2.2. Hoạt động trợ giúp pháp lý ở Tỉnh Thanh Hoá
2.2.2. Thực trạng về đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
2.2.2.1. Về lực lượng cán bộ, viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa
Đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hoá từ khi được thành lập đến nay đã từng bước được củng cố và tăng cường theo thời gian. Đến nay (2014) Trung tâm Trợ giúp pháp lý được UBND tỉnh phân bổ 37 biên chế, trong đó có Giám đốc chuyên trách, 2 phó Giám đốc, 15 Trợ giúp viên pháp lý còn lại là viên chức để tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý. Trong số 37 biên chế có 01 cán bộ là kế toán còn lại đều có trình độ Cử nhân luật, có sức khỏe của tuổi trẻ, có sự nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp.
Thực tế, đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm còn thiếu rất nhiều về số lượng và hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý so với nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng cao của người dân, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý. Hiện tại, cán bộ, viên chức trợ giúp pháp lý đang phải đối mặt với sức ép công việc nặng nề. Họ vừa phải thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng hàng ngày ở trụ sở trung tâm, chi nhánh vừa phải thực hiện một số công việc hành chính khác như quản lý đội ngũ cộng tác viên; kiêm nhiệm các công tác kế toán, tài chính, văn thư, lưu trữ; quản lý theo dõi, hướng dẫn
hoạt động cho các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Đặc biệt, hàng năm phải thực hiện hàng trăm cuộc trợ giúp pháp lý lưu động nên quân số phải huy động tối đa cho lưu động dẫn đến các hoạt động trợ giúp pháp lý khác bị gián đoạn hoặc rất khó khăn cho bố trí, sắp xếp giữa các hoạt động.
2.2.2.2. Lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Để thực hiện xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, thu hút đội ngũ chuyên gia pháp lý, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật, những người có kiến thức, hiểu biết pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý khắc phục tình trạng thiếu biên chế hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng việc xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, trong đó đặc biệt chú trọng các cộng tác viên cấp xã trên hầu hết các lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Quá trình hình thành và phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý ở Thanh Hóa, lực lượng cộng tác viên có nhiều sự biến đổi có lúc số lượng cộng tác viên lên tới trên 250 người. Thực hiện Thông tư số 07/2012/TT-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát và cấp đổi, cấp mới thẻ cộng tác viên. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác vận động, khuyến khích thu hút các cá nhân có đủ điều kiện đăng ký tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 160 cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trong số này phần lớn là các cộng tác viên đang là công chức tư pháp làm việc tại các xã thuộc 11 huyện miền núi của tỉnh.
Có thể khẳng định lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý phát triển nhanh, được bố trí từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, so với yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách còn thấp, kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý còn nhiều
hạn chế và bất cập. Một số lĩnh vực pháp luật như dân sự, đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách... Số lượng cộng tác viên chuyên sâu ở các lĩnh vực này chưa nhiều. Hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, vai trò của cộng tác viên trợ giúp pháp lý là rất quan trọng, chính họ là lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, tổ chức duy trì các hoạt động của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ này đều đang là cán bộ, công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước. Do đó, thời gian dành cho công tác trợ giúp pháp lý không nhiều, không chủ động được mà bị phụ thuộc nhiều vào công việc của cơ quan nơi họ đang công tác.
Thực tế hiện nay, có một số tổ chức, cơ quan có cán bộ, công chức tự nguyện đăng ký tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý nhưng họ không được chấp nhận của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với lý do có thể vi phạm quy định của ngành như trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc vì các lý do khác. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn lực lượng tổ viên tổ hoà giải, già làng, trưởng bản những người có uy tín... đây là lực lượng đông đảo có thể xem xét và công nhận làm cộng tác viên nhưng thực tế lực lượng này ở địa phương tham gia chưa nhiều vì nhiều lý do khác nhau. Vấn đề cập nhật văn bản pháp luật và các tài liệu phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế.
Đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý là luật sư thực tế tính tới thời điểm tháng 09 năm 2014 thấy rằng, trong tổng số 38 luật sư đang hoạt động tại 12 tổ chức hành nghề luật sư ở Thanh Hóa thì mới chỉ có 02 luật sư đăng ký tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Như vậy, số lượng luật sư tham gia làm cộng tác viên là quá ít. Có nhiều nguyên nhân, trong đó là do thù lao thanh toán cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý quá thấp so với mức mà luật sư làm việc cho các đối tượng khác; thủ tục xác nhận, thanh toán thù
lao phiền hà; ý thức trách nhiệm của luật sư với hoạt động trợ giúp pháp lý là rất thấp và chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm này của Luật sư, chưa có biện pháp bảo đảm và giám sát thi hành; chưa có cơ chế quản lý, huy động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề luật sư, công ty luật, đội ngũ Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tình nguyện; các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thật sự quan tâm và tạo điều kiện cho Luật sư trong quá trình tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.
