Hiệu quả đã đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Thanh Hóa (Trang 79 - 83)

2.3. Đánh giá hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

2.3.1. Hiệu quả đã đạt được

Sau 08 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, công tác trợ giúp pháp lý tại Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng:

- Xét về mục đích, hoạt động trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần hỗ trợ hoạt động tư pháp để vụ việc được xét xử chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; trong nhiều trường hợp đã giúp các cơ quan Nhà nước xem xét lại những bất cập trong giải quyết vụ việc của dân, từ đó có những tác động tích cực đến đời sống pháp luật của xã hội, góp phần làm cho vai trò của pháp luật được phát huy, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giảm bớt khiếu kiện không

cần thiết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Đánh giá dưới góc độ chủ thể thực hiện: Hoạt động trợ giúp pháp lý là sự thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đối tượng chính sách, bảo đảm công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân trong tiếp cận với pháp luật, khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì dân.

Đến nay, mạng lưới trợ giúp pháp lý tại Thanh Hóa đã được hình thành từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí. Lực lượng thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý nòng cốt là Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Cơ cấu, tổ chức bộ máy của Trung tâm liên tục được củng cố, kiện toàn và hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu cơ bản các nhiệm vụ, chức năng đề ra. Bộ máy lãnh đạo được kiện toàn với Giám đốc và hai Phó Giám đốc. Các phòng chuyên môn và chi nhánh được thành lập, bảo đảm chuyên môn hóa, tách hoạt động quản lý hành chính với hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hướng mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở với 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 08 Chi nhánh được thành lập. Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tăng về số lượng, có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Hiện tại, Trung tâm có 15 Trợ giúp viên pháp lý, đây đang là đội ngũ nòng cốt thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý tại Thanh Hóa, đặc biệt là trong những vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; Mạng lưới cộng tác viên từ cấp tỉnh đến cấp xã không ngừng được mở rộng, đặc biệt phát triển cộng tác viên ở cấp xã trên tất cả các lĩnh vực pháp luật để khắc phục tình trạng thiếu biên chế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý đặc biệt là hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, lưu động.

- Về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý luôn luôn được chú trọng và nâng cao thể hiện qua các công tác như: Công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được coi trọng hơn với 40 đợt tập huấn cho 3.970 người tham dự; công tác đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhờ vậy, chất lượng vụ việc được nâng lên đáng kể với tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt và đạt chất lượng chiếm tỷ lệ khá cao, số vụ việc không đạt chất lượng chỉ chiếm tỷ lệ 0,3% trên tổng số 596 vụ việc được đánh giá; Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý không để xảy ra những sai sót, vi phạm pháp luật để người được trợ giúp phải khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Về kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý

Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác như tham gia hòa giải, hướng dẫn thủ tục hành chính, khiếu nại đã thực hiện được 13.175 vụ việc cho 13.175 đối tượng, trung bình mỗi năm thực hiện được 1.300 vụ việc. Qua các số liệu diễn biến từng năm số lượng vụ việc đều có chiều hướng tăng lên cho thấy nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngày càng tăng và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân từ phía Trung tâm ngày càng tốt hơn; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm đã tổ chức được 1.119 đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho 13.937 lượt/xã trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn tổ chức hoạt động sinh hoạt cho trên 250 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý đã thực hiện lắp đặt được 2.389 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan nhà nước, In và phát hành 1.422 đĩa CD có nội dung truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý tới các thôn, bản nơi tiến hành các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, phát hành 501.120 tờ gấp, tài liệu pháp luật khác tại các cuộc tư vấn lưu động, các đợt sinh hoạt Câu lạc bộ Trợ

giúp pháp lý, treo và dán tại các nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của các thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

Qua các số liệu nêu trên cho thấy kết quả hoạt động luôn tăng lên qua mỗi năm, mặc dù số lượng cán bộ, viên chức rất hạn chế nhưng đã thực hiện được khối lượng công việc đáng kể trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, địa bàn hoạt động đi lại khó khăn.

- Chi phí cho công tác trợ giúp pháp lý: Qua 8 năm hoạt động kể từ năm 2007 tổng kinh phí mà nhà nước đã chi cho các hoạt động trợ giúp pháp lý Thanh Hóa là 25.594.554.000, bình quân mỗi năm hơn 03 tỷ. Số kinh phí này được chi dùng cho các khoản chi lương, phụ cấp và chi cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tế nếu so sánh với điều kiện làm việc và mức thu nhập của cán bộ, viên chức trợ giúp pháp lý với các ngành nghề trong các cơ quan tiến hành tố tụng thì mức thu nhập thấp hơn rất nhiều, mức chi trả cho thù lao vụ việc so với mặt bằng xã hội hiện cũng rất thấp nên không thu hút được đội ngũ luật sư làm cộng tác viên. Tuy nhiên, khối lượng kết quả công việc đã thực hiện được và hiệu quả tác động tích cực đến đời sống xã hội mà hoạt động trợ giúp pháp lý đã đạt được trong thời gian qua là hết sức đáng ghi nhận.

- Dưới góc độ tác động của hoạt động trợ giúp pháp lý đối với xã hội: Thông qua các vụ việc trợ giúp cụ thể, hoạt động này đã góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương xóa đói, giảm nghèo của nhà nước; nâng cao trình độ dân trí, ý thức pháp luật, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội; giải toả những tranh chấp pháp luật, làm giảm bớt mâu thuẫn, kiện cáo trong cộng đồng dân cư; giúp người dân những ứng xử, hành vi phù hợp với pháp luật; tôn trọng thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tham gia đấu tranh chống và phòng ngừa các vi phạm và tội phạm, thực hiện an sinh xã hội, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng vì mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Về phía người thụ hưởng dịch vụ thì trợ giúp pháp lý nhà nước là địa chỉ tin cậy khi người dân cần giúp đỡ để biết pháp luật, tự tin để lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi hợp pháp của bản thân, gia đình, Nhà nước và xã hội; Nhiều trường hợp quyền lợi ích hợp pháp của đối tượng được bảo vệ thành công, đem lại sự tin tưởng cho người dân; nhiều trường hợp được tư vấn, hướng dẫn nên đã có sự chuyển biến của đối tượng trong nhận thức về vấn đề của mình một cách đúng đắn và có ứng xử tiếp theo phù hợp pháp luật, đạo đức xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Thanh Hóa (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)