Cơ chế tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm sự kiểm soát quyền lực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng pháp quyền, dân chủ Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp 1946 và những giá trị kế thừa (Trang 63 - 67)

2.2. Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn độc lập 1945 và Hiến pháp 1946

2.2.3. Cơ chế tổ chức bộ máy nhà nước bảo đảm sự kiểm soát quyền lực

Kiểm soát quyền lực nhà nước gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước. Hạn chế chính quyền như là nhu cầu tự nhiên của loài người. Khi loài người chưa biết đến hiến pháp thì loài người cũng đã có những cách thức để tiết chế chính quyền, có thể dùng đạo đức, hay chế độ tự trị của các địa phương... Để phát triển và tồn tại con người phải rất cần đến nhà nước. Nhưng một khi cần đến nhà nước phải nghĩ đến cách kiểm soát quyền lực nhà nước. Vì rằng nhà nước do con người điều khiển và rằng quyền lực nhà nước sẽ giao cho các con người trong bộ máy nhà nước. Mà con người của chúng ta bên cạnh những đức tính sáng tạo và chăm chỉ, tính ỷ lại, tính dựa dẫm vào người khác và đặc biệt là tính mê quyền lực và khi nắm quyền lực lại luôn có xu hướng lạm quyền, chuyên quyền và độc đoán Vì vậy khi một người nào đó được giao quyền lực nhà nước nếu như không có cách thức kiểm soát quyền lực đó thì rất dễ bị lạm dụng. Hoạt động của nhà nước là một hoạt động phức tạp, do nhiều người và nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước đảm nhận và thực hiện do đó rất dễ rơi vào tình trạng ỷ lại lẫn nhau.

Hiến pháp nói chung quy định những cơ chế mang tính kìm hãm, ngăn ngừa những bản tính xấu của con người. Hạn chế những mặt tiêu cực của người được giao quyền lực nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người.

Do bản tính con người được sinh ra một cách tự nhiên đã có mong muốn rất tự nhiên là hơn người khác, muốn chỉ đạo người khác. Mà quyền lực nhà nước lại là lĩnh vực có khả năng nhất trong việc giúp con người đáp ứng được lòng mong muốn trên. Do vậy, những người được trao quyền lực nhà nước bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền. Ở đâu có quyền lực thì ở đó luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ của sự lạm quyền.

Nếu pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ thì Hiến pháp năm 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó.

Vì lẽ đó một bản hiến pháp tốt khi và chỉ khi có những quy định hạn chế sự đam mê này, hay nói cách khác là phải kiểm soát được quyền lực nhà nước. Lịch sử nhân loại cho đến ngày nay đã có rất nhiều hình thức và biện pháp để hạn chế bớt cái tính xấu này. Như hạn chế bằng nhiệm kỳ của người có chức vụ lãnh đạo, kiểm tra đối trọng giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước...

Trên thế giới đã và đang tồn tại nhiều hình thức chính thể khác nhau như quân chủ chuyên chế, cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị, cộng hoà lưỡng tính…

Hiến pháp 1946 của Việt Nam không chọn một nguyên mẫu hình thức chính thể nào mà có những sáng tạo phù hợp với tình hình riêng của nước ta.

Cụ thể là: Bản Hiến pháp này khẳng định rất rõ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với quy định:

- “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” [25].

- Đề cao vị thế của Nghị viện trong tương quan với các nhánh quyền lực khác. Mô hình này mang nhiều dáng dấp của chính thể đại nghị.

Tuy nhiên, nếu so sánh với mô hình tổ chức quyền lực theo chính thể đại nghị thuần tuý thì Hiến pháp 1946 có những điểm khác biệt đáng kể. Chính

điều đó đã tạo cho Hiến pháp 1946 có tính pháp quyền rất cao. Theo đó, Nghị viện nhân dân được coi là cơ quan có “quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Chính phủ là “cơ quan hành chính cao nhất” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; và quyền tư pháp thuộc về các cơ quan toà án.

Quy định này đã giúp cho các cơ quan nhà nước không gặp phải sự chồng chéo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước nêu trên, bộ máy nhà nước được Hiến pháp 1946 thiết kế cũng hết sức mạch lạc. Điều này thể hiện ở việc quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chế định cấu thành bộ máy nhà nước.

Cụ thể, Hiến pháp 1946 đã:

Một là:Xác định mối quan hệ rõ ràng, chặt chẽ giữa cơ quan hành pháp và lập pháp: Hiến pháp 1946 đã xây dựng được một chế định hết sức đặc biệt, phù hợp với tình hình của nước ta lúc bấy giờ, đó là chế định Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước được trao những quyền hạn rất lớn như: “không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc” [29, Điều 50]; không phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện.Bằng cách quy định như trên, Hiến pháp đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc, độc lập cho cơ quan hành pháp trong quá trình hoạt động của mình.

