Cộng đồng ASEAN về Văn hóa – Xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiến trình xây dựng cộng đồng Asean Thời cơ và thách thức pháp lý001 (Trang 52 - 57)

Chương 1 : NHỮNG TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG ASEAN

2.2. Cộng đồng ASEAN về Văn hóa – Xã hội

2.2.1. Nội dung của ASCC

Mục tiêu của ASCC ASEAN bao gồm: i) xây dựng một cộng đồng xã hội đùm bọc nhau để giải quyết vấn đề đói nghèo, công bằng xã hội, phát triển nguồn nhân lực; ii) quản lý và xử lý các mâu thuẫn xã hội có thể nảy sinh; iii) nâng cao khả năng bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên; iv) củng cố các nền tảng gắn bó xã hội trong khu vực.

Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cộng đồng này là giải quyết vấn đề đói nghèo và phát triển nguồn nhân lực con người. Để xây dựng thành một cộng đồng ASEAN, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã từng bước vạch ra lộ trình của nó và đang nỗ lực thực hiện. Qua các văn kiện đã được thông qua ở các Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ASEAN từ Tầm nhìn 2020 đến nay cho thấy quyết tâm rất lớn của chính phủ các quốc gia trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN và ở lĩnh vực văn hóa – xã hội thể hiện rõ một chính sách, một chiến lược định hướng đúng đắn và kịp thời. Trong nội dung xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội nhấn mạnh chức năng điều chỉnh xã hội của văn hóa để tạo ra một hệ giá trị mới phù hợp với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới. Hơn nữa, còn góp phần hạn chế những mặt trái của quá trình độ thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang diễn ra ở các quốc gia ASEAN.

Với bốn mục tiêu tổng thể, Kế hoạch hành động của ASCC bao gồm nhiều nội dung khác nhau, bao gồm:

Thứ nhất, cộng đồng xã hội đùm bọc nhau là tiến tới giải quyết công bằng xã hội, xóa bỏ rào cản về chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính và sự khác biệt văn hóa – xã hội; xóa đói giảm nghèo; giải quyết vấn đề đói nghèo, giảm tỷ lệ đói nghèo là một trong những nhiệm vụ nòng cốt nhất của cộng đồng văn hóa – xã hội, là nền tảng để phát huy tiềm năng con người để con người đóng góp hết sức mình vào sự

phát triển xã hội. Thực tế có thể thấy, các nước ASEAN đều quan tâm giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo, nhưng tình hình và hoàn cảnh các nước khác nhau nên kết quả không đồng đều. Trong xã hội đùm bọc nhau, sự sẻ chia của người giàu cho người nghèo, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo, tương thân tương ái là một giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là cơ hội cho thanh niên để xây dựng một thế hệ công dân mới của Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN. Việc chăm sóc trẻ em, người già, người tàn tật được quan tâm ở các quốc gia ASEAN trước hết ở các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đối với người tàn tật, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho họ được học tập văn hóa, học nghề trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt và tạo công ăn việc làm thích hợp. Mục tiêu này đã nhận được sự nhất trí cao của các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN;

Thứ hai, tăng cường công tác y tế là điều kiện cơ bản để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao các chỉ số về quyền con người. Các nước ASEAN đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng còn khá nhiều việc bất cập. Theo Ngân hàng thế giới, chi phí y tế của Thái Lan chiếm 3,5% GDP, chi phí y tế cộng đồng chiếm 2,3% GDP; tương ứng ở Philippines là 1,4% và 3,4%; Malaysia là 3,8% và 2,2%; Campuchia là 6,7% và 1,7%; Indonesia là 2,8% và 1% [2, tr.51]. Có thể thấy các nước nghèo của ASEAN còn phải phấn đấu nhiều để cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân. Các chính sách y tế nói chung, phát triển nguồn lực y tế nói riêng cần được cải thiện hơn nữa để có thể kiểm soát dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu được khám chữa bệnh của người dân. Vấn đề đảm bảo cho mọi người có thuốc chữa bệnh an toàn với chất lượng tốt và giá cả phù hợp… là bài toán đang ở phía trước của các quốc gia;

