Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hệ thống pháp luật nói chung và quy định pháp luật về tư cách pháp nhân nói chung trở nên thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo. Chưa phát huy được vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến một đối tượng điều chỉnh là pháp nhân. Có thể kể ra những nguyên nhân chính là:
2.6.1 Mô hình pháp nhân tuy đã được du nhập vào Việt Nam từ lâu, nhưng mới được quan tâm, và chú ý đến
Sự ra đời của Luật công ty 1990 đã đánh dấu sự ra đời của chế định về pháp nhân trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, sự ra đời muộn và chậm phát triển mặc dù hoạt động thương mại đã hình thành từ lâu trong lịch sử. Những năm đầu đổi mới, pháp luật Việt Nam đã có những quy định khác nhau về pháp nhân căn cứ vào loại hình sở hữu là Nhà nước, tư nhân
hoặc người nước ngoài. Đến luật doanh nghiệp 2005, các chủ thể là pháp nhân thuộc tất cả các thành phần kinh tế được thống nhất quy định, tạo nên sự bình đẳng về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ pháp luật.
Cải cách hệ thống pháp luật phù hợp, đáp ứng với sự phát triển kinh tế xã hội là một đòi hỏi khách quan đối với hoạt động quản lý nhà nước. Những năm qua, những đề án cải cách pháp luật được thông qua, và thực hiện trong tất cả các ngành, lĩnh vực đã thu được nhiều kết quả đáng kể. Những văn bản quy phạm pháp luật ban hành đã gần hơn với cuộc sống.
2.6.2 Thiếu một lý thuyết lập pháp về mô hình của pháp nhân
Các học thuyết về pháp nhân là tiền đề cho tự do ý chí, tự do lập hội, trong mỗi mô hình khác nhau, pháp nhân đều là những chủ thể quyền và nghĩa vụ do pháp luật đặt ra để tham gia các quan hệ pháp luật. Mỗi pháp nhân hình thành, hoặc chấm dứt đều trên cơ sở ý chí cửa những người sáng lập, mà pháp luật chỉ nên là công cụ để bảo vệ họ, thúc đẩy hoạt động của pháp nhân trên cơ sở mục đích do những người sáng lập đã thỏa thuận trong hợp đồng thành lập pháp nhân.
Hiện nay, quy định về pháp nhân cho thấy, các nhà lập pháp chưa làm rõ được những triết lý, học thuyết ẩn sau những mô hình có tư cách pháp nhân, từ đó xây dựng tiêu chí, điều kiện của pháp nhân một các đồng bộ và phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Nhà lập pháp chưa xác định đúng bản chất pháp lý của pháp nhân; chưa làm rõ được việc nhận trách nhiệm pháp lý liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau; chưa làm rõ giới hạn trách nhiệm của thành viên của pháp nhân khi đã đăng ký mua cổ phần, cam kết góp vốn....
Trong quan hệ xã hội các thể nhân không quan hệ một cách biệt lập, mà gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau và sự phát triển của loài người là kết quả của liên
kết của con người, sự liên kết đó tạo ra các tổ chức, những nhóm thể nhân, đòi hỏi phải có địa vị pháp lý như thể nhân. Vì vậy, phải quan niệm pháp nhân là chủ thể thực tế, và các quy định pháp luật chỉ công nhận và điều chỉnh hoạt động của pháp nhân mà thôi.
2.6.3 Chưa xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về pháp nhân
- Pháp luật hình sự
Ở nước ta, pháp luật hình sự không coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm, trong giới khoa học luật, các nhà luật học cũng đang dần đặt ra vấn đề này, tuy nhiên, khi sửa đổi bộ luật dân sự năm 1999, pháp nhân vẫn chưa được coi là chủ thể quan hệ hình sự. Trên thế giới đã có nhiều nước quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm, bao gồm các công ty và hiệp hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi không thực hiện những nghĩa vụ, nhiệm vụ mà luật quy định pháp nhân phải thực hiện, ban lãnh đạo hoặc đại diện của pháp nhân do thiết thận trọng, thiếu trách nhiệm trong hành vi của mình dẫn đến phạm tội.
Cơ sở giải thích truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được giải thích rằng, khi mà những vụ phạm tội với những thủ đoạn lợi dụng doanh nghiệp pháp nhân không còn là cá biệt và đã trở lên phổ biến; mặc dù không phải là con người cụ thể, nhưng có thể coi pháp nhân là một con người pháp lý. Cũng có năng lực tương tự với thể nhân; bản thân pháp nhân cũng có khả năng chịu một số hình phạt nhất định của Nhà nước như phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ lĩnh vực hoạt động nào đó…Trong điều kiện hiện nay, các hoạt động mang tính kinh tế do các cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện. Các vi phạm và tội phạm kinh tế hoặc là do cá nhân, hoặc do pháp nhân thực hiện, vì vậy, nếu pháp nhân không được coi là chủ thể của tội phạm tức là mọi hành vi, việc làm của pháp nhân cho dù có nguy hiểm như thế nào cho
xã hội đến đâu cũng không được coi là tôi phạm và không bị xử lý bằng các biện pháp nghiêm khắc nhất là hình phạt thì nhà nước sẽ không kiểm soát được các hành vi vi phạm của pháp nhân [63, tr.49-56].
