Văn hóa pháp lý nói chung và văn hóa pháp lý về tranh tụng nói riêng là một loại văn hóa mang tính đặc thù riêng, nó chẳng những mang tính văn hóa, văn minh tiến bộ của xã hội mà nó còn mang tính văn hóa tư pháp. Để giữ gìn văn hóa pháp lý, rất cần có một cơ chế để tất cả mọi người từ những
cán bộ của cơ quan tư pháp như cơ qua điều tra, Viện kiểm sát… đến Luật sư, nhân dân đều phải thực hiện. Chúng ta đang thực hiện cải cách tư pháp, mà một trong những vấn đề cần cải cách ngay có lẽ là “Văn hóa phiên tòa” - để phiên tòa không những là nơi xét xử mà còn là nơi giải thích và giáo dục pháp luật.
Hoạt động tranh tụng và văn hoá tranh tụng đang được diễn ra ở phiên toà dưới sự cố gắng nỗ lực của cả Luật sư và kiểm sát viên. Bằng sự cố gắng trau rèn, bồi đắp các tố chất nghề nghiệp, đội ngũ Luật sư Việt Nam đang từng bước trở thành một thành tố không thể thiếu được trong ngôi nhà chung của nền tư pháp thống nhất, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền văn hóa pháp luật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, hướng đến việc xây dựng nền tư pháp nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Xét riêng văn hóa pháp lý về tranh tụng tại phiên tòa hình sự ở nước ta hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề cần có sự chỉnh đốn thích hợp. Ví dụ như vấn đề về ý thức thực hiện nội quy phiên tòa của những người tham gia phiên tòa cũng như người tham dự: Đâu đó trong một số phiên tòa vẫn còn tình trạng để chuông điện thoại vang lên trong phiên xét xử hoặc những người tham gia phiên tòa “hồn nhiên” nói chuyện điện thoại như ở nơi công cộng hoặc lúc Luật sư bào chữa hay lúc Hội đồng xét xử tuyên án, đâu đó lại vang lên những lời bình phẩm, bàn tán, khen chê, đôi lúc còn có cả những câu chửi thề… Trong lúc tranh luận, nhiều Luật sư nói rất thuyết phục đến nỗi phía gia đình người bị hại “khoái chí” vỗ tay nói oang oang giữa phòng xử án: “quá được!” một cách vô tư. Tất cả những diễn biến đời thường nói trên diễn ra tại phiên tòa thực sự là điều đáng lo ngại cho hiệu quả của phiên tòa bởi các hoạt động trên ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chính của phiên tòa đặc biệt là hoạt động tranh tụng giữa Luật sư, làm gián đoạn phiên tòa khi Chủ tọa phiên
tòa phải tạm dừng phiên tòa đề nhắc nhở những người có hành vi thiếu tôn trọng phiên tòa nêu trên. Như vậy, các hành động này không chỉ làm giảm tính tôn nghiêm của phiên tòa mà còn làm giảm hiệu quả của phiên tòa. Điều này được lý giải bởi nhận thức của người dân về việc thực hiện các nội quy của phiên tòa chưa cao.
Muốn thay đổi tình trạng này chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức pháp lý về phiên tòa cho người dân thông qua tất cả các cơ quan, tổ chức, và kể cả đội ngũ Luật sư. Luật sư cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các nội quy phiên tòa để những người tham gia phiên tòa như người thân, gia đình bị cáo, những người có liên quan khác…có được ý thức về văn hóa pháp lý.
Phải xây dựng văn hóa pháp lý về tranh tụng: thể hiện tính tôn nghiêm của phiên tòa khiến cho người dân khi tham gia phiên tòa cũng như những người đến chứng kiến tham dự phiên tòa đều có ý thức tôn trọng các thành viên trong Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Luật sư, nghiêm túc thực hiện các nội quy phiên tòa, giữ trật tự phiên tòa….Các thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tuân thủ triệt để việc phổ biến nội quy phiên tòa trong mọi phiên tòa dù đó là vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người, án xâm phạm an ninh quốc gia, án xử các tội phạm về ma túy… hay trong trường hợp phiên tòa chỉ có một mình bị cáo, đối với các vụ án ít nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần có nhiều cuộc hội thảo và chuyên đề về văn hóa tư pháp và văn hóa xét xử tại phiên tòa, để góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật mang đầy đủ tính pháp luật, tính văn hóa, làm cơ sở cho văn hóa xét xử tại phiên tòa đạt được những đỉnh cao xứng đáng là trung tâm có vai trò quan trọng trong văn hóa tư pháp.
