2.3. Quy định về nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở
2.3.2. Nội dung của hợp đồng quyền chọn
2.3.2.1. Loại quyền chọn
Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể phân loại về quyền chọn, tuy nhiên qua định nghĩa về hợp đồng quyền chọn cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, ta thấy hợp đồng quyền chọn được chia làm hai loại: hợp đồng quyền chọn mua (call options) và hợp đồng quyền chọn bán (put options). Trong đó, hợp đồng quyền chọn mua bao gồm
quyền mua quyền chọn mua và mua quyền chọn bán; hợp đồng quyền chọn bán bao gồm quyền bán quyền chọn mua và bán quyền chọn bán.
Đối với quyền chọn mua, bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện [15, Điều 66, Khoản 2].
Đối với quyền chọn bán, bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng [16, Điều 66, Khoản 3].
Như vậy, dù là quyền chọn mua hay quyền chọn bán thì hợp đồng quyền chọn đều cung cấp cho bên giữ quyền chọn quyền được lựa chọn việc thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng. Ngược lại, bên bán quyền bị ràng buộc vào nghĩa vụ sẵn sàng tiếp nhận mọi sự lựa chọn của bên giữ quyền chọn, cho dù bên giữ quyền lựa chọn như thế nào đi nữa. Điều này xem chừng tương tự hành vi pháp lý đơn phương – hành vi đơn phương của một chủ thể làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của những chủ thể khác. Tuy nhiên, ở đây có sự khác biệt về bản chất, để có được “quyền đơn phương” này, chủ thể mua quyền đã đạt được thỏa thuận trước đó với bên bán quyền và chịu mất một
khoản phí quyền chọn. Bên bán quyền chấp nhận bị ràng buộc vào nghĩa vụ và cam kết dành cho bên mua quyền quyền lựa chọn đó. Ở đây vẫn thể hiện ý chí đa phương của các bên trong hợp đồng. Điều này hoàn toàn khác với hành vi pháp lý đơn phương chỉ thể hiện ý chí đơn phương của một bên (ví dụ: lập di chúc, góp vốn vào công ty…).
Thực tế cho thấy, một điểm đáng lưu ý là: trong khi người mua hợp đồng quyền chọn mua mong muốn giá của hàng hóa sẽ tăng lên trong ngày đáo hạn thì người mua hợp đồng quyền chọn bán lại hi vọng giá xuống. Nếu cao hơn giá định trước họ sẽ từ chối quyền bán và chịu mất khoản phí. Tất nhiên, sự từ chối hay không từ chối quyền khi giá vào ngày đáo hạn cao (hay thấp) hơn giá cam kết sẽ được nhà đầu tư tính toán trên cơ sở mức độ chênh lệch giữa giá định trước với giá ngày đáo hạn và phí quyền chọn.
2.3.2.2. Phí quyền chọn (Premium)
Phí quyền chọn là khoản tiền mà người mua quyền lựa chọn phải trả cho người bán quyền lựa chọn để có được quyền chọn. Phí quyền chọn này được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) của giá cả hàng hóa thỏa thuận trong hợp đồng quyền chọn. Khoản phí này do SGDHH tính toán và thông báo công khai dựa trên các yếu tố sau: thời hạn hiệu lực của quyền chọn, giá cả giao ngay, giá cả kỳ hạn tại thời điểm ký kết hợp đồng, giá cả thực hiện, kiểu quyền chọn (Mỹ hay châu Âu), mức độ biến động giá cả dự kiến trong tương lai…
Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật các nước trên thế giới khi quy định về hợp đồng quyền chọn đều quy định một cách khái quát mà không chỉ rõ về phí quyền chọn (premium). Việc xác định phí quyền chọn sẽ do các SGDHH tự xác định trên cơ sở loại hàng hóa giao dịch của từng Sở, tình hình hoạt động kinh doanh thực tế và phù hợp với thông lệ của quốc tế.