Thứ ba, giải quyết tệ nạn xã hội và đại dịch. Việc kiểm soát và khống chế dịch H5N1 ngày càng phức tạp hơn, vì nó vẫn luôn tái phát. Đại dịch HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ và là thách thức nguy hiểm đối với tất cả các quốc gia, trong đó ở ASEAN tỷ lệ này vẫn còn cao: Brunei, Philippines dưới 0,1%, Indonesia 0,1%, Lào 0,1%, Singapore 0,2%, Malaysia 0,4%, Việt Nam 0,4%, Myanmar 1,2%, Thái Lan 1,5%, Campuchia 2,6% [2, tr.51]. Hiện tại đại dịch này không dễ khắc phục nhanh chóng, thậm chí còn có xu hướng gia tăng, bởi nó gắn liền với tình trạng buôn bán sử dụng ma túy chưa giảm trong khu vực. Trong kế hoạch hành động Viêng Chăn

(2004) với kỳ vọng đảm bảo một ASEAN không ma túy đến năm 2015 bằng mọi biện pháp, xem ra khó trở thành hiện thực. Ngoài ra, đòi hỏi sự phối hợp nỗ lực chung của các quốc gia ASEAN nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt tệ nạn buôn người (mỗi năm có 20.000 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân) [2, tr.52];

Thứ tư, về giáo dục, lao động và việc làm. Các nước ASEAN đặt ra nhiều mục tiêu hội nhập và liên kết sâu rộng nội khối ASEAN. Đi đôi với xóa đói giảm nghèo là phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thị trường lao động có năng lực cạnh tranh cao. Muốn vậy, phải phát triển giáo dục đào tạo, tạo nhiều công ăn việc làm. Thực tế, trình độ giáo dục đào tạo của các quốc gia ASEAN không đồng đều và đang vận hành với những mô hình khác nhau. ASEAN đang đứng trước sự khủng hoảng lao động có trình độ cao do đào tạo không theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi lợi thế về lao động truyền thống đang mất dần đi.

Thứ năm, một ASEAN tiến bộ, thịnh vượng vẫn còn giữ gìn và bảo tồn được những di sản văn hóa truyền thống giàu có của các nước trong khu vực. Điều kiện tiến tới một cộng đồng văn hóa chung thống nhất chính là nằm ở ý thức về di sản văn hóa của mỗi quốc gia đồng thời là tài sản văn hóa của cả ASEAN. Đó chính là từ những phong tục, lối sống đa dạng của các dân tộc sẽ hội tụ vào dòng chảy văn hóa chung của cộng đồng. Đây là một quá trình lâu dài để tiến tới hòa hợp bằng tình đoàn kết, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng cho đến nay hợp tác và xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội vẫn chưa trở thành một phong trào chính trị - xã hội rộng khắp trong từng quốc gia vì một ASEAN phát triển hài hòa, bền vững mà vẫn phổ biến quan niệm rằng là của các chính phủ.

Thứ sáu, xây dựng bản sắc ASEAN. Theo đó, ASEAN phải có một cơ chế chung đủ mạnh ở đó lợi ích cộng đồng luôn được đặt ở vị trí thích hợp. Duy trì và phát triển văn hóa truyền thống, truyền bá tốt hơn nữa sẽ hỗ trợ các nền văn hóa, giúp cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, cùng như tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa, giữa các vùng miền… sẽ là mục tiêu hướng tới xây dựng cộng đồng văn hóa xã hội. Việc đẩy mạnh học tập ngôn ngữ ASEAN chính là phương cách để sự hòa đồng văn hóa đạt được chiều sâu nhất định. Văn hóa truyền thống chính là nguồn mạch giúp cho các dân tộc ASEAN xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội cho các quốc gia ở khu vực này.

Thứ bảy, tăng cường tính bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên là nội dung văn hóa ứng xử của con người trong quan hệ với tự nhiên. ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ môi trường như trong số các quốc gia ASEAN, Singapore, Malaysia, Brunei giải quyết vấn đề môi trường tương đối khá hơn. Malaysia đứng hàng thứ 38/146 nước trên thế giới và đứng hàng thứ 2 châu Á về phát triển bền vững môi trường, xếp thứ 9/133 quốc gia có những nỗ lực nhằm giảm sự tác động xấu của môi trường đối với sinh thái và sức khỏe con người [2, tr.55]. Tuy nhiên, ASEAN đã và đang tồn tại không ít những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này, như ASEAN đang phải đương đầu với ô nhiễm môi trường, trong đó đáng lưu tâm là nạn cháy rừng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người ở các quốc gia ASEAN.

