Tội chuyên chở nô lệ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội phạm và đấu tranh chống tội phạm trên biển theo Luật Biển quốc tế (Trang 63 - 65)

Buôn bán nô lệ được biết đến đầu tiên tại Bồ Đào Nha. Khi đó bọn thực dân châu Âu xây dựng rất nhiều trang trại và các mỏ vàng ở châu Mỹ để khai thác tài nguyên nơi đây. Người da đỏ bị bắt buộc lao động một cách nặng nhọc và bị đối xử một cách tàn nhẫn, đã kịch liệt chống đối và bị tàn sát rất thảm khốc. Năm 1502 đợt nô lệ da đen đầu tiên đến đảo Xan-tô, Đô-mi-gô (thuộc Hai-ti) và bị ném về các trang trại. Từ đó việc buôn bán nô lệ ngày càng mở rộng thông quá các tổ chức "đội săn người" để đi cướp bắt nô lệ. hoặc thông qua hình thức dùng súng, đạn, rượu ngọt, vải hoa và một số đồ chơi, hối lộ và câu kết với các tù trưởng bộ lạc để họ tiến hành cuộc chiến tranh săn bắt nô lệ giữa các bộ lạc da đen với nhau. Sau mỗi cuộc chiến tranh, số nô lệ bắt được được đem bán và trở thành chiến lợi phẩm của tù trưởng. Những chiến lợi phẩm này được đánh dấu nung đỏ, dưới sự xua đuổi bằng roi vọt, dẫn họ tới bờ biển. Giới chủ nô mua những thanh niên nam nữ khỏe mạnh, đem họ nhốt vào những căn hầm trong các pháo đài buôn nô lệ ngay bờ biển, đợi tàu buôn đến, các nô lệ chui ra khỏi hầm và bị lùa xuống tàu. Họ phải sống trong cảnh tù đày lênh đênh trên biển, bệnh tật, đói, rét, nếu chống lại sẽ bị đánh đập, giết hại, hàng ngày đều có nô lệ chết đói, chết khát, chết bệnh hoặc bị đánh chết, xác nô lệ bị quăng xuống biển. Nô lệ bị rao bán cho các chủ trang trại, chủ mỏ ở Châu Phi, sau đó thuyền lại chất đầy hàng hóa do nô lệ làm ra chuyển về châu Âu, trong hành trình vận chuyển này, người nô lệ là hàng hóa thật sự quan trọng. Ước tính trong hơn 300 năm từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, bọn thực dân châu Âu đã cướp từ Châu Phi 15 triệu người, nếu kể cả số người da đen bị đem đến Châu Âu, Châu Đại Dương và các đảo ở Thái Bình Dương, Châu Phi tổn thất khoảng 100 triệu người. Buôn bán nô lệ tàn nhẫn mang lại sự giàu có kinh khủng cho bọn thực dân Châu Âu, đồng thời mang đến cho nhân dân Châu Phi tai họa khủng khiếp.

Để đẩy lùi những hậu quả của việc buôn bán nô lệ, Công ước về Nô lệ được ký vào ngày 25 tháng 9 năm 1926 ở Genève. Với công ước này Quyền "không bị bắt làm nô lệ" trở thành một trong những nhân quyền được pháp chế hóa sớm nhất. Điều 1 của Công ước đã đưa ra định nghĩa về nô lệ và hành vi buôn bán nô lệ, theo đó: Nô lệ là một quy chế hay tình trạng của một người bị (người khác) thực thi một hay tất cả những quyền sở hữu; Buôn bán nô lệ bao gồm mọi hành vi liên quan đến việc bắt được, giành được, chuyển nhượng một con người với ý định đưa người đó vào tình trạng nô lệ; mọi hành vi liên quan đến việc giành một người nô lệ với ý định bán hoặc trao đổi; mọi hành vi chuyển nhượng bằng cách bán hay trao đổi một người nô lệ với ý định sẽ bị bán hoặc bị đổi chác và nói chung mọi hành vi buôn bán hoặc chuyên chở người nô lệ.

Theo Điều 8 Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị quy định mọi hình thức buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ. Không ai có thể bị bắt làm nô lệ; chế độ nô lệ và mọi hình thức buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ; Không ai có thể bị bắt làm nô dịch; Không ai có thể bị cưỡng bách lao động. Trừ trường hợp tại các quốc gia trong đó luật pháp cho phép tòa án có thẩm quyền tuyên án tù khổ sai, thì không được coi là "lao động cưỡng bách", ngoài ra những công tác hay dịch vụ mà các tù nhân phải làm trong thời gian bị giam giữ chiếu theo một bản án hợp pháp của tòa án, hay phải làm trong thời gian được phóng thích có điều kiện; Nghĩa vụ quân sự, hay nghĩa vụ quốc gia áp dụng cho những người được luật pháp cho miễn thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm; Nghĩa vụ cộng đồng trong trường hợp khẩn trương hay thiên tai đe dọa đời sống hay sự an lạc của cộng đồng; Những nghĩa vụ dân sự thông thường.

Công ước Luật biển năm 1982 không quy định về khái niệm "nô lệ" và hành vi "buôn bán nô lệ", chỉ có Điều 99 quy định về "cấm chuyên chở nô lệ". Theo điều luật này, mọi quốc gia đều thi hành các biện pháp có hiệu quả để ngăn ngừa và trừng trị việc chuyên chở nô lệ trên các tàu được phép mang cờ của nước mình và để ngăn ngừa việc lạm dụng sắc cờ của mình vào mục đích nói trên. Mọi người nô lệ ẩn náu ở trên một chiếc tàu, dù con tàu này

mang cờ của bất kỳ nước nào cũng được tự do ngay tức khắc (ipso-facto). Để thực hiện các quyền hạn trong việc chống lại tội chuyên chở nô lệ, các quốc gia thành viên có quyền khám xét nếu có những lý do đúng đắn để nghi ngờ rằng chiếc tàu đó dùng vào mục đích chuyên chở nô lệ (Điều 110), trong trường hợp này, tàu chiến có thể tiến hành việc kiểm tra các giấy tờ cho phép tàu mang cờ, tàu chiến có thể phải cử một chiếc xuồng dưới sự chỉ huy của một sĩ quan đến gần chiếc tàu bị tình nghi, sau khi kiểm tra các tài liệu nếu vẫn còn nghi vấn thì có thể tiếp tục điều tra trên con tàu với một thái độ hết sức đúng mực, nếu việc nghi ngờ xét ra không có cơ sở thì chiếc tàu bị khám xét được bồi thường về mọi tổn thất hay thiệt hại xảy ra với điều kiện là chiếc tàu này không phạm một hành động nào làm cho nó bị tình nghi.

Hiện nay, khái niệm "nô lệ" không còn nguyên nghĩa như khái niệm "nô lệ" như đã nêu trên mà thay vào đó là các hình thức buộc người khác phải lệ thuộc về vật chất, hoặc tinh thần khiến họ không có sức phản kháng, đấu tranh. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, con người có thể bị buôn bán để trở thành "nô lệ tình dục", làm người giúp việc-osin ….và bị bóc lột sức lao động, đánh đập của một số đối tượng đặc biệt là các đường dây buôn người xuyên quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội phạm và đấu tranh chống tội phạm trên biển theo Luật Biển quốc tế (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)