1.2. Vai trò, vị trí và tầm quan trọng của quyền được xét xử công bằng
1.2.1. Xét xử công bằng là công cụ, phương tiện hữu hiệu để bảo vệ quyền
con người
Thông thường, khi một người bị nghi ngờ phạm tội và trở thành bị can trong các vụ án hình sự, đặc biệt là trong các trường hợp bị tạm giam, tạm giữ, họ rất dễ
bị vi phạm đến các quyền con người, như quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị tra tấn,quyền được bảo vệ đời tư... Tuy nhiên, theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu pháp luật của tòa án có thẩm quyền. Nguyên tắc bình đẳng thì mọi người đều có quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử trước pháp luật. Do đó, các nội dung của xét xử công bằng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quyền con người. Nó cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng có thể duy trì hàng loạt các quyền con người đảm bảo cho việc thi hành công lý từ lúc nghi ngờ tội phạm cho đến khi thực thi bản án. Nên ngay từ giai đoạn điều tra đến phiên xét xử cuối cùng, những người bị nghi là phạm tội vẫn được hưởng các quyền và tự do căn bản và bình đẳng trước pháp luật. Các nguyên tắc này là công cụ để bảo vệ các quyền con người khác: Như quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền được bảo vệ đời tư, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền kết hôn lập gia đình, quyền tự do kinh doanh, quyền lao động...
Quyền sống là một quyền cơ bản quan trọng của con người được quy định tại điều 3 UDHR: ”Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Khi một người bị nghi phạm tội, bất kể là tội phạm ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, bị tạm giam tạm giữ hay không thì quyền sống của cá nhân đó vẫn được tôn trọng và đảm bảo. Quyền sống ở đây bao gồm cả quyền được sống và những điều kiện tối thiểu căn bản cho cuộc sống phải được đảm bảo.
Quyền tôn trọng đời sống riêng tư, gia đình và thư tín được ghi nhận tại điều 17 (1) ICCPR ”Không ai bị can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. Ngoài ra quyền này còn được ghi nhận trong nhiều công ước khác như điều 11 Công ước Châu Mỹ về quyền con người, điều 8 công ước Châu Âu về quyền con người. Khi một người bị nghi phạm tội thì đời sống riêng tư dễ bị xáo trộn, họ dễ bị nghe lén điện thoại, khám xét nơi ở, can thiệp vào thư tín... nhưng theo nguyên tắc suy đoán vô tội của quyền xét xử công bằng thì các quyền này của họ phải được đảm bảo, trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết phục vụ cho việc điều tra. Nguyên tắc pháp trị nêu “Công dân không bị bắt giữ tùy tiện, nhà cửa không bị khám xét mà không có lý
đã được đặt lên hàng đầu trong một số vụ do Tòa án nhân quyền châu Âu xét xử. Tòa án nhân quyền Châu Âu đã thống nhất rằng việc nghe trộm điện thoại cũng được xem là “một sư can thiệp của nhà chức trách” tới quyền được tôn trọng thư từ và đời sống riêng của đương sự được quy định trong Điều 8 của công ước Châu Âu.
Quyền được đối xử nhân đạo và không bị tra tấn: Quyền này được ghi nhận tại điều 7 ICCPR “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”. Tuy nhiên khi một người bị nghi phạm tội, đặc biệt là trong những trường hợp bị tạm giam, tạm giữ, họ dễ bị tra tấn, bị dùng nhục hình để ép cung. Do đó, quyền này được tái khẳng định với những người bị mất tự do, bằng quyền được đối xử nhân đạo và được tôn trọng nhân phẩm (điều 10(1) ICCPR; điều 5(2) của công ước Châu Mỹ). Căn cứ vào sự phổ biến các biện pháp tra tấn ở khắp nơi trên thế giới, các công ước đã đẩy mạnh việc xóa bỏ tập tục phi pháp này một cách hiệu quả và được mở rộng dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc và hai tổ chức khu vực là tổ chức các nước châu Mỹ và Hội đồng Châu Âu. Quyền này còn được khẳng định tại Điều 55 quy chế Tòa án hình sự Quốc tế. Điều 55(1)(b) quy định một người đang trong quá trình điều tra không bị ép buộc, cưỡng bức, hay đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc bị tra tấn hoặc bất kỳ sự trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”. Do vậy, trong quá trình điều tra hình sự và truy tố, những quy định nghiêm cấm và bất khả xâm phạm mang tính quốc tế về tra tấn và mọi hình thức đối xử, trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm phải được tôn trọng tại mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh. ..