Tóm lại, nội dung Cộng đồng ASCC chủ yếu nghiêng về văn hóa – xã hội và một phần văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Do vậy, cần thiết phải quy tụ tính đa dạng văn hóa vào một hệ mạch chung thống nhất, phối hợp khu vực và tính hướng nội phải mạnh mẽ

2.2.2. Biện pháp và lộ trình thực hiện của ASCC

ASEAN đưa ra các biện pháp chủ yếu sau đây:

Một là, giáo dục bản sắc ASEAN, bao gồm: i) giáo dục về truyền thống di sản văn hóa chung của Đông Nam Á; ii) tuyên truyền mở rộng về văn hóa Đông Nam Á thông qua các hình thức đa dạng như truyền thanh, truyền hình, báo chí; iii) lập thêm các trung tâm nghiên cứu cơ bản về Đông Nam Á, tăng cường hiệu quả của công tác nghiên cứu. Ngoài ra, cần phải tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật về những vấn đề quan tâm của các nước. Nói riêng ở các cấp giáo dục, sách giáo khoa về lịch sử cần phải có một lượng nhất định về lịch sử văn hóa các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN. Cấp học càng cao, thời lượng và nội dung kiến thức về lĩnh vực này cần được tăng lên tương ứng;

Hai là, xây dựng chuẩn mực về giáo dục và đào tạo và vấn đề liên thông giáo dục đào tạo. Việc xây dựng chuẩn mực chung là cần thiết khi mà trong điều kiện thị trường, số lĩnh vực nhất định của quốc gia này cần và có thể được đáp ứng bằng tiềm năng từ quốc gia khác và ngược lại. Liên thông các trường đại học Đông Nam Á là đích quan trọng cần phải đạt đến. Cuối cùng là một hệ thống điều hành chung

Ba là, huy động sự tham gia của nhân dân. Việc nhân dân tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải trở thành một điều kiện chủ yếu trong việc xây dựng cộng đồng. Cộng đồng ASEAN thực sự vẫn còn khá mơ hồ đối với đa số người dân, thậm chí cả những người sống ở thành phố, các trung tâm kinh tế chính trị đông đúc. Do vậy, cần phải tập trung giáo dục về ý thức Cộng đồng ASEAN với các nội dung cả về kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa… Hơn nữa, việc giáo dục phải được tiến hành thường xuyên thông qua các phương tiện truyền thông, các chuyến đi thực tế, giao lưu;

Bốn là, xây dựng Quỹ văn hóa – xã hội ASEAN. Việc xây dựng Quỹ là hết sức cần thiết để tài trợ cho các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, y tế, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, đào tạo, xuất bản, các hoạt động giao lưu;

Năm là, xây dựng hệ thống luật pháp và tạo lập các cơ quan thực thi thể chế: i) xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định mang tính bắt buộc; ii) thành lập bộ máy điều hành đa cấp theo chiều ngang và chiều dọc, từ cấp cộng đồng, quốc gia xuống địa phương, từ lĩnh vực giáo dục, y tế sang môi trường, phòng chống HIV;

Sáu là, xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và thực hiện các dự án trọng điểm. Các kế hoạch này không chỉ hiện thực hóa chiến lược chung mà còn đề ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong từng thời kỳ. Lựa chọn các dự án trọng điểm sẽ tạo ra sự đột phá cần thiết đảm bảo sức sống và sự bền vững của cộng đồng;

Bảy là, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế. ASEAN cần phải thiết lập một cơ chế liên thông các tổ chức văn hóa, giáo dục, lao động, việc làm… giữa các quốc gia trong khối và thế giới. Điều này giúp tạo nguồn lực cần thiết để thực thi các kế hoạch xây dựng cộng đồng và kết nối có hiệu quả giữa các quốc gia trong khu vực và bên ngoài.

Mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động, song ASCC đã xây dựng được lộ trình, xác định các giai đoạn ưu tiên và đề ra các giải pháp cụ thể. Tại Hội nghị ASCC ASEAN lần thứ tư (ASCC-4) tháng 8/2000 tại Đà Nẵng đã đề ra các nội dung trọng yếu cần giải quyết: y tế, giáo dục, môi trường, bệnh dịch, quyền con người, phát triển nguồn nhân lực. Rõ ràng, xây dựng mạng lưới an sinh bền vững là vấn đề cấp bách và cũng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch mô hình phát triển của ASEAN và của cả khu vực Đông Á.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tiến trình xây dựng cộng đồng Asean Thời cơ và thách thức pháp lý001 (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)