Sơ lược về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở việt nam (Trang 52 - 56)

Hiện nay, cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó có gần 1,5 triệu TECHCĐB (chiếm khoảng 1,84% dân số; khoảng 5,8% dân số trong độ tuổi trẻ em) và khoảng 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong số TECHCĐB có khoảng 157.000 trẻ em mồ côi, 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, 19.600 trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, 4.500 trẻ em nhiễm HIV/AIDS, 40.000 trẻ em lao động nặng nhọc nguy hiểm, 22.000 trẻ em lang thang, 1000 trẻ em bị xâm hại tình dục, 600 trẻ em nghiện ma túy, 13.300 trẻ em vi phạm pháp luật. 15.400 trẻ em phải làm việc xa gia đình và một số nhóm trẻ em khác [13]. TECHCĐB ở Việt Nam có một số đặc điểm chính như sau:

Đặc điểm về địa lý:

Mật độ, tỷ lệ TECHCĐB ở các vùng, miền là khác nhau. TECHCĐB tập trung chủ yếu ở các vùng đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình biến đổi khí hậu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thiên tai, bão lụt hay xảy ra và đặc biệt là có tỷ lệ hộ nghèo cao. Điển hình khu vực có tỷ lệ TECHCĐB cao là Trung du – Miền núi phía Bắc là chiếm 17,9% tổng số trẻ; đồng bằng sông Hồng chiếm 20,7% tổng số trẻ, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19,7% tổng số trẻ. Còn ở vùng Bắc Trung Bộ chiếm tỷ trọng thấp hơn là 12,4% tổng số trẻ, Vùng duyên hải miền trung là 11,8%, Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ là 10,3%, vùng Tây Nguyên chiếm 7,11% tổng số trẻ [15]. Sự biến động số lượng trẻ em ở mỗi nhóm trẻ cũng khác nhau; trẻ khuyết tật, tàn tật, trẻ em lang thang, trẻ lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại có xu hướng giảm. Nhưng trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em

nghiện ma túy có xu hướng tăng. Điều đó cho thấy rằng bên cạnh những mặt đạt được trong việc phòng ngừa, bảo vệ trẻ em nói chung thì ở một số nhóm trẻ em nhạy cảm, công tác này vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều vụ việc liên quan đến nạn lạm dụng, bạo hành trẻ em và càng ngày hiện tượng này lại càng trở nên phổ biến.

TECHCĐB tập trung ở các vùng nghèo, khó khăn và hay xảy ra thiên tai bão lụt. Ở những vùng này, số hộ nghèo cao hơn các vùng khác. Tuy nhiên, trẻ em nhiễm HIV/AIDS và trẻ em bị bỏ rơi lại tập trung nhiều ở những vùng đô thị hóa. Sở dĩ xu hướng này tăng mạnh là do ở các vùng có tốc độ đô thị hóa cáo, tỷ lệ người nhập cư lớn, dân trí phát triển chưa đồng đều dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, các vấn đề bức xúc từ đó ảnh hưởng rất nhiều tới hai nhóm trẻ này. Bên cạnh những nhóm trẻ được quy định trong luật thì nhà nước cũng đã xem xét và hỗ trợ tích cực cho nhóm trẻ em ngoài luật là trẻ em nghèo thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Nhóm trẻ em thuộc hộ gia đình thiếu đói, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên.

Nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em lao động nặng nhọc nguy hiểm, trẻ em bị xâm hại tình dục cũng tập trung nhiều ở những vùng điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt là những địa phương có tỷ lệ nghèo đói cao.

Các nhóm trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, di cư lại có xu hướng tập trung ở khu vực thành thị và những tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng...