Không giống hợp đồng kỳ hạn, các bên phải tiến hành ký quỹ giao dịch (margin requirement) theo tỷ lệ phần trăm trên giá cả của hợp đồng do
SGDHH công bố; đối với hợp đồng quyền chọn thì số tiền đầu tư ban đầu là một khoản phí (premium) mà nhà đầu tư phải trả cho hợp đồng. Khoản tiền này có tính chất khác hẳn với khoản tiền ký quỹ trong hợp đồng kỳ hạn. Trong trường hợp ký quỹ giao dịch, khoản tiền ký quỹ nhằm đảm bảo giao dịch được thực hiện, hạn chế rủi ro vi phạm hợp đồng. Ký quỹ giao dịch bao gồm nhiều loại như ký quỹ ban đầu, ký quỹ duy trì, ký quỹ bổ sung… Khi tài khoản của một khách hàng bị thua lỗ dẫn đến chỉ số kỹ quỹ âm hoặc thấp hơn mức ký quỹ duy trì, SGDHH sẽ yêu cầu thành viên của mình thông báo cho khách hàng ký quỹ bổ sung, nhằm đảm bảo khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng của các bên. Do đó, các bên sẽ không cần lo lắng về vấn đề chịu thiệt hại do hành vi “xù” hay “phá ngang” hợp đồng. Trường hợp phí quyền chọn có tính chất hoàn toàn khác. Khoản tiền chi trả cho phí quyền chọn, mặc dù xét cho cùng nó cũng nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng, tuy nhiên nó mang mục đích trả tiền (phí) để đổi lại quyền được lựa chọn. Thay vì phải được sự chấp thuận của bên kia hoặc đặt lệnh đối ứng để thoát khỏi nghĩa vụ trong tình thế bất lợi, người mua quyền trả trước cho người bán quyền một khoản phí quyền chọn để nhận được quyền chủ động lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng mà không bị ràng buộc hay gánh vác nghĩa vụ. Hơn nữa, phí quyền chọn chỉ phải trả một lần khi ký kết hợp đồng quyền chọn mà không phát sinh bất kỳ khoản phí nào khác như hình thức ký quỹ bổ sung trong ký quỹ giao dịch hợp đồng kỳ hạn.
2.3.2.3. Giá thực hiện hợp đồng cơ sở (strike price hoặc strike rate)
Giá thực hiện hợp đồng cơ sở là giá cả mà hàng hóa sẽ được mua hoặc bán nếu người giữ quyền chọn lựa chọn thực hiện hợp đồng. Nói cách khác, đây là giá trả cho lô hàng mà khách hàng muốn mua. Giá cả này được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng nhằm mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa nhất định mà việc giao hàng và thanh toán được thực hiện vào một
thời điểm xác định trong tương lai. Đây không phải mức giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng, cũng không phải mức giá trong tương lai mà là giá cả các bên có thể chấp nhận được (giá dự kiến). Trong trường hợp này, giá thực hiện hợp đồng quyền chọn có tính chất tương tự như giá cả trong hợp đồng kỳ hạn. Với tính chất như vậy hợp đồng quyền chọn cũng nhằm mục đích cố định giá cả hàng hóa trước những biến động khó lường của thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, điểm khác biệt với hợp đồng kỳ hạn ở chỗ, giá thực hiện hợp đồng là giá dự kiến có tính đến phí quyền chọn mà bên mua quyền phải chi trả và chỉ được nhắc đến khi bên giữ quyền chọn lựa chọn thực hiện hợp đồng; ngược lại, nếu bên giữ quyền chọn không thực hiện hợp đồng thì hợp đồng quyền chọn đương nhiên bị coi là hết hiệu lực và giá cả trong trường hợp này sẽ không còn cần thiết.
Mặt khác, giá thực hiện hợp đồng quyền chọn (strike price hoặc strike rate) hoàn toàn tách biệt với phí quyền chọn (premium). Phí quyền chọn là khoản tiền mà bên mua quyền buộc phải trả ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng cho bên bán quyền để nhận về quyền chọn trong hợp đồng, cho dù bên giữ quyền chọn có chọn thực hiện hợp đồng hay không thực hiện hợp đồng. Phí quyền chọn này được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) của giá cả hàng hóa thỏa thuận trong hợp đồng quyền chọn. Đối với giá thực hiện hợp đồng, đây là giá cả mà các bên cam kết sẽ mua bán một khối lượng hàng hóa nhất định vào thời điểm xác định trong tương lai, là khoản tiền dự kiến sẽ được thanh toán cho lô hàng vào thời điểm trong tương lai. Giá thực hiện hợp đồng chỉ được sử dụng đến khi người nắm giữ quyền chọn lựa chọn thực hiện hợp đồng theo phương thức thanh toán bù trừ qua Trung tâm thanh toán hoặc phương thức giao nhận hàng thực qua Trung tâm giao nhận hàng hóa.
