Chương 2 : THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC THI QUYỀN
2.2. Thực trạng thực thi quyền tự do hội họp
2.2.1. Những thành tựu đã đạt được
Trong báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam [54] đã liệt kê ra những thành tựu đạt được của việt Nam trong việc thực hiện quyền tự do hội họp nói riêng và các quyền con người nói chung:
Thứ nhất, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng đối với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trên tinh thần đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi nhận đầy đủ các quyền con người (Điều 2 và 50). Nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt qua các chương, mục của Hiến pháp và được cụ thể hoá tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng. (Đoạn 18, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam)
Thứ hai, Nhà nước Việt Nam nỗ lực xây dựng và kiện toàn các thiết
chế đảm bảo quyền con người trên thực tế. Hệ thống các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng bảo vệ pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân được củng cố. Nổi bật là vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước; việc bảo đảm tính độc lập của hệ thống tư pháp; hiệu quả của hệ thống cơ quan điều tra Nhà nước cũng như vai trò ngày càng tăng của các tổ chức chuyên môn như các đoàn luật sư, hội luật gia, cơ quan công chứng, văn phòng trợ giúp pháp luật... Vai trò và tiếng nói của các tổ chức, đoàn thể nhân dân như Hội Chữ thập Đỏ, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người Cao tuổi… trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội ngày càng được coi trọng.
(Đoạn 19, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam)
Thứ ba, Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo
vệ. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đã có sự đổi mới tích cực. Từ 2006 đến 2008, tỷ lệ giải quyết tố cáo khiếu nại của các cơ quan hành chính đạt 83,2%; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương 92,5%. Pháp luật cũng quy định việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai. (Đoạn 22, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam)
Thứ tư, Quyền lập hội của người dân được bảo vệ bằng các đạo luật
quan trọng và nhiều văn bản dưới luật liên quan, cụ thể là tại Điều 69 Hiến pháp 1992, và tại Nghị định số 88/ 2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Ở Việt Nam hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố (so với 115 vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn ngành, 6.020 tổ chức ở cấp địa phương, và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. (Đoạn 23, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam)
Thứ năm, Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác
nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Tính đến 2008, ở Việt Nam có 12 tôn giáo, trong đó một số tôn giáo có đông tín đồ như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Đặc biệt, Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử trong đó có
khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài (Mỹ, Pháp, Ý, Ấn Độ)... (Đoạn 24, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam)
2.2.2. Những vấn đề còn tồn tại
Trong thời gian qua, các quy định của pháp luật về Hội họp đã đi vào cuộc sống và đã đóng một vị trí vai quan trọng trong việc đảm bảo trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Hầu hết những cuộc hội họp đều được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Đó là việc đăng ký với cơ qua chức năng theo đúng thủ tục, không vi phạm các điều cấm như gây mất trật tự công cộng, an toàn giao thông vv… Tuy nhiên, có một số cuộc hội họp khác lại không được đăng ký và vi phạm một số điều cấm, đó là các cuộc tuần hành, biểu tình của người dân về một số vấn đề như biển đảo, môi trường, bồi thường đất đai…
Có một nhận xét đó là những sự kiện như nghệ thuật, thể thao, lễ hội thì việc đăng ký rất dễ dàng và thường diễn ra một cách êm đẹp hầu như không có bất kỳ vi phạm nào. Còn đối với các vấn đề như môi trường hay biển đảo …. Thì lại rất ít trường hợp được đăng ký, và sau đó thường xảy ra những vi phạm khác. Có phải chăng, cơ quan chức năng gây khó khăn khi người dân đăng ký những nội dung mang tính nhạy cảm trên ?
Ngoài ra, trong quá trình đi vào cuộc sống Nghị định 38 và thông tư 09/2005 có một điểm bất cập rất dễ nhận ra, đó là việc quy định tụ tấp quá 5 người ở nơi công cộng thì phải đăng ký. Chúng ta biết rằng, Ở Việt Nam từ thành phố đến nông thông bất cứ lúc nào chúng ta cũng thấy những cuộc tụ tập đông người. Ví dụ như những cuộc nhậu nhẹt ngoài công viên, vườn hoa, ven
hồ cho đến những đám đông thanh niên, sinh viên đứng trước cửa một điểm nào đó mà ngôi sao ca nhạc, điện ảnh ghé qua. Những sự việc đó diễn ra hằng ngày và tất nhiên họ không bao giờ đăng ký. Và tất nhiên, khi các cuộc hội họp này diễn ra thì cũng không hề có bất kỳ bóng dáng của các cơ quan chức năng. Có thể thấy sự vi phạm tràn lan đối với Nghị định 38. Có thể thông cảm với cơ quan chức năng, bởi họ không thể có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả những hành vi vi phạm này. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao một quy định không thể thực hiện và quản lý như thế lại vẫn tồn tại và mục đích của nó là gì?
Một điều có thể nhận ra là các cuộc biểu tình phản đối chính sách, quyết định nào đó của nhà nước thì cơ quan công an làm việc rất hiệu quả, còn các đối tượng ăn nhậu, các người hâm mộ ngôi sao hay các trò vui chơi đông người tụ tập thì các cơ quan chức năng hầu như bỏ qua. Trong khi, các cuộc ăn nhậu, và những cuộc tụ họp của người hâm mộ thường xảy ra với những tiếng hò hét và đông đảo không thua gì các cuộc biểu tình đôi khi còn có phần mất trật tự hơn. Vậy có chăng, những quy định về tụ tập đông người là nhằm để hạn chế các cuộc biểu tình của người dân?