Đặc điểm về độ tuổi:

Tỷ lệ TECHCĐB ở các nhóm có độ tuổi khác nhau. Trong đó, nhóm TECHCĐB từ 0 đến 5 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 15,6%, nhóm TECHCĐB từ

06 đến 10 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 44,2%, nhóm TECHCĐB từ 11 đến 16 tuổi chiếm khoảng 40,2% [15]. Như vậy có thể thấy nhóm TECHCĐB ở độ tuổi từ 06 đến 10 tuổi chiếm nhiều nhất, do đây là giai đoạn phát triển của trẻ nên nhu cầu học tập và các nhu cầu thiết yếu cuộc sống là rất cần thiết, mà điều kiện, hoàn cảnh gia đình không đủ để đáp ứng những nhu cầu đó, dẫn đến nhiều trẻ em không đủ điều kiện thực hiện các quyền cơ bản có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhóm trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đói, mất nguồn nuôi dưỡng phân bố đều ở các nhóm tuổi từ 0 - 16 tuổi; trẻ em khuyêt tật, trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc nguy hiểm, trẻ em lao động sớm, trẻ em nghiện hút, trẻ em vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ lớn ở độ tuổi từ 10 - 16 tuối. Đây là những nhóm trẻ em thuộc độ tuổi đang trong quá trình phát triển tâm sinh lý phức tạp, dễ bị tác động bởi người khác và môi trường xã hội xung quanh.

Đặc điểm về hoàn cảnh:

TECHCĐB có điều kiện sống hết sức khó khăn, đa số nhóm trẻ em này không được chăm sóc trong môi trường gia đình, ít có điều kiện đến trường, sống trong cảnh nghèo đói,gia đình có thu nhập thấp. Cuộc sống của các em gặp nhiều khó khăn và hầu hết là sống trong những gia đình có thu nhập ở mức nghèo nhất của xã hội, phải bỏ học sớm để lao động kiếm sống, không có đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập; ít hoặc không có cơ hội tham gia các hình thức học tập phù hợp như trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV/AIDS nên có mặt bằng chung về trình độ học vấn thấp. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng gặp nhiều khó khăn vì việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện đối với nhiều trẻ là rất hiếm vì gia đình không thể chi trả những khoản viện phí đắt đỏ.

TECHCĐB thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ và gia đình; nhiều trẻ em không được đảm bảo về nơi ăn ở, ngủ nên phải trú ngụ tại nơi làm thuê, nhà trọ, ngủ trên đường phố, nhà ga, bến xe, các địa điểm du lịch...

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhóm TECHCĐB về thể chất, tinh thần và điều kiện sống có xu hướng tiếp tục gia tăng như nhóm trẻ em di cư, trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm, nhóm trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật... Sự gia tăng của các nhóm TECHCĐB này ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo ra những gánh nặng, những vấn đề xã hội bức xúc cần nhà nước và cộng đồng giải quyết.

Như vậy, việc tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đã đem lại những thay đổi quan trọng về mức sống dân cư, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, trong đó có vấn đề trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây cũng là nhóm đối tượng chủ yếu cần hướng tới và giải quyết của hệ thống chính sách trợ giúp xã hội. Công tác chăm sóc, TGXH đối với TECHCĐB luôn được Đảng, Nhà nước và các địa phương xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước vì trẻ em không chỉ là lực lượng đông đảo của hiện tại mà là nguồn nhân lực của tương lai. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hôm nay chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cấp, các ngành nào, mà chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Đảng và Nhà nước ta đưa ra mục tiêu chiến lược là tạo môi trường pháp lý – hành chính và chuẩn mực đạo đức xã hội phù hợp để mọi gia đình, cộng đồng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và TECHCĐB nói riêng, đồng thời xây dựng hệ thống chính sách

để tạo cơ hội cho các em có hoàn cảnh khó khăn được hòa nhập, phát triển toàn diện về phẩm chất, trí tuệ và nhân cách để sau này đóng góp sức mình vào công cuộc phát triển đất nước. Xuất phát từ quan điểm đó nên việc xây dựng chính sách TGXH đối với TECHCĐB đã có sự thay đổi mới về nhận thức và phương pháp tiếp cận, các chính sách TGXH được xây dựng dựa trên cách tiếp cận vào nhu cầu của trẻ, quyền trẻ em, quyền con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở việt nam (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)