Khái niệm chung về hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Thanh Hóa (Trang 33 - 39)

1.2. Những căn cứ, cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động

1.2.1. Khái niệm chung về hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

Trước hết thuật ngữ “hiệu quả” theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học năm 2004 được hiểu là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định.

Như vậy, đánh giá hiệu quả một nhiệm vụ, một hoạt động nào đó chính là việc tìm hiểu xem kết quả mà hoạt động đó mang lại như thế nào dưới nhiều góc độ khác nhau.

Ví dụ: Khi đánh giá về hiệu quả pháp luật đối với đời sống xã hội chính là tìm hiểu khả năng tác động vào các quan hệ xã hội theo hướng đã được xác định. Theo các nhà luật học thì hiệu quả pháp luật chính là kết quả của sự tác động pháp luật được đặc trưng bằng các chỉ số chung: trạng thái pháp chế, trình độ và tính ổn định của trật tự pháp luật. Các chỉ số chung ấy thể hiện ở mối quan hệ giữa kết quả thực tế của sự tác động của các quy phạm pháp luật và mục đích xã hội mà các quy phạm pháp luật nhằm đạt đến.

Theo GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế tại bài viết “Bàn về hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Khoa học pháp lý - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thì:

Hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật là kết quả có thể đạt được dưới sự tác động định hướng của phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm cung cấp cho các cá nhân kiến thức pháp luật, kỹ năng pháp luật cần thiết, hình thành ở họ thái độ, tình cảm, niềm tin pháp luật và hành vi phù hợp pháp luật với chi phí về vật chất, tinh thần thấp nhất.

- Hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cần được nhận thức, đánh giá trên cả hai phương diện:

+ Phương diện kết quả đạt được so với các yêu cầu, mục đích của các quy định pháp luật tương ứng.

+ Phương diện hiệu quả xã hội đạt được.

- Hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đánh giá trên từng mục đích cơ bản của PBGDPL: mục đích nhận thức, mục đích thái độ, tình cảm, niềm tin PL và mục đích hành vi phù hợp pháp luật. Đây chính là bộ ba mục đích của PBGDPL. Như

vậy mới thật sự khách quan, toàn diện và công bằng đối với hoạt động PBGDPL [39, tr.3-8].

Đánh giá dưới góc độ kinh tế, hiệu quả là sự so sánh giữa các chi phí đầu vào với các giá trị của đầu ra, sự tăng tối đa lợi nhuận và tối thiểu chi phí, là mối tương quan giữa sử dụng nguồn lực và tỷ lệ đầu ra - đầu vào.

Nếu đánh giá hoạt động trợ giúp pháp lý dưới góc độ kinh tế đó chính là tính toán các chi phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Nếu chi phí ít hơn giá trị lợi ích mang lại thì hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả. Ngược lại, nếu chi phí ít nhưng mang lại những tổn thất lớn cho xã hội hoặc xã hội phải bỏ ra chi phí lớn hơn những lợi ích nhận được thì cũng không có hiệu quả.

Từ những góc độ phân tích nêu trên có thể hiểu rằng: ″Hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý là kết quả đạt được do hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại trong những phạm vi và điều kiện nhất định″.

Để đánh giá được hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý cần phải dựa vào những tiêu chí được xác định về mặt lý thuyết, từ đó liên hệ với điều kiện và hoàn cảnh thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý trong mỗi giai đoạn, thời điểm cụ thể, xem xét một cách khách quan và rút ra những kết luận làm sáng rõ những ưu điểm, nhược điểm, các nguyên nhân của chúng. Có nhiều tiêu chí để đánh giá hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý trong đó có các tiêu chí cơ bản sau:

- Mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý

Mục đích đặt ra đối với hoạt động trợ giúp pháp lý là kết quả cần đạt được đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo đó mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý là việc cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, có chất lượng cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong xã hội, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; tạo điều kiện

cho người yếu thế trong xã hội, mà cụ thể người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên trong việc tiếp cận pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

- Chủ thể thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý

Chủ thể thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý được hiểu là người thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm đạt tới các mục tiêu mà hoạt động đó đề ra. Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý thì chủ thể bao gồm:

+ Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Người thực hiện trợ giúp pháp lý.

+ Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Tổ chức hành nghề luật sư; Tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) 45, tr.3.