Văn hóa pháp lý về tranh tụng hay cụ thể hơn văn hóa phiên tòa được chính các chủ thể tham gia phiên tòa và toàn thể người tham dự hình thành nên. Do vậy, mọi biểu hiện của chủ thể tham gia phiên tòa như thành phần hội
đồng xét xử bao gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên (bên buộc tội), Luật sư và bị cáo (bên gỡ tội) đều thể hiện một phần nào đó của văn hóa phiên tòa đó. Trong Hội đồng xét xử thì Thẩm phán là người điều hành chính diễn biến phiên tòa và cũng là người xét hỏi phải đưa ra những câu hỏi ngắn gọn, đầy đủ để bị cáo dễ hiểu, dễ trả lời, không đặt những câu hỏi khó trả lời, ngôn ngữ phải trong sáng thể hiện tính nghiêm minh, tính chuẩn xác, tránh hỏi những câu hỏi mang tính chất buộc tội mà không mang tính gỡ tội, không có những lời lẽ xúc phạm đến bị cáo... tránh tình trạng án bỏ túi, án tại hồ sơ. Việc xét xử phải căn cứ vào pháp luật chứ không được căn cứ vào việc xem tướng hay tâm linh... tránh tình trạng xét hỏi theo kiểu buộc tội để cảm xúc cá nhân chi phối có những ngôn từ gây phản cảm trong phiên tòa, gây ức chế cho người tham gia tố tụng ngay tại phiên tòa. Ví dụ, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kẻ trộm bị chết tại ứng Hòa, Hà Tây (cũ), thẩm phán chủ tọa phiên tòa thẩm vấn nhân chứng, nhân chứng trả lời thì chủ tọa phiên tòa lại cho bảo rằng: “Từ nãy đến giờ ông nói hơi nhiều rồi đấy”. Trong trường hợp này vô tình chủ tọa phiên tòa đã làm hạn chế việc khai báo của nhân chứng. Tiếp đó, ông chủ tọa phiên tòa lại yêu cầu thẩm vấn vợ bị cáo. Chị này khai rằng do bị một anh công an bảo phải khai rằng chồng chị đánh người vì: “Nếu tôi khai như thế thì chồng tôi mới sớm được thả ra, nếu không thì tôi cũng phải vào tù, tôi mà vào tù thì ai nuôi con tôi, ai nuôi mẹ chồng tôi, vì tôi sợ công an nên tôi đã khai theo họ”. Nghe xong thẩm phán thủng thẳng nói rằng: “ừ, trông chị là biết chị sợ công an rồi”. Vậy thưa quý tòa, việc xét xử căn cứ vào pháp luật, căn cứ vào những tình tiết của vụ án, hay là chỉ “xem tướng” là biết được?Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa lại hỏi bị cáo rằng: “Anh làm thế, anh có nghĩ đến vấn đề tâm linh không?”. Tưởng rằng chỉ xem xét hành vi của bị cáo thông qua quy phạm pháp luật và quy phạm
đạo đức thôi, bây giờ đại diện Viện kiểm sát lại xem xét đến cả “quy phạm tâm linh”.
