Chương 1 : NHỮNG TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG ASEAN
3.1. Các vấn đề pháp lý khi xây dựng Cộng đồng ASEAN
3.1.2. Những hạn chế trong thực hiện cam kết Cộng đồng AC
Việc thực thực hiện các cam kết trong Cộng đồng AC hiện vẫn gặp phải những khó khăn trên cả ba trụ cột chính là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội.
Một là, đối với APSC, còn nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện. Về các nỗ lực hợp tác phát triển chính trị, nhiều nội dung được thực hiện nhưng chất lượng không cao, kế hoạch chi tiết APSC xác định giáo dục là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức vê các hệ thống chính trị, văn hóa và lịch sử của các nước thành viên ASEAN nhưng trên thực tế, hội thảo và giảng dạy về ASEAN chỉ được phổ biến ở một số ngành của một số trường đại học về xã hội ở các nước thành viên của ASEAN. Bởi lẽ, trong những nội dung cam kết này còn tồn tại những mâu thuẫn nhất định khi vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nguyên tắc đồng thuận nên khó đạt được vì sự khác biệt về ý thức hệ chính trị sẽ tạo ra rào cản đối với quá trình hợp tác phát triển chính trị trong ASEAN.
Trên lĩnh vực hợp tác và thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 42 (07/2009) tại Phuket đã phê chuẩn Điều khoản tham chiếu (TOR) của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố ASEAN về nhân quyền, do AICHR soạn thảo, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 (Phnôm Pênh, Căm-pu-chia, 18/11/2012). Tuy nhiên, nguyên tắc hoạt động của AICHR là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các nước thành viên lại có mâu thuẫn cơ bản với cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền khi đâu đó còn tồn tại sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, thiếu dân chủ ở các nước thành viên.
Về nội dung cam kết tăng cường sự tham gia của các thể chế phù hợp kết hợp với ASEAN hướng tới các sáng kiến phát triển chính trị của ASEAN, đã có nhiều hoạt động được thực hiện nhưng trên thực tế, nếu tính theo các “đầu mối” được chỉ định để thực hiện như AIPA, Quỹ ASEAN, ASEAN ISIS thì mục tiêu hướng tới một cộng đồng đùm bọc hướng vào người dân xem ra chỉ là khẩu hiệu.
Về tiến trình thực hiện nội dung định hình và chia sẻ các chuẩn mực còn đặt ra nhiều câu hỏi về tính thực tế của nó, Kế hoạch chi tiết APSC đặt nhiệm vụ là điều chỉnh khuôn khổ thể chế của ASEAN phù hợp với Hiến chương ASEAN nhưng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa nó thì vẫn chưa có đặt ra. Cho đến nay, các bước đi mới chỉ dừng lại ở xây dựng các thể chế trong khuôn khổ của Hiến chương như thành lập Ủy ban đại diện thường trực ASEAN (CPR) mà chưa đưa ra một khuôn khổ, một chương trình hành động cụ thể nào cho việc thực hiện đầy đủ cam kết này. Cam kết
tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của TAC mặc dù đã có những bước tiến quan trọng như có thêm các nước, các khu vực quan trọng khác gia nhập hiệp ước này như Mỹ, Pháp, hay EU… Nguyên tắc được nêu ra trong TAC là giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình nhưng trên thực tế, ASEAN với tư cách là một khối lại không có được bất kỳ tiếng nói nào liên quan đến việc một nước bên ngoài đã tham gia hiệp định vi phạm các nguyên tắc của hiệp định này.