+ Người thực hiện trợ giúp pháp lý là Trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý (Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Luật sư; Tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật) 45, tr.5.

Để thực hiện được các mục tiêu của hoạt động trợ giúp pháp lý, các chủ thể nói trên phải có đầy đủ các điều kiện, năng lực theo quy định để tổ chức và thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý. Cụ thể, các điều kiện về tư cách pháp lý khi đăng ký tham gia hoạt động, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện về phẩm chất đạo đức... Đánh giá qua tiêu chí này có thể cho thấy hệ thống trợ giúp pháp lý đang được tổ chức thực hiện bởi những chủ thể như thế nào.

- Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

phí cho xã hội, thông qua đó giúp cho người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Mỗi sản phẩm do dịch vụ trợ giúp pháp lý cung cấp ra như tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, kiến nghị hay hòa giải có chất lượng cao hay thấp, có đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của xã hội hay không, có bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng hay không, có tương ứng với chất lượng dịch vụ do các chủ thể khác ngoài xã hội cung cấp hay không.... Đây chính là thước đo rõ ràng nhất cho hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý

Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý được thể hiện ở số lượng vụ việc mà các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện được cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó chia theo hình thức trợ giúp pháp lý, lĩnh vực pháp luật được trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý, địa điểm thực hiện trợ giúp pháp lý; số lượt người được trợ giúp pháp lý.

Thông qua tiêu chí này có thể xác định được trong một khoảng thời gian nhất định hoạt động trợ giúp pháp lý có thực sự đạt hiệu quả hay không. Ví dụ: Với số lượng vụ việc đã đạt được so với nhu cầu của xã hội là cao hay thấp; hình thức thực hiện dịch vụ là tư vấn, là tham gia tố tụng, là đại diện ngoài tố tụng... cái nào là nhiều hay ít so với nhu cầu thực tế; về lĩnh vực pháp luật trợ giúp pháp lý Hình sự, Dân sự hay Hôn nhân, gia đình... lĩnh vực nào nhiều, ít hoặc chưa đáp ứng được trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật yêu cầu; người được trợ giúp pháp lý, địa điểm thực hiện và số lượt người được trợ giúp pháp lý có đáp ứng được theo nhu cầu, theo quy định của pháp luật hay chưa...

- Chi phí cho công tác trợ giúp pháp lý

Đối với bất kỳ hoạt động nào được tổ chức triển khai thực hiện các nhà hoạch định chính sách luôn phải tính toán xem chí phí cho hoạt động đó sẽ là bao nhiêu và hiệu quả tác động đối với xã hội mà hoạt động đó mang lại so với chi phí bỏ ra như thế nào. Nếu đặt hoạt động trợ giúp pháp lý trong tổng thể các chính sách giảm nghèo của nhà nước thì có những tác động như thế nào đối với những hoạt động khác...

Như vậy, chi phí đầu tư cho hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ đạt được những mục tiêu cụ thể, trực tiếp trong hoạt động trợ giúp pháp lý mà còn là hiệu quả của chúng trong tổng thể chính sách giảm nghèo của nhà nước và xã hội. Tất cả những chi phí cho việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải ở mức độ cho phép nhưng phải bảo đảm hiệu quả ở mức cao nhất và không chỉ là hiệu quả đơn thuần về mặt định lượng mà còn là sự cần thiết phải thực hiện chúng; là kết quả sự tác động ảnh hưởng tích cực tới các hoạt động khác trong hệ thống các chính sách giảm nghèo.

- Sự tác động, ảnh hưởng đối với xã hội

Hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao trình độ dân trí pháp lý và ý thức pháp luật; góp phần giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giảm bớt khiếu kiện không cần thiết, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Trên cơ sở đó góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng nếp sống văn minh “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Tiêu chí này là một trong những tiêu chí phức tạp và khó xác định bởi mang nhiều yếu tố định tính. Hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý có sự tác động đến đời sống xã hội rất đa dạng, chúng có thực sự hữu ích, cần thiết đối với xã hội hay không, được xã hội đánh giá và ghi nhận như

thế nào... Để xác định được hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý theo tiêu chí này cần phải có kết quả tổng hợp của tất cả các hoạt động trợ giúp pháp lý diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định hoặc cần có sự so sánh giữa các thời điểm khác nhau mới có thể thấy rõ được hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Thanh Hóa (Trang 33 - 39)