3.2. MỘT SỐ NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU VỀ PHÁP LUẬT BẢO VỆ RỪNG Ở VIỆT NAM
3.2.1. Về chính sách phát triển rừng, giao đất lâm nghiệp và khoán rừng chúng ta còn gặp
rừng chúng ta còn gặp phải những vướng mắc sau:
- Hệ thống các văn bản pháp luật về chính sách phát triển rừng, giao đất lâm nghiệp và khoán rừng gồm nhiều văn bản được xây dựng và ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau đã bắt đầu bộc lộ tính không đồng bộ, những văn bản quan trọng như Luật bảo vệ và phát triển rừng lại có nhiều qui định chưa cụ thể dẫn đến tình trạng một mặt tồn tại những qui định mâu thuẫn, mặt khác phải ban
hành nhiều văn bản dưới luật để bổ sung, điều chỉnh .... đã gây ra không ít phiền phức trong quá trình thực hiện.
- Động lực để giữ rừng còn quá yếu. Nhà nước giao rừng cho các chủ rừng theo qui định của Luật bảo vệ và phát triển rừng đã qui định nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của chủ rừng nhưng trên thực tế lợi ích của chủ rừng còn quá ít. Vì vậy, chưa tạo được những động lực mạnh mẽ để các chủ rừng đầu tư tiền của và công sức bảo vệ rừng. Theo Luật đất đai 2003 tại khoản 3 điều 75 có quy định về việc cho “Tổ chức kinh tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái môi trường dưới tán rừng”. Đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thì chỉ có tổ chức kinh tế được thuê để kinh doanh cảnh quan du lịch sinh thái môi trường dưới tán rừng (khoản 5 điều 76, khoản 5 điều 77) [24]. Đây là một động lực để các tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào việc phát triển lâm nghiệp và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đối tượng bảo vệ rừng chủ yếu là hộ gia đình và cá nhân Việt Nam thì không thuộc diện được thuê đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái môi trường dưới tán rừng ? Phải chăng đây là điều “không công bằng" và “bất hợp lý” ?
- Thời gian qua chúng ta mới cố gắng đi theo hướng đưa rừng vào quản lý từ tình trạng vô chủ đến có chủ, từ chưa có luật đến có luật (tất nhiên còn thiếu nhiều thể lệ và hướng dẫn thực hiện), từ chưa có kiểm lâm đến sử dụng kiểm lâm để kiểm soát. Nhà nước chưa thực sự mạnh dạn, cởi mở trong việc giao quyền làm chủ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh lâm nghiệp. Vì vậy, rừng vẫn bị mất. Qua điều tra, phỏng vấn thì nhiều người dân chưa thấy mình được hưởng lợi ích cụ thể từ rừng, thậm chí đến những người được giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp, được nhận khoán rừng để bảo vệ đã thấy rằng những lợi ích mà mình được hưởng từ rừng còn quá nhỏ bé. Chính vì vậy, động lực để thu hút chủ rừng và nhân dân tham gia bảo vệ rừng còn rất yếu.
Hiện nay, chúng ta chưa có một hệ thống chính sách đủ sức mạnh tạo thành một động lực thu hút người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đối với những người dân nghèo, những người dân sống gần vùng rừng núi. Những chính sách hiện hành chưa đem lại cho người dân sống gần rừng những lợi ích trực tiếp và thiết thực cũng như những lợi ích lâu dài. trong khi đó, người dân (và người chủ rừng) cần có thu nhập và lợi ích để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Đó là thực tế cần nghiên cứu để hoạch định những chính sách phù hợp trong điều kiện nước ta.
Đối với rừng làng bản ở địa phương, Nhà nước chưa có chính sách và giải pháp thích hợp với đồng bào đã gắn nhiều đời với rừng núi ở những nơi này, có nhiều tập quán liên quan đến rừng, do vậy chưa động viên được đồng bào tham gia bảo vệ và phát triển rừng.