Xây dựng chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng pháp quyền, dân chủ Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp 1946 và những giá trị kế thừa (Trang 58 - 63)

2.2. Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn độc lập 1945 và Hiến pháp 1946

2.2.2. Xây dựng chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân

Hiến pháp 1946 là một bản hiến pháp có cơ chế phân quyền rành mạnh, phân biệt quyền lập hiến thuộc về nhân dân, quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thuộc về các cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước, thực hiện với cơ chế cân bằng và đối trọng. Phân quyền giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là đề cao vai trò độc lập của Tòa án.

Xây dựng chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt là một trong ba nguyên tắc được khẳng định ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp 1946. Qua các quy định cụ thể của Hiến pháp 1946, liên hệ với bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX. Chúng ta có thể hiểu rằng Chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân trong Hiến pháp 1946 là một chính quyền công khai và minh bạch và có trách nhiệm.

Tại sao một chính quyền phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm mới là một chính quyền dân chủ, pháp quyền. Bởi trong nhà nước pháp quyền thì quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Các cơ quan nhà nước chỉ nhận quyền lực nhà nước từ nhân dân và để phục vụ người dân. Để quyền lực đó được kiểm soát và kìm chế, chống lại sự lạm quyền thì cơ quan tiếp nhận quyền lực đó phải thực thi một cách công khai, có công khai thì mới minh bạch. Khi trao quyền lực cho cơ quan, bộ máy nhà nước đòi hỏi tất yếu phải giám sát người được trao quyền lực.

Ở Việt Nam chỉ đến năm 1945 khi Cách mạng tháng 8 thành công, đất nước giành lại được độc lập, tự chủ, thiết lập nhà nước dân chủ cộng hòa với một bản hiến pháp tiếp thu toàn bộ những tinh hoa của nhân loại và thời đại. Hiến pháp 1946 đã thừa nhận toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân với các cơ quan nhà nước được trao quyền bởi nhân dân trong cơ chế phân quyền, kiềm chế và đối trọng thì yêu cầu về trách nhiệm giải trình tất yếu nảy sinh. Trái ngược với hàng ngàn năm lịch sử trước đó đã tồn tại ở Việt Nam qua các thời

kỳ phong kiến, đô hộ, quyền lực nhà nước hoặc đến từ trên trên trời hoặc đến từ mẫu quốc nên các tư tưởng về phân quyền, dân chủ và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước là hoàn toàn xa lạ với người dân.

Trong Hiến pháp 1946 đã thiết lập các cơ sở cho một chính quyền chịu trách nhiệm mà có thể phân ra thành hai nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất: Các quy định thiết lập quyền tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính quyền và hoạch định chính sách.

Điều 1 Khẳng định “Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa với tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” [25, Điều 1].

Các cơ quan nhà nước Quốc hội, chính phủ và Tòa án được thiết lập và trao quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này độc lập với nhau.

Quyền lập hiến và quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia phải được toàn dân phúc quyết hay nói cách khác là quyền của nhân dân chứ không phải là của cơ quan nhà nước nào trong Bộ máy nhà nước. Để thực hiện được các quyền quyết định này Hiến pháp 1946 đã quy định:

Quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp. Các quyền này đóng vai trò then chốt trong việc tạo cơ sở, điều kiện cho người dân tham gia vào xây dựng chính sách, quyết định vận mệnh của đất nước. Để thực thi được các quyền trên Hiến pháp 1946 quy định không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam khi chưa có quyết định của cơ quan tư pháp [25, Điều 10-11, 21]. Cơ chế công khai thông tin cho dân chúng được ghi nhận tại khi quy định: “Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Các báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết nghị của Nghị viện” [25, Điều 30].

Để tạo ra sự minh bạch, giúp cho người dân tiếp cận các thông tin Điều 55 quy định Về chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng đối với các câu

hỏi của nghị viện hoặc Ban thường vụ trong thời hạn mười ngày sau khi nhận được chất vấn phải trả lời bằng lời nói hoặc thư.

Nhóm thứ hai: Các quy định thiết lập chế độ trách nhiệm của Nghị viện và Chính phủ.

Nghị viện là cơ quan lập pháp có quyền cao nhất của nước Việt Nam với thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc và đặt ra pháp luật (Điều 22, 23). Đối với Nghị viện Hiến pháp ghi nhận việc thiết lập qua cơ chế bầu cử phổ thông, tự do, trực tiếp và kín (Điều 17). Mặc dù nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước, là cơ quan lập ra chính phủ và kiểm soát chính phủ song Hiến pháp 1946 quy định nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu của mình đa bầu ra (Điều 20). Điều này thể hiện Nghị viện phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quy trình của việc bãi miễn được quy định tại Điều 41. Khi có sự đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh, thành phố đã bầu ra nghị viện đó và được hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận thì Nghị viên bị bãi miễn. Nghị viện có thể tự giải tán khi được hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý Điều 32. Ban thường vụ của Nghị viện có thể bị bỏ phiếu tín nhiệm và phải từ chức khi có một phần tư tổng số nghị viện yêu cầu và ưng thuận (Điều 39) [25]. Những quy định trên ghi nhận trong Hiến pháp 1946 cho thấy: dù rằng Nghị viện là cơ quan có quyền lực cao nhất song vẫn bị chịu trách nhiệm cho việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình trước nhân dân là người bầu cử ra mình và trao quyền lực cho mình.

