3.2. Kiến nghị nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc tự định đoạt
3.2.1. Kiến nghị quy định bổ sung và hướng dẫn chi tiết về việc áp
dụng nguyên tắc tự định đoạt trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Hiện nay hệ thống văn bản qui phạm pháp luật để áp dụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại ở nước ta là tương đối nhiều, có thể kể tên
như Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Thương mại 2005, Luật Trọng tài thương mại 2010, v.v… Tuy nhiên, nếu như Luật Thương mại của chúng ta đang có dấu hiệu không còn phù hợp để điều chỉnh với tốc độ phát triển của nền kinh tế và các quan hệ kinh doanh thương mại, thì hai Bộ luật trong lĩnh vực dân sự vừa ra đời và có hiệu lực áp dụng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng, điều này khiến cho các chủ thể trong mối quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại gặp những khó khăn nhất định trong việc tìm cơ sở để áp dụng giải quyết tranh chấp, nguyên tắc tự định đoạt vì thế cũng không được thực hiện một cách tốt nhất. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản quy định bổ sung và hướng dẫn chi tiết về việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung và áp dụng nguyên tắc tự định đoạt trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói riêng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với quyền khởi kiện vụ án tranh chấp kinh doanh thương
mại lên toà án, pháp luật hiện hành quy định tại điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại toà án có thẩm quyền để bảo vệ lợi ích của mình, và điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010 toà án phải trả lại đơn khởi kiện khi có thoả thuận trọng tài.
Như vậy với hai quy định này pháp luật ghi nhận quyền tự do khởi kiện vụ án tranh chấp thương mại của các chủ thể, toà án chỉ được khước từ giải quyết khi có thoả thuận trọng tài, còn lại thì không được phép trả lại đơn, kể cả trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng để giải quyết. Một vấn đề đặt ra là nếu trong hợp đồng các bên có thoả thuận thương lượng, hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp, chỉ khi nào thương lượng và hoà giải không thành thì lúc đó mới đưa tranh chấp ra toà án để giải quyết. Vậy trong trường hợp một bên không thực hiện việc hoà giải, thương lượng mà đơn phương gửi đơn lên toà án thì toà án có bắt buộc phải thụ lý giải quyết không? bởi lẽ trong thực tế có nhiều trường hợp vì bí quyết kinh doanh hay danh
tiếng của doanh nghiệp mà không muốn vụ việc được đưa ra toà án, nơi mà họ sẽ gặp bất lợi khi các thông tin sẽ bị công khai, điều đó bị bên kia nắm lấy như một điểm yếu để gây sức ép bằng việc bỏ qua việc thương lượng, hoà giải mà đưa thẳng lên toà án để giải quyết. Điều này cần có sự quy định cụ thể của luật, bởi lẽ theo thói quen thương mại hiện nay, điều khoản thoả thuận phương thức giải quyết tranh chấp thường độc lập với nội dung chính của hợp đồng, pháp luật không bắt buộc các bên phải tôn trọng và thực hiện điều đó một cách ràng buộc trừ khi có dấu hiệu của toà án và trọng tài thương mại được nhắc đến. Do đó chúng ta cần bổ sung văn bản kịp thời để điều chỉnh vấn đề này, qua đó hướng dẫn cho các chủ thể thực hiện để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, cần xem xét sửa đổi điều 299 theo hướng không nên quy định
việc không chấp nhận cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện nếu không được sự đồng ý của nguyên đơn. Bởi nếu qui định như thế là vi phạm nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, do trong các tranh chấp dân sự, đương sự được quyền tự mình quyết định yêu cầu hay không yêu cầu Tòa án giải quyết, thì họ cũng có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của mình ở mọi giai đoạn tố tụng
Thứ ba, về quyền phản tố của bị đơn cần cần qui định nguyên đơn có
quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, bị đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của mình ở mọi giai đoạn tố tụng chứ không chỉ hạn chế trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như khoản 3 điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thứ tư, cần phải quy định một cách chi tiết hơn nữa về các căn cứ để
huỷ phán quyết trọng tài, thông qua những số liệu thực tiễn và báo cáo từ các cơ quan của Bộ Tư pháp, Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam qua đó đưa ra các định hướng khắc phục việc lạm dụng quyền của các toà án trong
việc huỷ phán quyết của trọng tài. Khắc phục được điều này sẽ làm cho các chủ thể kinh doanh thương mại ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp, bởi nó đảm bảo được nguyên tắc tự định đoạt như các giải pháp khác như thương lượng, hoà giải cũng như tính bắt buộc về mặt hiệu lực pháp lý của các phán quyết của trọng tài như toà án.