộc hàng hóa phải được hình thành trong tương lai. Mục đích bảo hộ rủi ro về giá cả mới chính là ý nghĩa quan trọng của hình thức hợp đồng này.
Hai là: Khi các bên giao kết hợp đồng kỳ hạn tất toán hợp đồng bằng lệnh đối ứng, đối tượng của hợp đồng chính là hợp đồng hàng thực (giao dịch gốc) đã được giao kết trước đó.
Đây là một dạng đối tượng hợp đồng đặc biệt chỉ xuất hiện trên thị trường mua bán hàng hóa cao cấp. Các bên tham gia mua bán hàng hóa tại SGDHH không chỉ nhằm mục đích giao dịch hàng thực (hàng hóa) mà còn nhằm mục đích đầu cơ. Do đó, chính những hợp đồng kỳ hạn (giao dịch gốc) lại trở thành đối tượng mua đi bán lại trong các giao dịch trên Sở. Thông thường, khi hợp đồng đã được giao kết đồng nghĩa với việc phát sinh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các bên, sẽ khó khăn khi các bên muốn chuyển nghĩa vụ này cho người khác nếu không được sự đồng ý của bên kia. Tuy nhiên, đối với hợp đồng kỳ hạn, với cơ chế linh hoạt của mình, Sở giao dịch cho phép các bên mua và bên bán có thể đặt các lệnh đối ứng để bán các hợp đồng kỳ hạn đã thiết lập, bù trừ nghĩa vụ. Khi đó, bên mua trong hợp đồng kỳ hạn gốc (hợp đồng kỳ hạn mua bán lần đầu) lại trở thành bên bán trong hợp đồng kỳ hạn mua bán lần hai, bên mua mới sẽ thế vào vị trí của bên mua để thực hiện nghĩa vụ với bên bán trong hợp đồng gốc và ngược lại. Cứ như thế, hợp đồng kỳ hạn ban đầu được mua đi bán lại nhiều lần cho đến trước khi hết hạn – đến thời gian thực hiện hợp đồng. Những giao dịch mua đi bán lại các hợp đồng kỳ hạn này được gọi là giao dịch hợp đồng phái sinh từ hợp đồng gốc. Khi đó,
đối tượng của các hợp đồng phái sinh không phải là hàng hóa, mà chính là hợp đồng kỳ hạn. Vì thế, hợp đồng kỳ hạn đã trở thành đối tượng được mua bán trên SGDHH, thậm chí đây mới thực sự là đối tượng phổ biến của các giao dịch, khi mục đích đầu cơ trên những biến động giá cả hàng hóa là mục đích chủ yếu của các chủ thể tham gia thị trường tương lai này.