Đối với Chính phủ là cơ quan hành pháp. Hiến pháp 1946 đã thiết lập nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trước cơ quan Lập pháp là Nghị viện nhân dân. Trước tiên là việc tách bạch thẩm quyền của cơ quan lập pháp và hành pháp. Chính phủ được quyền đề trình dự án luật Điều 52, điểm b. Nghị viện có quyền ban hành luật (Điều 23). Chính phủ có quyền lập dự toán ngân sách hàng năm của Chính phủ (Điều 53) song

Nghị viện mới có quyền biểu quyết về ngân sách (Điều 23). Như vậy việc công khai về dự toán ngân sách như trên đảm bảo tính minh bạch của chính quyền. Với việc ghi nhận như trên trong Hiến pháp 1946, tính công khai và minh bạch của chính quyền được thể hiện rõ nét, đây thực sự là sự tiến bộ vượt bậc của Hiến pháp 1946 so với bối cảnh lịch sử thời kỳ đó.

Cơ chế chịu trách nhiệm chính trị của Chính phủ được thực hiện thông qua các quy định về bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm các thành viên nội các của Nghị viện. Điều 45,46,47 Hiến pháp 1946 quy định chính phủ do Nghị viện bầu ra bao gồm Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước và nội các. Trong đó Chủ tịch nước và nội các bao gồm thủ tướng và các bộ trưởng phải là thành viên của nghị viện (Điều 45,47). Hiến pháp quy định Nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng do Chủ tịch nước đề cử và bỏ phiếu tín nhiệm đối với toàn thể danh sách bộ trưởng do thủ tướng chọn. Do đó, một cách logic Hiến pháp 1946 xác định Thủ tướng phải chịu trách nhiệm con đường chính trị của Nội các (Điều 54) và chịu trách nhiệm chính trị ở dây là trước Nghị viện nhân dân, cơ quan đã bỏ phiếu tín nhiệm thành lập chính phủ và nội các. Vì vậy, nếu Nghị viện nhân dân không hài lòng với chính sách và việc thực hiện quyền hành pháp của nội các, nghị viện có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm từng thành viên nội các hoặc toàn bộ nội các.

Bên cạnh trách nhiệm chính trị, các nghị viên và các thành viên chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm pháp luật nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật và hành vi đó bị coi là tội phạm. Nếu là tội phản quốc thì nghị viện bắt buộc phải thành lập một tòa án đặc biệt để xem xét các thành viên Hội đồng chính phủ. Còn đối với tội phạm thường thì thành viên chính phủ có thể xét xử trước Tòa án thường với sự ưng thuận của Hội đồng chính phủ.

Như vậy có thể thấy rằng Hiến pháp 1946 đã thiết lập một cơ chế trách nhiệm giải trình dựa trên sự công khai và minh bạch của chính quyền. Cơ chế

này đặc biệt áp dụng cho nghị viện và chính phủ thông qua hình thức của trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Việc áp đặt trách nhiệm chính trị được thực hiện thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc của dân chúng đối với nghị viên hoặc của nghị viện đối với chính phủ. Còn trách nhiệm pháp lý của Nghị viên hay thành viên chính phủ sẽ do Tòa án đặc biệt hoặc tòa án thường xem xét và quyết định.

Một chính quyền công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm như phân tích ở trên là một cơ chế tạo ra sự ràng buộc, để làm phiền chính quyền trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Sự ràng buộc này khiến chính quyền không được tự do, khiến chính quyền phải cân nhắc trước khi thực hiện, khi gặp lỗi lầm cũng bị xử lý và trừng phạt. Chính cơ chế ràng buộc như vậy có thể làm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ và sáng suốt.

Sự minh bạch và chịu trách nhiệm của chính quyền giúp triệt tiêu hoặc ít nhất kiềm chế căn nguyên xâu xa của mọi chính quyền tha hóa, tham nhũng và thiếu hiệu quả - sự làm quyền. Câu nổi tiếng của Lord Acton trong một bức thư viết năm 1887 “quyền lực tạo ra tham nhũng, quyền lực tuyệt đối tạo ra tham nhũng tuyệt đối” nhắc nhở cho chúng ta phải biết hạn chế quyền lực và phải kiểm soát quyền lực không để triệt tiêu nó mà để hướng nó vào mục đích phục vụ hơn là mục đích cai trị.

Để kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền và tha hóa, nhiều nguyên lý căn bản đã được thực thi trong đó có hai cơ chế nổi tiếng là phân quyền và sự thượng tôn và bảo vệ quyền con người như là các quyền đứng trên quyền lực nhà nước được thiết lập và trao quyền. Bên cạnh hai cơ chế này thì minh bạch và có trách nhiệm có thể được xem như cơ chế thứ 3 giúp cho không chỉ nhân dân mà còn các thiết chế nhà nước đối trọng khác có cơ hội kịp thời phát hiện mọi hành vi lạm quyền, lên tiếng, can thiệp và áp đặt trách nhiệm lên các cán bộ công chức có hành vi sai trái. Giống như một phương thuốc ngăn ngừa và

chữa trị hiệu quả, cơ chế minh bạch có trách nhiệm cũng sẽ làm chính quyền trở nên mạnh mẽ và sáng suốt hơn.

Thực thi nghiêm túc các cơ chế công khai, minh bạch và có trách nhiệm sẽ nâng cao vai trò phục vụ nhân dân của nhà nước. Người dân sẽ dễ dàng giám sát và phản biện các chính sách của chính quyền, buộc chính quyền phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và phản ảnh ý kiến đó vào trong chính sách và hành động của mình, từ đó có thể nhận được sự khen thưởng khi thành công và ngược lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân khi thất bại.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng pháp quyền, dân chủ Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp 1946 và những giá trị kế thừa (Trang 58 - 63)