Hiện nay, trong quan hệ quốc tế, đã có nhiều văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến việc đấu tranh các hoạt động phi pháp xuyên quốc gia do pháp nhân tổ chức như tội phạm về môi trường, tội rửa tiền, các tội xuyên quốc gia khác. Các văn bản đó, đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và các quốc gia đang dần luật hóa các văn bản mang tính quốc tế này.
Ví dụ: Thời gian vừa qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường bức tử sông Thị Vải của công ty Vedan. Có thể tóm tắt quá trình gây ô nhiễm môi trường và việc xử lý Vedan như sau: Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động năm 1993 đến nay, Công ty Vedan liên tiếp có nhiều sai phạm gây ô nhiễm môi trường: Năm 1994, công ty thải hóa chất ô nhiễm làm thủy sản chết hàng loạt trên sông Thị Vải; năm 2005, Vedan mới đồng ý đền bù với danh nghĩa hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản với số tiền 15 tỷ đồng; năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai qua kiểm tra đã phát hiện Vedan có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 5.600 lần… hậu quả dẫn đến khu vực sông Thị Vải bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, kéo dài do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất lơ lửng, mùi hôi và vi khuẩn.
Vedan sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng và mức phạt tiền tối đa của các khung hình phạt: Tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đình chỉ hoạt động để khắc phục ô nhiễm môi trường; Vedan có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với hành vi gây ô nhiễm của công ty. Có thể thấy rằng, công ty Vedan xả thải theo quy trình xả thải không đạt chuẩn, thực hiện không đúng những nội dung
trong đánh giá tác động môi trường và xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép mặc dù đã được cấp giấy phép xả thải. Đây là hành vi thực hiện nhân danh pháp nhân, và vì lợi ích của công ty Vedan. Có thể áp dụng pháp luật hình sự với các biện pháp sau: Hình phạt tiền; hình phạt tịch thu tài sản; giải thể pháp nhân…
Không thể nói rằng pháp nhân không có năng lực ý chí và lý trí khi chuẩn bị thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Khi một tập thể lãnh đạo, quản lý pháp nhân vì lợi ích cục bộ riêng pháp nhân đó, mà có hành vi trái pháp luật hình sự, pháp nhân đã thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, đáng xử lý bằng hình phạt. Pháp nhân phải bị xử lý bằng các biện pháp chế tài tổ chức, tài chính, hành chính, bởi nó đủ năng lực chịu những tác động đó. Vì vậy, đã đến lúc cùng với việc xử lý vấn đề trách nhiệm hình sự đối với tổ chức tội phạm, có thể và cần thiết giải quyết cả vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội có tư cách pháp nhân trên cơ sở thừa nhận họ như một chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự [48].
- Pháp luật về tôn giáo
Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua, Pháp lệnh được ban hành thực sự là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hiện nay; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, đồng thời là một trong những công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý có hiệu lực cao hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.
Điều 3 của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo quy định “Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận”.
Vấn đề đặt ra là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận các tổ chức tôn giáo cả trước và sau khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có đồng thời thừa nhận về pháp nhân của các tổ chức tôn giáo ấy theo quy định pháp luật dân sự và các tổ chức tôn giáo được công nhận thuộc loại pháp nhân nào?. Rõ ràng, vấn đề pháp nhân tôn giáo liên quan mật thiết đến việc quản lý hành chính và tài sản tôn giáo cũng như các quyền lợi khác về kinh tế, xã hội và văn hóa…của các tôn giáo.
Quy định pháp luật có liên quan đến công nhận tổ chức tôn giáo và vấn đề pháp nhân, có thể nói khi công nhận các tổ chức tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa làm rõ tổ chức tôn giáo có phải là một pháp nhân, và là loại pháp nhân nào theo quy định của pháp luật về dân sự. Từ đó, phát sinh những quan điểm không thống nhất về pháp nhân của tổ chức tôn giáo, có quan điểm cho rằng việc công nhận tổ chức tôn giáo đồng thời với việc mặc nhiên coi đó là một pháp nhân ; quan điểm khác cho rằng việc công nhận tổ chức tôn giáo chỉ nhằm bảo đảm cho các tổ chức này được hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, chứ không đồng thời với việc thừa nhận pháp nhân theo quy định pháp luật về dân sự của tổ chức tôn giáo được công nhận theo pháp luật về tôn giáo [43].
