Xét xử công bằng là cơ sở của an ninh con người, phát triển kinh tế-

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền xét xử công bằng và vấn đề bảo đảm quyền xét xử công bằng ở việt nam luận văn ths luật (Trang 31 - 33)

1.2. Vai trò, vị trí và tầm quan trọng của quyền được xét xử công bằng

1.2.3. Xét xử công bằng là cơ sở của an ninh con người, phát triển kinh tế-

- xã hội.

An ninh con người là một khái niệm bao gồm hai khía cạnh chính, đó là:an toàn trước các mối đe dọa triền miên như đói khát, bệnh tật và áp bức; con người được bảo vệ trước những biến động bất thường và có hại đối với cuộc sống hằng ngày - bất luận ở trong gia đình, nơi công sở hay ở cộng đồng. Mặt khác, theo Ủy ban An ninh con người của Liên hợp quốc thì an ninh con người là phải bảo vệ các giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tăng cường khả năng tự do lựa chọn và hưởng thụ của con người, nghĩa là bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa và tình huống nguy hiểm và hiện hữu ở khắp mọi nơi. Nói cách khác, nó có nghĩa cần phải tạo dựng cùng lúc các hệ thống chính trị, xã hội, môi

trường, kinh tế, quân sự và văn hóa để chúng giúp con người đặt nền móng vững chắc cho sự tồn tại, cho cuộc sống bản thân và bảo vệ nhân phẩm của chính mình.

Từ khái niệm an ninh con người như đã nêu trên, có thể thấy an ninh con người bắt nguồn từ pháp quyền và xét xử công bằng. An ninh không thể thực hiện được nếu không có pháp quyền và xét xử công bằng. Do đó, có thể nói xét xử công bằng là một trong những cơ sở quan trọng của việc bảo vệ an ninh con người. Xét xử công bằng trực tiếp góp phần vào việc đảm bảo an ninh cho con người và đảm bảo để không ai bị truy tố và bắt giữ một cách tùy tiện, để mọi người được xét xử công bằng trước tòa án dưới sự chủ tọa của một thẩm phán công bằng và vô tư. Theo nguyên tắc pháp quyền (Principles of the Rule of law) thì: “Công dân không bị bắt giữ tùy tiên, nhà cửa không bị khám xét mà không có lý do chính đáng hoặc không bị tịch thu tài sản cá nhân”[43].Sự công bằng trong các vụ kiện ở tòa cấu thành công lý và đảm bảo lòng tin của công dân vào việc xét xử khách quan và theo pháp luật.

Một bộ máy tư pháp độc lập, vô tư có khả năng đảm bảo việc xét xử công bằng các vụ kiện không chỉ quan trọng đối với quyền và lợi ích của mỗi người nói chung, mà còn quan trọng đối với các pháp nhân khác, bao gồm thực thể kinh tế, tập đoàn kinh tế khác. Vì khi có một bộ máy tư pháp độc lập, vô tư, xét xử công bằng thì sự tiếp cận với tòa án đối với mọi cá nhân, tổ chức là như nhau và dễ dàng, thuận tiện. Các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên sẽ được bảo vệ tốt, tình trạng căng thẳng xã hội có thể điều chỉnh dễ dàng hơn và ý định vi phạm pháp luật khó nảy sinh hơn. Đó là điều kiện để đảm bảo cho một xã hội an toàn, an ninh.

Hơn nữa, một hệ thống tư pháp chặt chẽ không chỉ thực hiện chức năng sửa chữa mà còn thực hiện chức năng ngăn ngừa, hệ thống này giúp cắt giảm tỷ lệ tội phạm và nạn tham nhũng, do đó góp phần bảo vệ tự do, an ninh sức khỏe, an ninh chính trị. Trong các tình huống hậu xung đột, chẳng hạn như ở Bosnia và Herzegovina, việc tái thiết pháp quyền và quyền được xét xử công bằng đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường an ninh cho mọi người nhờ có sự ổn định về luật pháp, thi hành công lý, công bằng và quản lý tốt.

Kinh tế - xã hội của một quốc gia có phát triển theo chiều hướng tiến bộ hay không phụ thuộc nhiều vào hệ thống pháp luật và các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có tòa án là cơ quan có chức năng xét xử. Ở một quốc gia có hệ thống tòa án tốt thì sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia đó. Khi đó xu hướng đầu tư của các tổ chức kinh tế trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ tăng cao và do đó sẽ làm nền kinh tế phát triển. Ngược lại, ở một quốc gia mà hệ thống tòa án không độc lập, sự tiếp cận tòa án không bình đẳng... thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự đầu tư đối với nền kinh tế. Do đó, xét xử công bằng là một trong những cơ sở của sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền xét xử công bằng và vấn đề bảo đảm quyền xét xử công bằng ở việt nam luận văn ths luật (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)