Nếu so sánh mô hình chính thể của nước ta theo Hiến pháp 1946 với hiến pháp của các nước theo mô hình chính thể cộng hoà tổng thống thì chế định Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1946 cũng có những đặc thù nhất định. Bởi vì, cơ sở để các nước theo mô hình chính thể cộng hoà tổng thống trao quyền độc lập cho Tổng thống là do Tổng thống được nhân dân trực tiếp bầu ra giống như con đường hình thành nên Nghị viện.

Tuy nhiên, về nghĩa vụ, Tổng thống vẫn phải chịu trách nhiệm về những tội hình sự bình thường mà pháp luật của các nước này quy định. Đối

với những nước theo mô hình chính thể cộng hoà đại nghị, một đặc điểm nổi bật là người đứng đầu cơ quan hành pháp thường phải chịu trách nhiệm và báo cáo trước Nghị viện. Còn nếu có chức danh Tổng thống hoặc Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia thì các chức vụ này thường mang tính lễ nghi, có ít quyền tham chính. Với cách nhìn đối chiếu trên, chức danh Chủ tịch nước của nước ta theo Hiến pháp 1946 có những điểm khác biệt khá lớn so với cả hai mô hình chính thể nói trên. Cụ thể là Chủ tịch nước không phải do nhân dân trực tiếp bầu lên và cũng không phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, nhưng lại có quyền hành pháp khá lớn. Vì vậy, có thể nói, theo quy định của Hiến pháp 1946, Chủ tịch nước có một vị trí quyền lực khá đặc biệt trên một cơ sở pháp lý có giá trị cao để bảo vệ sự ổn định trong hoạt động của Chính phủ nói chung và của Chủ tịch nước nói riêng.

Ngoài sự độc lập có tính chất tương đối trên, mối quan hệ giữa Nghị viện và Chính phủ cũng được Hiến pháp quy định với một cơ chế phối hợp chặt chẽ. Cụ thể là, những dự án luật đã được Nghị viện biểu quyết thì Chủ tịch nước phải ký ban hành chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được thông tri. Tuy nhiên, trong thời hạn ấy, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại, nhưng nếu dự án ấy vẫn được Nghị viện ưng thuận thì bắt buộc Chủ tịch nước phải công bố. Các quy định trên khiến ta liên tưởng đến quyền phủ quyết luật của Tổng thống Hoa Kỳ. Song ở một góc độ nào đó, quyền phủ quyết của Chủ tịch nước ta có phần hẹp hơn so với Tổng thống Hoa Kỳ do Hiến pháp Hoa Kỳ quy định thêm một ưu tiên cho Tổng thống là quyền phủ quyết “bỏ túi” hay còn gọi là quyền phủ quyết ngầm để một dự án luật không trở nên có hiệu lực. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định Nghị viện có quyền biểu quyết vấn đề tín nhiệm đối với Nội các và để tạo nên cơ chế đối trọng, trong thời hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị

nhất là 48 giờ. Sau lần thảo luận lại, nếu Nghị viện vẫn bất tín nhiệm thì Nội các phải từ chức.Bóng dáng của mô hình cộng hoà lưỡng tính cũng được thể hiện trong cách thức tổ chức quyền lực của Hiến pháp 1946 khi quy định về chế độ “hành pháp lưỡng đầu”. Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Nội các, Chủ tịch nước ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ. Như vậy, quyền hành pháp một phần thuộc về Chủ tịch nước (mà nhiều nước gọi là Tổng thống), một phần thuộc về Thủ tướng, nhưng quyền lực vẫn chủ yếu tập trung vào Chủ tịch nước.

Hai là:Xác định và thiết lập cơ chế bảo đảm sự độc lập của tòa án: Bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc ta cũng rất thành công trong việc để các cơ quan tư pháp có vị trí độc lập. Tính độc lập trong các cơ quan toà án không chỉ được thể hiện trong mối quan hệ giữa các cơ quan này với cơ quan lập pháp và hành pháp mà còn được thể hiện trong vai trò của thẩm phán. Khi xét xử, các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không có quyền can thiệp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hệ thống tòa án theo cấp xét xử mà không tổ chức theo đơn vị hành chính là một yếu tố làm tăng thêm tính độc lập trong hoạt động của toà án. Với cơ chế này, toà án không bị phụ thuộc và bị tác động của chính quyền địa phương nên các quyết định của toà án có tính khách quan và chính xác hơn.

Từ những phân tích trên cho thấy, sự kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là khá rõ ràng trong Hiến pháp 1946. Song xét một cách tổng thể, bản Hiến pháp này của nước ta vẫn được xây dựng trên tư tưởng đề cao vị trí và vai trò của Nghị viện trong mối tương quan với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng pháp quyền, dân chủ Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp 1946 và những giá trị kế thừa (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)