Về các biện pháp ngăn ngừa xung đột/xây dựng lòng tin, hoạt động của ADMM, ADMM+ và ARF chưa hữu hiệu, Hội nghị ADMM-5 (2011) cũng mới chỉ đạt được nhất trí “thành lập mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN” [77] và lộ trình lại chưa được vạch ra một cách cụ thể nên chưa có cơ chế chính thức cho hợp tác thực hiện cam kết ngăn ngừa xung đột/ xây dựng lòng tin trong ASEAN. Ở nội dung khác, các nỗ lực xây dựng các khuôn khổ thể chế cần thiết nhằm tăng cường tiến trình của ARF theo hướng hỗ trợ Cộng đồng chính trị an ninh ASEAN (APSC) mà các nước ASEAN thực hiện đang ở giai đoạn xây dựng Kế hoạch công tác ARF về ngoại giao phòng ngừa. Tuyên bố chủ tịch ARF 18 (2001) đã tự tin cho rằng “Kế hoạch công tác (ARF về ngoại giao phòng ngừa) đánh dấu giai đoạn có ý nghĩa trong phát triển của ARF từ xúc tiến các biện pháp xây dựng lòng tin sang giai đoạn thứ hai về phát triển các cơ chế ngoại giao phòng ngừa” [79]. Tuy vậy, để Kế hoạch này trở thành hiện thực, các nước ASEAN và các thành viên ARF khác sẽ phải mất nhiều thời gian, dù chúng ta chưa bàn tới nội dung cụ thể của nó là gì.
Nỗ lực giải quyết xung đột và hòa giải tranh chấp ở Thái Bình Dương theo Nghị định thư về các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được các nước ASEAN ký vào tháng 4/2010, đưa ASEAN thành một tổ chức hoạt động dựa vào nguyên tắc (rules- based organization) [82] vẫn không được giải quyết trên thực tế. Việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và Philippin không được ASEAN với tư cách là một tổ chức lên tiếng, đặc biệt là tại các cuộc họp AMM và Cấp cao ASEAN tại Phnom Penh năm 2012, nước chủ nhà Campuchia đã không hề đứng về phía các đối tác trong khối còn có xu hướng nghiêng về phe Trung Quốc hơn trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Xung đột biên giới Thái Lan và Campuchia nổ ra nhưng ASEAN không thể hiện được vai trò cụ thể nào.
được nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đó chính là lý do sáng kiến thành lập Ủy ban điều phối chung được đưa ra tại Hội thảo lần thứ hai về sử dụng vật lực quân sự trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa vào tháng 3/2011 chỉ được Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tháng 5/2011 đánh giá cao mà chưa hề vạch ra lộ trình cụ thể cho sự ra đời của Ủy ban này.
Các nỗ lực nhằm tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng được triển khai khá rầm rộ nhưng để ASEAN có được vị thế này, các nước thành viên phải nỗ lực rất nhiều cũng như cần nhiều sự hợp tác của các đối tác đối thoại của Hiệp hội. Kế hoạch hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 được vạch ra từ năm 2003 và năm 2007 tại Cebu, Philippine, các nước ASEAN quyết định đẩy mạnh xây dựng cộng đồng vào năm 2015. Tuy nhiên, phải tới tháng 5/2009, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) mới thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò trung tâm của ASEAN và nhất trí cùng hướng tới một Kế hoạch công tác nhằm duy trì và nâng cao vai trò trung tâm của khối (WPAC).
Về quan hệ với các đối tác đối thoại, sự tham gia của Mỹ và Nga vào EAS là một thành công của ASEAN trong nỗ lực củng cố vai trò trung tâm của mình ở khu vực. Tuy nhiên, có vẻ ASEAN muốn có sự tham gia của Mỹ và Nga để đảm bảo không có một nước lớn nào bên ngoài có cơ hội kiểm soát ASEAN hơn là tạo cho mình một vị thế, vai trò trung tâm như tổ chức mong muốn, nếu không muốn nói ASEAN đang giải quyết các vấn đề với tư cách là một tổ chức điều phối. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ASEAN đang vấp phải sự cạnh tranh khá khốc liệt của một số tổ chức khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương trong việc duy trì vai trò trung tâm của mình. Hơn nữa, hiện đang tồn tại một nghịch lý khá rõ ràng trong mối quan hệ “trung tâm – ngoại vi” của các cấu trúc khu vực ở Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương. Nhân tố được cho là trung tâm ASEAN lại yếu hơn nhiều so với các nhân tố ngoại vi xung quanh như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số tổ chức khu vực khác ở Đông Á. Đây cũng có thể được coi là thách thức đối với ASEAN khi tổ chức này muốn duy trì vai trò trung tâm của mình trong tương lai. Để đảm bảo được vài trò này, nhất thiết ASEAN phải xây dựng thành công cộng đồng của mình. Vì vậy, cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN là hết sức quan trọng, đảm bảo được lợi thế địa chính trị, địa kinh tế và địa chiến lược của khu vực Đông Nam Á và
có vai trò thu hút được sự quan tâm của nhiều nhân tố ngoại vi, trong đó có các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc.
