Áp dụng quy phạm thực chất thống nhất

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (Trang 80 - 83)

Để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Tư pháp quốc tế ngoài việc sử dụng các quy phạm xung đột như những quy phạm mang tính chủ đạo thì nó còn sử dụng các quy phạm thực chất thống như một biện pháp phụ trợ mang lại hiệu quả cao. Thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế bằng cách áp dụng bởi các quy phạm thực chất thống nhất làm cho các

quan hệ Tư pháp quốc tế được điều chỉnh nhanh chóng, dứt điểm, các vấn đề cần quan tâm được xác định ngay, các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp sẽ tiết kiệm được thời gian, tránh được việc phải tìm hiểu pháp luật nước ngoài là vấn đề rất phức tạp. Tuy nhiên, các quy phạm thực chất thống nhất có số lượng không nhiều nên chưa đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh của các quan hệ Tư pháp quốc tế diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Bởi vậy, khi không có quy phạm thực chất thống nhất để điều chỉnh thì phải sử dụng quy phạm xung đột để xác định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế.

Điểm khác biệt giữa quy phạm thực chất với quy phạm xung đột ở chỗ nếu như quy phạm xung đột chỉ nhằm chỉ ra luật pháp quốc gia nào sẽ được áp dụng và cơ quan tư pháp của quốc gia nào sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc thì quy phạm thực chất đã giải quyết vấn đề một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn khi trực tiếp quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, trực tiếp điều chỉnh về mặt pháp lý đối với các bên. Mặc dù có sự khác biệt căn bản như trên nhưng hai loại quy phạm này luôn phối hợp và tác động bổ sung, hỗ trợ nhau trong quá trình giải quyết các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Quy phạm thực chất bao gồm hai loại: Quy phạm thực chất thống nhất và quy phạm thực chất trong nước. Quy phạm thực chất thống nhất là quy phạm thực chất dược xây dựng trong các điều ước quốc tế. Quy phạm thực chất trong nước là quy phạm thực chất được xây dựng trong các văn bản pháp quy của mỗi nhà nước. Mỗi một loại quy phạm lại có một vai trò riêng trong quá trình điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế nói chung và BTTHNHĐ nói riêng.

Các quy phạm thực chất thống nhất trong các Điều ước quốc tế về trách nhiệm BTTHNHĐ. Cùng với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các quốc gia với nhau thì số lượng các Điều ước quốc tế được xây dựng ngày càng nhiều. Điều này đã làm giảm bớt sự khác biệt về mặt pháp luật giữa các quốc gia, xây dựng một khung pháp lý thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Các điều ước này có thể bao hàm trong đó các quy phạm xung

đột hoặc các quy phạm thực chất. Trong số các công ước được trình bày chương 1 thì Công ước về Luật áp dụng đối với tai nạn giao thông năm 1971 và Công ước về Luật áp dụng đối với trách nhiệm sản phẩm năm 1973 chỉ bao gồm trong đó các quy phạm xung đột mà không bao gồm các quy phạm thực chất về BTTHNHĐ. Nội dung hai công ước mới chỉ tập trung vào việc chỉ ra hệ thuộc pháp luật cơ bản được áp dụng để giải quyết các yêu cầu bồi thường trong những trường hợp cụ thể và cá biệt mà không trực tiếp quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ.

Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do ô nhiễm dầu Bunker 2001. Được xây dựng trên cơ sở CLC 1969, Công ước bao gồm trong đó một số quy phạm thực chất. Điều 3 công ước quy định về trách nhiệm của chủ tàu. Theo đó “Trừ trường hợp theo quy định tại khoản 3 và 4, các chủ tàu tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại ô nhiễm gây ra bởi bất kỳ một két dầu trên tàu hoặc có nguồn gốc từ tàu, với điều kiện sự việc liên quan đến một loạt sự cố có cùng nguồn gốc, trách nhiệm phát sinh đối với chủ tàu tại thời điểm đầu tiên xảy ra sự việc”. Khoản 3 Điều 3 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm của chủ tàu đối với các thiệt hại do ô nhiễm nếu chủ tàu chứng minh được: “Các thiệt hại phát sinh từ hành động chiến tranh, chiến sự, nội chiến, bạo động hoặc một hiện tượng đặc biệt của tự nhiên không thể tránh được; thiệt hại xảy ra hoàn toàn do hành động hoặc công việc thiếu sót do lỗi cố ý gây thiệt hại của bên thứ ba; thiệt hại hoàn hoàn do lỗi vô ý hoặc hành động sai trái của chính quyền hoặc cơ quan có trách nhiệm chính. Điều 5 Công ước cũng đưa ra quy định điều chỉnh trong trường hợp sự cố liên quan đến hai hoặc nhiều tàu: “Khi một sự cố liên quan đến hai hay nhiều tàu xảy ra và kết quả gây thiệt hại ô nhiễm thì chủ của tất cả các tàu liên quan trừ trường hợp quy định tại Điều 3 sẽ liên đới chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó mà không chịu trách nhiệm độc lập”.

Như vậy, các quy phạm thực chất đã trực tiếp quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ mà không cần sự dẫn chiếu của các quy phạm

xung đột. Các quy phạm thực chất này đã trực tiếp điều chỉnh các mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết những quan hệ dân sự có liên quan đến nhiều quốc gia thì việc xây dựng các quy phạm xung đột sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc xây dựng các quy phạm thực chất giữa các quốc gia bởi rất khó có thể có quan điểm chung, thống nhất giữa các quốc gia trong việc trực tiếp quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên bởi quyền và lợi ích giữa các quốc gia không phải luôn đồng nhất với nhau.

Ngoài các điều ước quốc tế đa phương thì các điều ước quốc tế song phương được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia khác cũng có các quy phạm về BTTHNHĐ. Tuy nhiên, các quy phạm này đều chỉ bao gồm các quy phạm xung đột. Các quy phạm thực chất chưa được xây dựng để điều chỉnh các quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Các quy phạm thực chất trong nước về trách nhiệm BTTHNHĐ. Trách nhiệm BTTHNHĐ có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 773 Bộ luật Dân sự. Điều 773 gồm 3 điều khoản và cả 3 điều khoản này là ba quy phạm xung đột đưa ra các nguyên tắc áp dụng luật trong các trường hợp cụ thể. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 mới chỉ bao gồm các quy phạm xung đột để điều chỉnh về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài mà chưa xây dựng được các quy phạm thực chất trong nước. Điều đó có nghĩa Tư pháp quốc tế Việt Nam vẫn còn để ngỏ các quy phạm thực chất để điều chỉnh BTTHNHĐ có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng các quy phạm thực chất trong nước sẽ là điều các nhà làm luật Việt Nam phải tính đến trong tương lai không xa để nhằm loại bỏ sự khác biệt, sự mâu thuẫn trong pháp luật giữa các quốc gia với nhau cũng như hạn chế được tới mức thấp nhất sự dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba hay dẫn chiếu ngược trở lại mà các quy phạm xung đột về BTTHNHĐ có thể gặp phải và không thể giải quyết được triệt để.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)