Thẩm quyền của Tòa án trong giai đoạn thanh lý tài sản, các khoản nợ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp (Trang 77 - 85)

LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH – THỰC TIỄN ÁP DỤNG 2.1 Những quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền của

2.1.4. Thẩm quyền của Tòa án trong giai đoạn thanh lý tài sản, các khoản nợ

khoản nợ

LPS 2004 quy định việc thanh lý tài sản, các khoản nợ của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản là một thủ tục độc lập, được thực hiện trước khi

tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Thủ tục tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản chỉ được thực hiện sau khi kết thúc thủ tục thanh lý tài sản, trừ trường hợp Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại Điều 87 LPS 2004.

2.1.4.1. Các trường hợp Tòa án có thẩm quyền ra quyết định mở thủ tục thanh lý

Trường hợp thứ nhất, Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý trong trường hợp đặc biệt

Theo quy định tại Điều 78 LPS 2004 thì trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động bị thua lỗ đã được nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi kinh doanh nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp mà không cần phải triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét việc áp dụng thủ tục phục hồi.

Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, Nhà nước sẽ xem xét khả năng phục hồi của doanh nghiệp để quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi doanh nghiệp này hay không và chính vì lý do đã được áp dụng biện pháp đặc biệt rồi mà vẫn không đạt được hiệu quả nên Tòa án mở thủ tục thanh lý tài sản ngay. Đây là quy định mới của LPS 2004 so với LPSDN 1993, sở dĩ coi đây là một trường hợp đặc biệt như tên gọi của điều luật là bởi đối tượng áp dụng quy định này chỉ gồm các doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp đặc biệt để phục hồi hoạt động kinh doanh trong trường hợp này không được coi là thủ tục phục hồi theo LPS 2004. Đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc danh mục doanh nghiệp đặc biệt, việc thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 12, 13, 14 Nghị định 67/2006/NĐ-CP.

Trường hợp thứ hai, quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản khi Hội nghị chủ nợ không thành

Theo quy định tại Điều 7 LPS 2004 Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản khi Hội nghị chủ nợ không thành trong các trường hợp:

+ Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng hoặc sau khi Hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc trường hợp quy định tại Điều 13, 14 LPS 2004.

+ Không đủ số chủ nợ quy định tại khoản 1 Điều 65 LPS 2004 tham gia Hội nghị chủ nợ sau khi Hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc trường hợp quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18 LPS 2004.

Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng hoặc sau khi Hội nghị chủ nợ bị hoãn một lần vẫn không tham gia, nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần và đại diện người lao động thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó sẽ bị áp dụng thủ tục thanh lý tài sản. Tuy nhiên, LPS 2004 lại không quy định như thế nào là “lý do chính đáng” nên khi áp dụng vào thực tiễn, Thẩm phán khó xác định - vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất trong cách áp dụng. Trường hợp, Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản khi không đủ số chủ nợ không có bảo đảm tham gia Hội nghị chủ nợ sau khi Hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, cổ đông công ty cổ phần, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, việc không tham gia Hội nghị chủ nợ trong trường hợp này đồng

nghĩa với việc họ không chấp thuận bất cứ sự thỏa thuận nào và cũng không đồng ý việc phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trường hợp thứ ba, Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản sau

khi có nghị quyết của Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất

Theo quy định tại Điều 80 LPS 2004 thì sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết đồng ý với dự kiến các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, nếu có một trong các trường hợp sau thì Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời hạn 30 ngày (có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 30 ngày).

Trong trường hợp này, doanh nghiệp, hợp tác xã đã được tạo một cơ hội để phục hồi hoạt động kinh doanh của mình song họ không làm được, sự thất bại này chính là do tình hình tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã đã trở nên quá khó khăn hoặc bản thân doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, vì vậy quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản trong trường hợp này là đúng đắn. Tuy nhiên, khi xem xét quy định này với quy định tại khoản 2 Điều 68 LPS 2004 thì Thẩm phán cần chú ý vì giữa hai quy định này có sự mâu thuẫn. Theo khoản 2 Điều 68 LPS 2004 thì trong thời hạn luật định, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như bất kỳ chủ nợ hoặc người nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã đều có quyền xây dựng dự thảo phương án phục hồi cho doanh nghiệp đó và nộp cho Tòa án. Do vậy, mặc dù doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn luật định

nhưng Tòa án cũng không thể ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản nếu trong thời hạn đó mà có chủ nợ hay người nào đó nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nộp cho Tòa án.

+ Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã

Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã có thể là do các chủ nợ thấy phương án đó không hiệu quả, nếu áp dụng làm tăng nguy cơ thiệt hại cho các chủ nợ và doanh nghiệp. Trong trường hợp này, Tòa án phải có nghĩa vụ tôn trọng ý chí của các chủ nợ và phải ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản để thanh toán cho các chủ nợ.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện không đúng hoặc không thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp các bên liên quan có thỏa thuận khác, quy định này rất cần thiết để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp đồng thời bảo vệ lợi ích của chủ nợ. Khi gặp trường hợp này thì Tòa án phải chuyển thủ tục phá sản từ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2.1.4.2. Giải quyết khiếu nại, kháng nghị

Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, các chủ nợ có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị, quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, những người mắc nợ doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền khiếu nại phần quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của mình.

Theo quy định của LPS 2004 thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kháng nghị, Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi hồ sơ về phá sản kèm theo đơn khiếu nại, quyết định kháng nghị cho Tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết khiếu nại, kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ về phá sản, Tổ Thẩm phán được phân công giải quyết việc khiếu nại, kháng nghị quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản thì Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau:

+ Không chấp nhận khiếu nại, kháng nghị và giữ nguyên quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Tòa án cấp dưới;

+ Sửa quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Tòa án cấp dưới; + Hủy quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Tòa án cấp dưới và giao hồ sơ về phá sản cho Tòa án cấp dưới tiếp tục phục hồi theo quy định của LPS.

2.1.4.3. Xác định nghĩa vụ tài sản

Việc xác định nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản về thực chất là xác định những tài sản thuộc quyền đòi nợ của các chủ nợ trong việc phân chia khối tài sản phá sản, đây là một công việc quan trọng bởi việc xác định nghĩa vụ này một cách chính xác sẽ góp phần quan trọng vào xác định tài sản phá sản, hỗ trợ cho việc bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ cũng như con nợ.

Xác định tài sản còn lại của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có ý nghĩa quan trọng bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ mà còn ảnh hưởng đến cả quyền lợi của con nợ, nếu Tòa án xác định doanh nghiệp không còn hoặc còn rất ít tài sản thì có thể ra quyết định tuyên bố phá sản ngay, ngoài ra việc xác định tài sản còn lại của doanh nghiệp bị

mở thủ tục phá sản còn có ý nghĩa khi xem xét áp dụng các biện pháp bảo toàn tài sản trong trường hợp cần thiết.

Theo quy định của LPS 2004 thì: Thẩm phán có thẩm quyền ra quyết định thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi Thẩm phán ra quyết định thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú ý các khoản nợ được thực hiện theo trật tự sau:

Thứ nhất, các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm

cố trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ được ưu tiên thanh toán bằng tài sản đó. Trong trường hợp, tài sản cầm cố, thế chấp không đủ để thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, nếu giá trị tài sản thế chấp hoặc cầm cố lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều 35 LPS 2004). Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 27 LPS 2004 thì trong trường hợp được Tòa án cho phép, việc thanh toán nợ cho các chủ nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm vẫn được phép tiến hành trước khi có quyết định mở thủ tục thanh lý.

Thứ hai, các khoản nợ chưa đến hạn vào thời điểm mở thủ tục thanh lý

được xử lý như các khoản nợ đến hạn nhưng không được tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn (Điều 34 LPS 2004).

Ngoài ra, đối với giá trị tài sản đã áp dụng các biện pháp đặc biệt của Nhà nước theo Điều 36 LPS 2004, nếu doanh nghiệp phục hồi được thì phải hoàn trả cho Nhà nước giá trị tài sản đã được áp dụng biện pháp đặc biệt trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.

Sau khi thanh toán các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm thì việc phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã được thực hiện theo trật tự sau:

+ Phí phá sản;

+ Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động khác;

+ Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.

Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh toán đủ các khoản nợ mà vẫn còn thì phần còn lại thuộc về:

+ Xã viên hợp tác xã;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân;

+ Các thành viên công ty, các cổ đông công ty cổ phần; + Chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, “Trong quá trình thi hành quyết định mở thủ tục thanh lý tài

sản, theo đề nghị của Tổ quản lý, thanh lý tài sản, Thẩm phán có thể ra quyết định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện một số hoạt động cần thiết cho việc thanh lý tài sản hoặc làm tăng thêm khối tài sản của doanh nghiệp,

hợp tác xã đó” (Điều 82 LPS 2004).

2.1.4.4. Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý

Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản trong trường hợp sau:

“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thực hiện phương án phục hồi;

2. Phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong” (Điều 85 LPS 2004).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp (Trang 77 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)