Như vậy, việc thực hiện các cam kết hiện thực hóa APSC vào năm 2015 có vẻ đang khá suôn sẻ khi hàng loạt các khuôn khổ, thể chế, quy định đã được đặt ra trong một thời gian rất ngắn. Tuy vậy, trên thực tế có nhiều sự cố xảy ra đe dọa nền hòa bình của các nước thành viên hiệp hội nhưng các cơ chế đó lại hoàn toàn không có khả năng giải quyết các sự cố đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lộ trình thực hiện cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nguyên tắc “đồng thuận” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” đang là cản trở lớn nhất đối với hiện thực hóa một APSC nói riêng, AC nói chung theo đúng nghĩa là một cộng đồng, nếu xét theo hình mẫu của EU. Cuối cùng, APSC có thể ra đời vào 2015 bởi người quyết định là chính phủ các nước thành viên ASEAN chứ không phải là người dân của Hiệp hội này. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có những biến động về chính trị - an ninh như hiện nay có thể vừa là nhân tố thúc đẩy ASEAN thực hiện nhanh chóng các cam kết xây dựng cộng đồng, nhưng cũng có thể là những nhân tố bất lợi, cản trở quá trình thực hiện các cam kết của ASEAN. Tuy nhiên, chính bản thân ASEAN phải tực nhận thấy rằng xây dựng thành công APSC là hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Đối với AEC, việc thực hiện các hiệp định tự do hóa trên các lĩnh vực của ASEAN vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế phải được xem xét.
Một là, về cơ chế thương mại của ASEAN phần lớn thương mại của khu vực là với bên ngoài nhằm tối thiểu hóa chi phí chuyển hướng thương mại, do các nước ASEAN 6 đã và đang thực hiện quá trình giảm thuế quan với các đối tác bên ngoài nhằm bù đắp khoản thuế thương mại đã giảm trong thương mại nội khối. ASEAN 6 cũng thực hiện một vài biện pháp nhằm đa phương hóa các ưu đãi thương mại. Theo đó, họ đã tình nguyện dành các ưu đãi AFTA của họ cho các nước không phải thành viên ASEAN dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử. Đây là lý do giải thích vì sao riêng năm 2002 đã có hơn 2/3 tổng số dòng thuế của ASEAN 6 được giảm và số lượng dòng thuế này ngày càng được gia tăng từ năm 2002. Ngoài ra, do lịch trình giảm thuế ưu đãi khá nhanh và đầy tham vọng, AFTA đã tạo ra quy mô tự do hóa
thương mại đa phương ở ASEAN 6. Thay vì hạn chế chủ nghĩa đa phương, AFTA đã đẩy nhanh tốc độ mà các nước này đang hướng tới mục tiêu tự do và mở cửa thương mại của họ.
Như vậy, rất khó cho ASEAN nói chung và AFTA nói riêng trong việc bước lên một nấc cao mới. Cam kết không thông qua thương lượng của từng quốc gia nhằm mở cửa biên giới, mọi nỗ lực thiết lập một chế độ thương mại chung với bên ngoài chủ yếu dựa vào trình độ của Singapore, khiến cho việc thực hiện tự do hóa thương mại bên trong ASEAN khác xa so với các chính sách thương mại của mỗi quốc gia. Một hiệp định như vậy sẽ giống như một chính sách thương mại hai tròng cho tất cả các nước ngoại trừ Singapore. Tỷ lệ ưu đãi giữa AFTA và MFN rất thấp, thủ tục hành chính rườm rà khiến cho AFTA không mấy hấp dẫn. Và vì thế, đây là trở ngại lớn cho việc thực thi các cam kết thực hiện tự do hóa Thương mại trong ASEAN, hướng tới xây dựng thành công AEC vào năm 2015.
