1.3. Kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý nợ xấu
1.3.1. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Malaysia
Malaysia chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trước tình hình này, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp nhằm kiềm chế sự suy giảm nhanh chóng của nền kinh tế, giảm nợ xấu và góp phần ổn định hệ thống tài chính, bao gồm: Cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ; thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia - mua nợ xấu từ ngân hàng theo giá thị trường để khuyến khích ngân hàng tăng cho vay đối với doanh nghiệp; Công ty tái cấp vốn ngân hàng - bơm vốn vào hệ thống ngân hàng và đẩy mạnh tái cấu trúc 39 tổ chức; và thành lập Ủy ban tái cấu trúc nợ doanh nghiệp – làm trung gian giữa tổ chức tài chính và bên vay gặp khó khăn [21].
Cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ: Chính phủ Malaysia thực hiện
chương trình bảo lãnh toàn bộ đối với tiền gửi ngân hàng vào tháng 1/1998 để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt có thể xảy ra. Tổng công ty BHTG Malaysia (MDIC) được thành lập vào ngày 1/9/2005 trên cơ sở Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2005, đóng vai trò quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia. MDIC có vai trò giám sát và hỗ trợ NHTW trong việc bình ổn hệ thống tài chính, thúc đẩy đánh giá và giám sát, quản lý rủi ro, can thiệp và xử
lý đổ vỡ ngân hàng, đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích của người gửi tiền. Sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, MDIC có những chính sách kịp thời nhằm trấn an và giữ vững niềm tin của người dân đối với các định chế tài chính bằng việc áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi toàn bộ lần thứ 2 từ năm 2008 - 12/2010. Đây là một quyết sách góp phần vào việc bình ổn thị trường tài chính và ngăn ngừa khủng hoảng hệ thống xảy ra.
Công ty quản lý tài sản quốc gia (Danaharta): Mô hình Danahara là
mô hình kết hợp giữa mua đứt nợ xấu, xử lý nhanh và mua lại nợ xấu, để chúng tự hồi phục theo điều kiện kinh tế. Danaharta là tổ chức thuộc Chính phủ được thành lập tháng 6/1998 theo Đạo luật 587 với chức năng xử lý nợ xấu và tối đa hóa giá trị thu hồi tài sản. Tháng 8/1998, Luật Danaharta ra đời trao cho Danaharta những đặc quyền như mua lại tài sản của các tổ chức tài chính; bổ nhiệm lãnh đạo của các tổ chức nợ; và tịch biên tài sản thế chấp. Danaharta đóng vai trò tiếp nhận nợ xấu có giá trị trên 5 triệu Ringgit ảnh hưởng đến an toàn vốn ngân hàng theo giá thị trường thông qua phát hành trái phiếu không phải trả lãi trong 5 năm do Chính phủ bảo lãnh. Trái phiếu có thể hoàn lại và trả tiền mặt cho các tổ chức tài chính có liên quan. Nguồn quỹ cần thiết để mua lại nợ xấu là 15 tỷ Ringgit, trong đó, 10 tỷ Ringgit từ phát hành trái phiếu phi lãi suất; 1,5 tỷ do Chính phủ hỗ trợ, và phần còn lại vay thị trường trong nước. Danaharta chấm dứt hoạt động năm 2005 [16].
Công ty tái cấp vốn ngân hàng (Danamodal): Tháng 8/1998, Danamodal
do NHTW Malaysia sở hữu được thành lập để tái cấp vốn thông qua việc cung cấp tài chính tạm thời cho các ngân hàng gặp khó khăn nhằm đảm bảo an toàn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp nhất các tổ chức tài chính được sáp nhập. Danamodal hoạt động dựa trên nguyên tắc thương mại và định hướng thị trường để giảm thiểu rủi ro đạo đức, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và khôi phục lại niềm tin công chúng. Các tổ chức tài chính yếu kém được tái
cấu trúc và khuyến khích sáp nhập nhằm tạo thành một nhóm các ngân hàng nòng cốt vững mạnh. Các tổ chức tài chính phải nộp kế hoạch tái thiết để Danamodal xác định tổ chức tài chính yếu nào yếu kém cần tái cấp vốn hay sáp nhập hoặc tái cấu trúc. Danamodal đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng (tình hình tài chính, hoạt động trong tương lai và vị thế cạnh tranh). Tổ chức tài chính được Danamodal cấp vốn đều có một đại diện trong hội đồng quản trị tạm thời là người của Danamodal và đại diện này sẽ rút lui khi tổ chức tài chính đó hoạt động ổn định.
Ủy ban tái cấu trúc nợ doanh nghiệp (CDRC): CDRC được thành lập
tháng 7/1998 như một biện pháp đặc biệt của Chính phủ, đóng vai trò trung gian giữa bên đi vay gặp khó khăn và tổ chức tín dụng nhằm giải quyết nợ xấu hiệu quả không qua các thủ tục pháp lý. Các công ty gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ có thể tìm trợ giúp từ CDRC. CDRC làm trung gian giữa các công ty và chủ nợ để đạt được thỏa thuận tái cấu trúc nợ.