2.6.4 Chưa quan niệm đúng đắn về thành lập pháp nhân
Khi xây dựng pháp luật về pháp nhân, các nhà làm luật Việt Nam có lẽ đã nghiêng về quan điểm cho phép thành lập pháp nhân. Điều này được minh chứng bằng việc cấp giấy phép thành lập, giấy phép đầu tư mà quên rằng, có
những pháp nhân được hình thành trước thời điểm những quy định pháp luật ra đời, đó là những pháp nhân thực tế. Quan niệm cho phép pháp nhân thể hiện trong phạm vi hoạt động của mình, hay pháp luật giới hạn năng lực hành vi của pháp nhân trong các hoạt động nhằm đạt được mục đích cụ thể của pháp nhân.
Theo pháp luật dân sự Nhật Bản, pháp nhân phải đăng ký việc thành lập ở nơi đặt trụ sở chính trong thời hạn 2 năm và ở các nơi đặt trụ sở khác là 3 năm kể từ ngày thành lập. Việc thành lập pháp nhân không thể được sử dụng để chống lại người khác nếu như chưa đăng ký ở nơi đăt trụ sở chính.
Quy định trên cho thấy rằng, không phải việc cho phép thành lập một tổ chức có pháp nhân của cơ quan nhà nước là thời điểm pháp nhân đó tham gia vào các quan hệ dân sự mà pháp nhân được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của những người sáng lập. Việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát sinh khi pháp nhân muốn bảo vệ các quyền và lợi ích của pháp nhân khi tham gia các quan hệ dân sự, chỉ có đăng ký, pháp nhân mới được “chống lại người khác” và thời hạn đăng ký là 2 năm tại nơi trụ sở chính. Các nhà làm luật Nhật Bản đã có tư tưởng về tính thực tế của pháp nhân, pháp luật chỉ điều chỉnh trong quá trình hoạt động của pháp nhân.
Các nhà lập pháp Việt Nam cũng chưa thay đổi tư duy trong quan niệm về công ty là một quan hệ hợp đồng giữa những người sáng lập ra nó. Những người sáng lập ra pháp nhân công ty sẽ phải chịu sự rằng buộc đối với quyền và nghĩa vụ của họ trong cam kết, thỏa thuận thành lập, từ đó nhận ra rằng, pháp luật về nghĩa vụ là nền tảng pháp lý cho việc ra đời và tồn tại của pháp nhân. Chỉ xuất phát từ quan điểm đó, chúng ta mới xây dựng được một hệ thống pháp luật về pháp nhân một cách hoàn chỉnh, đầy đủ nhất.
2.6.5 Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, chưa thống nhất, đồng bộ với nhau.
Hệ thống pháp luật ở Việt Nam là được cấu thành bởi các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều hình thức khác nhau do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau ban hành. Sau Hiến pháp, các đạo luật do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao nhất, tuy nhiên, các đạo luật này không trực tiếp đi vào cuộc sống mà phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn thi hành của chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, các ngành và địa phương. Dẫn đến tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư lại chờ công văn hướng dẫn, đến khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn, thì chậm chễ, không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, ngoài các tổ chức được công nhận là pháp nhân, thì còn có các tổ chức cũng là sự kết hợp của nhiều người, ý chí thực hiện theo đại đa số, và thông qua người đại diện , có tài sản riêng. Vì thế về bản chất không khác gì những tổ chức được coi là pháp nhân. Trong pháp luật Việt Nam đó là Doanh nghiệp tư nhân, Tổ hợp tác và Hộ kinh doanh. Vì thế, địa vị pháp lý của các tổ chức không phải là pháp nhân phải được bình đẳng so với tổ chức có tư cách pháp nhân, hay nói cách khác việc công nhận hay không công nhận một tổ chức là một pháp nhân không tạo nên sự khác biệt trong thực tế. Khi tham gia các quan hệ xã hội, các chủ thể như thể nhân, pháp nhân, các tổ chức khác không phải là pháp nhân có những quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Thực tế kinh doanh ở Việt Nam vẫn tuân thủ những lối mòn bí ẩn, bị dẫn lối bởi những quy tắc ngoài luật. Thị trường về bất động sản về cơ bản vẫn hoạt động ngầm, vượt ra ngoài sự kiểm soát của pháp luật hiện hành. Pháp luật hợp đồng, đấu thầu giải quyết tranh chấp chưa thể trở thành chỗ dựa và niềm tin cho người kinh doanh đúng đắn [57].
Tính nhất quán của pháp luật thể hiện ở chỗ các văn bản pháp luật trong cùng một lĩnh vực, có khi trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều phải bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể. Tính nhất quán của pháp luật hàm chứa khía cạnh nội dung và chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật còn mang tính hệ thống được thể hiện nhiều qua cấu trúc, cách