Hai là, các biện pháp phi thuế quan vẫn còn tồn tại khá phổ biến, đã làm giảm lợi ích tiềm năng của AFTA và gây cản trở thương mại nội khối, đặc biệt trong việc hội nhập nhanh của 12 khu vực ưu tiên (PIS).
Trong khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan tỏ ra khá đơn giản và chỉ cần một cơ quan là hải quan, thì việc cắt giảm các hàng rào thương mại là rất phức tạp, cần nhiều hình thức và liên quan đến nhiều cơ quan. Các nước ASEAN cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan – NTBs, và điều quan trọng là ASEAN có thể nhất trí được đối với vấn đề hạn chế số lượng NTBs và phải có hiệu lực ngay tức thì nhằm hỗ trợ tự do hóa Thương mại nội khối. Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi ASEAN có khả năng quản lý được các Biện pháp phi thuế quan – NTBs. Bản chất của NTBs thường không minh bạch, trong khi đó hệ thống pháp lý lại chưa cao, ASEAN chưa có một cơ sở dữ liệu về NTMs nhưng cho toàn bộ khu vực này để giúp kiểm soát các hoạt động NTBs của các nước thành viên.
Hơn nữa, thật khó cho ASEAN khi phải đánh giá những yếu tố cấu thành nên NTBs, thay vì có thể tập trung vào cái được gọi là “NTBs ưu tiên”. Trong thực tế, ASEAN có hai cách để xác định chúng. Thứ nhất là xác định NTBs thông thường và cách thứ hai là tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên và giải quyết các NTBs trong các nhóm thuộc các lĩnh vực ưu tiên này. Khi NTBs ưu đãi đã được xác định, tất cả
các nước thành viên cần tuyên bố và đánh giá cái nào có thể được áp dụng vì lý do bảo hộ. Nếu vì lý do bảo hộ thì phải xác định khung thời gian áp dụng, nếu không sẽ phải dỡ bỏ ngay lập tức. Cách làm này có thể thành công hơn, nhưng lại mất thời gian. Điều đó cũng giải thích vì sao các nước CLMV thường mất thời gian nhiều hơn trong việc dỡ bỏ NTBs.
Bên cạnh việc phân loại, xóa bỏ các rào cản phi thuế quan (NTBs) cũng như các biện pháp phi thuế quan (NTMs), việc hiện đại hóa các thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hóa và hợp lý hóa các chuẩn mực quốc tế, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng cũng đang là những thách thức lớn trong quá trình hội nhập FTA của các nước ASEAN. Ngoài ra, việc thiết lập các thể chế hoặc cơ chế trong nước nhằm quản lý việc thực hiện các cam kết cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ba là, hợp tác ASEAN trong lĩnh vực dịch vụ còn yếu kém, chưa có bước tiến nào kể từ khi thành lập. Cam kết tự do hóa dịch vụ còn yếu do lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong hầu hết các nền kinh tế (62% ở Indonesia, 49% ở Thái Lan và 54% ở Philipines) [46] và các nước thành viên còn nghi ngờ về lợi ích có thể đem lại từ việc tự do hóa này. Tự do hóa lĩnh vực dịch vụ cũng yêu cầu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và không giống như lĩnh vực chế tạo, không có một chính sách ngành rõ ràng nào đối với lĩnh vực dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là ASEAN có nên áp dụng một cách tiếp cận mới trong việc tự do hóa thương mại dịch vụ hay không? Hơn nữa, việc lưu chuyển lao động có tay nghề vẫn còn gặp phải một số rào cản nhất định do quy định về lao động và hợp đồng lao động đối với người nước