Thái độ ứng xử trong tranh tụng tại phiên tòa: Để thực hiện văn hóa pháp lý về tranh tụng, các bên trong tranh tụng cần phải giữ thái độ đúng mực. Về phía các Luật sư cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn. Trong khi bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình, đã có những Luật sư dùng những lời lẽ nặng nề nhằm vào cơ quan công tố hoặc chủ tọa phiên tòa, thậm chí có Luật sư còn có hành vi kích động, coi thường kiểm sát viên hay hội đồng xét xử. Những lời nói, hành vi diễn ra trong phiên tòa với sự thiếu kiềm chế đã làm cho chất lượng phiên tòa khó được đáp ứng được yêu cầu; văn hóa ở chốn công đường không được tôn trọng bởi chính những người đang tham gia với những tư cách khác nhau và quan trọng như nhau. Luật sư tranh tụng tại phiên tòa không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn về luật pháp, khả năng thuyết phục mà cũng cần chú ý đến các phương pháp, cách thức diễn đạt để tác động tới tâm lý của Hội đồng xét xử nhằm thuyết phục họ nghe theo ý kiến tranh tụng của mình. Muốn vậy, cần sử dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng cộng với các phương pháp nghe, nói thể hiện văn hoá tranh tụng. Có như vậy, kiểm sát viên mới có thái độ tương ứng để tiếp tục tranh luận với Luật sư, tạo được thiện cảm với Hội đồng xét xử tạo lợi thế cho thân chủ của mình.
Việc tạo dựng văn hoá tranh tụng tại phiên toà cần phải được tiến hành dưới sự đổi mới của cả kiểm sát viên, Hội đồng xét xử và Luật sư. Nếu như một trong ba chủ thể này thể hiện sự bất đồng, người nói muốn nói song người nghe không muốn nghe, người không tìm ra được lối thoát cho các lập luận của mình, muốn kéo dài thời gian để tìm cách biện minh thì sẽ không tạo lập được môi trường tranh tụng văn minh. Sự khéo léo, tế nhị và sắc sảo trong các tình huống này của Luật sư có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó tạo ra văn hoá ứng xử trong tranh tụng và thể hiện được bản lĩnh, uy tín cũng như vai trò
của Luật sư. Hơn nữa, các phiên toà diễn ra với các tình tiết và không khí căng thẳng, phức tạp, khó kiểm sát được hoạt động.
Về phía kiểm sát viên và thành phần Hội đồng xét xử cũng cần giữ được hình ảnh của chính mình, phải có sự kìm chế cảm xúc, đặt việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật lên hàng đầu, kết quả giải quyết vụ án là quan trọng nhất tránh tình trạng đập bàn, quát nạt bị cáo…gây mất hình ảnh vốn có của vị quan tòa công minh, vị đại diện Viện kiểm sát thực thi quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật tại phiên tòa và đặc biệt mất tính tôn nghiêm của một phiên tòa.
Văn phong diễn đạt và trình bày của Người bào chữa: Xét về văn phong diễn đạt của Luật sư trình bày tại phiên toà đây cũng là một vấn đề tuy nhỏ những khá ảnh hưởng tới uy tín tranh tụng của Luật sư. Có nhà văn của Pháp đã đưa ra các yêu cầu về văn phong tương ứng với 05 tiêu chuẩn là: trong sáng, ngắn gọn, phù hợp, rõ ràng và dễ chấp nhận. Thiết nghĩ văn phong pháp lý của Luật sư chúng ta trước tiên phải đảm bảo các yêu cầu chung đó bên cạnh các yêu cầu đặc thù của nghề luật như không dùng câu từ trừu tượng, không dùng ngôn ngữ đời thường hay dung văn phong cảm thán, khoa trương, chẳng hạn "Vị đại diện Viện kiểm sát kính mến" hay "Hội đồng xét xử công minh", "Bà hội thẩm tài ba" hay có những Luật sư đưa ra nhận định rằng "lập luận của vị đại diện Viện kiểm sát là vô cùng trong sáng, vô tư..."!(?) ...
Cuối cùng, trang phục của Luật sư, của người tham dự phiên tòa cũng là vấn đề đáng bàn. Trang phục Luật sư, của người tham dự phiên tòa phải thể hiện tính nghiêm túc, kín đáo…thể hiện sự tôn trọng phiên tòa, người tham gia phiên tòa….Bên cạnh đó, ngành Tòa án cũng phải thay đổi lề lối làm việc, phải đưa ra những quy định và quy chế cụ thể hơn tại phiên tòa để giảm thiểu những hành vi thiếu văn hóa, không làm mất đi tính tôn nghiêm nơi xét xử”.