Luật Thương mại 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có quy định chi tiết về giá thực hiện hợp đồng quyền chọn. Giá cả này
biến động trên cơ sở cung cầu hàng hóa trên thị trường và mức phí quyền chọn đối với từng hợp đồng. Điều này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu quy định quá cứng nhắc sẽ không đảm bảo được tính tích cực và linh hoạt trong hoạt động thương mại, đặc biệt với bản chất vốn có của hợp đồng là tôn trọng thỏa thuận của các bên. Giá cả này cũng không cố định mà có sự dao động liên tục tại các thời điểm mua bán khác nhau, tuy nhiên cần phải nằm trong sự kiểm soát và quản lý của các SGDHH.
2.3.2.4. Thời gian hợp đồng có hiệu lực
Thời gian hợp đồng có hiệu lực là khoảng thời gian đến lúc quyền chọn đáo hạn, nói cách khác đó là thời gian từ khi giao kết hợp đồng quyền chọn cho đến ngày quyền chọn phải được thực hiện. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” [14, Điều 405]. Với tính chất là đạo luật nền, quy định này của Bộ luật Dân sự 2005 sẽ làm cơ sở xác định hiệu lực cho các hợp đồng thương mại, trong đó bao gồm cả hợp đồng quyền chọn khi pháp luật thương mại không có quy định khác. Ở đây chúng ta không bàn luận sâu về các trường hợp có thỏa thuận khác hay pháp luật có quy định khác, mà chỉ quan tâm đến hiệu lực của hợp đồng quyền chọn với tư cách là một hình thức hợp đồng thương mại. Với cách hiểu trên, hợp đồng quyền chọn có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm giao kết hợp đồng, hay nói cách khác từ thời điểm lệnh mua và lệnh bán được khớp lệnh tại SGDHH. Kể từ thời điểm đó phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng quyền chọn có hai cách thức thực hiện chủ yếu là thực hiện quyền chọn theo kiểu Mỹ và thực hiện quyền chọn theo kiểu châu Âu với tính chất riêng biệt. Vì thế, thời gian hợp đồng có hiệu lực phụ thuộc rất lớn vào việc người nắm giữ quyền chọn thực hiện quyền chọn theo kiểu Mỹ hay kiểu châu Âu. Nếu người nắm giữ quyền
chọn lựa chọn thực hiện quyền theo kiểu châu Âu thì thời gian hợp đồng quyền chọn có hiệu lực được tính đến thời điểm đáo hạn của hợp đồng, hay nói cách khác, hợp đồng chỉ hết hiệu lực vào ngày đáo hạn của hợp đồng, khi người nắm giữ quyền được phép lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng. Còn đối với quyền chọn kiểu Mỹ, bên nắm giữ quyền có thể thực hiện quyền chọn bất cứ lúc nào và trước thời gian đáo hạn của hợp đồng. Do đó, thời gian hợp đồng có hiệu lực trong trường hợp này cũng được xác định vào bất kỳ thời điểm nào trước thời gian đáo hạn của hợp đồng.
Mặt khác, theo Khoản 4 – Điều 66 Luật Thương mại 2005 thì: “Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực” [15, Điều 66]. Như vậy, vào thời điểm mà bên nắm giữ quyền chọn được phép thực hiện quyền chọn của mình (ngày đáo hạn hoặc bất kỳ ngày nào trước ngày đáo hạn) quyết định không thực hiện hợp đồng thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực và thời gian hợp đồng có hiệu lực cũng coi như chấm dứt. Các bên không bị ràng buộc vào nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra, các nội dung khác của hợp đồng quyền chọn như: quy mô hợp đồng, tháng giao hàng theo hợp đồng, thời gian giao dịch hợp đồng, địa điểm giao hàng… tương tự hợp đồng kỳ hạn. Thực chất hợp đồng quyền chọn là hợp đồng cung cấp quyền chọn mua bán một loại hàng hóa nhất định trong một khoảng thời gian xác định trong tương lai với giá cả được thỏa thuận tại thời điểm giao kết. Vì thế, ngoài các vấn đề liên quan đến phí quyền chọn và thời gian có hiệu lực của hợp đồng, các nội dung khác không có sự khác biệt đáng kể so với hợp đồng kỳ hạn.