2.2.2.3. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý đã được chú trọng, không chỉ đào tạo các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, kinh nghiệm nghề nghiệp, mà còn kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên và đột xuất. Xác định năng lực là vấn đề mấu chốt bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý nên hàng năm Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ chuyên viên pháp lý và cộng tác viên. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đã từng bước chuyên môn hoá, bao gồm bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, đột xuất để kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật mới ban hành; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù và bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện, bảo đảm việc trợ giúp pháp lý đạt chất lượng, tránh phải bồi thường thiệt hại do việc trợ giúp pháp lý sai gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý.
Tính từ thời điểm năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm Trung tâm đều tổ chức được ít nhất từ 02 lớp tập huấn trở lên với mỗi lớp từ 50 đến 100 học viên tham dự.
Bảng 2.1: Tổng hợp số liệu về tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý từ năm 2007 đến 9/2014
Năm Đợt tập huấn Người tham dự Ghi chú
2007 01 80 2008 05 447 2009 8 788 2010 06 680 2011 03 320 2012 09 785 2013 04 450 09/2014 04 420 Tổng số: 40 3.970
Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác trợ giúp pháp lý từ 2007-2014.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở Thanh Hóa thời gian qua đã được quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đánh giá lại hoạt động này thấy vẫn còn nhiều điểm tồn tại và hạn chế dẫn tới kết quả chung của hoạt động trợ giúp pháp lý chưa cao như: Thời gian tập huấn ngắn chưa đủ để học viên trao đổi, thảo luận, giải quyết các tình huống, vụ việc cụ thể; thiếu giáo trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý còn chung chung, chưa cụ thể, chủ yếu do Trung tâm tự sưu tầm, tập hợp từ thực tiễn nên chưa bài bản và không có chiều sâu; nội dung và tài liệu chưa thật chi tiết và phong phú, chưa có nhiều vụ việc, tình huống mẫu; đội ngũ giảng viên chưa có kinh nghiệm làm trợ giúp pháp lý và thiếu chuyên sâu, chủ yếu do cán bộ, lãnh đạo của Trung tâm hoặc của Sở Tư pháp giảng dạy, vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống nên việc lĩnh hội, tiếp thu các kiến thức của học viên còn thụ động. Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề chưa được quan tâm hoặc chưa có
điều kiện để thực hiện như: kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù là người khuyết tật, người chưa thành niên, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc bị buôn bán, người dân tộc thiểu số, người nhiễm HIV, người mới ra tù tái hòa nhập với xã hội.... Chưa có điều kiện để phân loại người thực hiện trợ giúp pháp lý theo từng trình độ, vùng miền để có nội dung, chương trình đào tạo phù hợp... Việc thiếu hụt kinh phí cũng là một vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng hiệu quả của công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đánh giá thực trạng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của tỉnh Thanh Hoá thời gian qua thấy rằng, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực và không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp quan trọng trong công tác trợ giúp pháp lý của địa phương. Tuy nhiên, trong đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên trợ giúp pháp lý của tỉnh Thanh Hoá hiện nay nổi lên một số khó khăn và hạn chế sau đây:
- Biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá được tỉnh phân bổ đến thời điểm năm 2014 là 37 người nhưng hiện nay mới có 15 trợ giúp viên pháp lý, còn lại là các viên chức và chuyên viên chưa được tham gia chính thức vào các hoạt động trợ giúp pháp lý. Như vậy, lực lượng cán bộ làm công tác chuyên môn về trợ giúp pháp lý là rất mỏng so với chức năng nhiệm vụ của Trung tâm và yêu cầu về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng trợ giúp pháp lý khác trên địa bàn tỉnh. Đây có thể nói là khó khăn rất lớn đặt ra cho Trung tâm, thậm chí còn khó khăn hơn nữa khi số viên chức, trợ giúp viên pháp lý này thường bị luân chuyển, điều động sang các đơn vị khác thuộc Sở Tư pháp.
- Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, viên chức ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý Thanh Hóa phần lớn tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp có nhiều hạn chế.
- Lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý tuy với số lượng đông nhưng hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý chưa cao, trong đó có nguyên nhân đặc thù là họ tham gia kiêm nhiệm (Cộng tác viên ở các xã). Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá đến nay có trên 166 cộng tác viên nhưng số lượng cộng tác viên là luật sư, tư vấn viên lại quá ít nên việc xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý gặp rất nhiều khó khăn và trước mắt chưa thể chia sẻ gì gánh nặng số lượng vụ việc rất lớn với các trợ giúp viên pháp lý.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý còn nhiều điểm hạn chế về phương pháp tổ chức cũng như nội dung bồi dưỡng, kinh phí bảo đảm.