Nhìn vào bản chất, về căn bản, các cuộc biểu tình đều xuất phát từ nhu cầu chính đáng, mong muốn cơ quan nhà nước giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo, hợp lý nhu cầu thiết yếu của người dân (như khiếu nại về đất đai, môi trường) hoặc từ ý thức về chủ quyền quốc gia. Vì vậy, nhà nước và các cơ quan chức năng cần xem xét lại, để không bị những thế lực phản động lợi dụng xuyên tạc chính sách và nhà nước về việc không đảm bảo quyền biểu tình của người dân.
Trên diễn đàn Quốc hội, nhu cầu về việc xây dựng Luật Biểu tình đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Sau sự kiện 13/5/2014, khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại một số tỉnh phía Nam chuyền thành bạo động, phá hoại tài sản, các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng Luật
biểu tình. Khi thảo luận về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, tiếp tục có hai khuynh hướng nhìn nhận về Luật Biểu tình. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần có Luật biểu tình để tránh tình trạng như vừa xảy ra, ban hành luật sớm sẽ quản lý được trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu việc kẻ xấu lợi dụng, tạo điều kiện người dân thể hiện được quan điểm. Cạnh đó, một số đại biểu lo ngại rằng nếu có Luật biểu tình thì tình trạng biểu tình sẽ diễn ra phổ biến hơn, các cơ quan nhà nước có thể gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm quản lý biểu tình. Cần nhìn nhận biểu tình, khiếu nại đông người là những thực tế tất yếu, khách quan của phát triển xã hội. Nhà nước cần sớm ban hành Luật này để điều chỉnh, bảo vệ quyền biểu tình. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia, nhà nước cũng có thể ban hành một đạo luật điều chỉnh chung các hoạt động hội họp hòa bình, thay vì ban hành một đạo luật riêng chỉ điều chỉnh biểu tình. Đạo luật về hội họp này nên bao gồm các nội dung như: nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm tự do hội họp, thủ tục thông báo về việc tổ chức, trách nhiệm của người tổ chức, các giới hạn về thời gian, địa điểm, thủ tục khiếu nại…[32].
Cơ chế bảo vệ
Hiện nay, để bảo vệ quyền tự do hội họp có hai cơ chế chính đó là các cơ chế hành chính thông qua hai hình thức đó là khiếu nại và tố cáo. Ngoài ra, cũng có thể xử lý theo thủ tục hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm Điều 129. Bộ luật hình sự 1999 về Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Tuy nhiên, chưa thấy một vụ việc nào liên quan đến việc xâm phạm quyền tự do hội họp được tòa án các cấp thụ lý. Mặt khác, những người tham gia các cuộc hội họp, biểu tình thì lại có nguy cơ bị truy tố vì các tội như Gây rối trật tự công cộng, Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; Tội phá rối an ninh.
Những trường hợp, người đi biểu tình bị khởi tố vì tội gây rối trật tự công cộng là không hiếm. Để ví dụ, có thể đưa ra vài vụ việc cụ thể như: Trong cuộc biểu tình ở Hà Nội phản đối chặt hạ cây xanh hay còn được gọi là buổi "Tuần hành vì cây xanh" vào khoảng tháng 4 năm 2015, Nguyễn Viết Dũng (SN 1986, quê Nghệ An) bị khởi tố vì tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 245, khoản 2, điểm d, bộ luật Hình sự [51]. Mới đây nhất là trong cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại ngày 3/4/2017 sau thảm họa cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh Miền trung do Formosa gây ra, Nguyễn Văn Hóa SN 1995, trú tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị khởi tố về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự [45]…
Những so sánh và dẫn chứng trên cho thấy, nhà nước ta hay các cơ quan chức năng có sự quan tâm đối với trật tự công cộng hơn là việc bảo vệ các quyền cá nhân mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể và rõ, nhưng việc áp dụng vẫn là một vấn đề. Đối chiếu với bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập về mọi mặt với quốc tế, cùng với đó phải đối mặt nhiều hơn với các tội phạm xuyên quốc gia, hay sự xâm nhập của các tổ chức khủng bố nguy hiểm thì sự đảm bảo trật tự công cộng là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, đất nước đang trong giai đoạn hòa bình và trong những nỗ lực phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng với thế giới. Vì vậy, Nhà nước cũng cần hài hòa giữa lợi ích công cộng và các quyền lợi cá nhân.
Tuy có rất nhiều cố gắng trong hoạt động lập pháp, nhưng các chính sách về Quyền về tự do hội họp ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, Các quy định về hội họp của người dân mang năng tính chất
hành chính. Quyền tự do hội họp, lập hội là những quyền dân sự của con người, mang tính chất tự do ý chí và tự do thỏa thuận của người dân. Chính sách hiện tại về hội và hội họp đang theo cơ chế xin cho, chưa có tính cách cởi mở.
Thứ hai, Cơ chế bảo về quyền tự do hội họp vẫn thiếu hụt, khi quyền
này bị vi phạm, các cá nhân, nhóm không tìm được cơ chế, cơ quan khiếu nại, khiếu kiện, hoặc có khiếu nại khiếu kiện nhưng việc giải quyết không thấu đáo [33, tr.52].
Thực tế trong thời gian qua, hầu như không có một vụ việc xâm phạm tới quyền tự do hội họp được đưa ra xem xét và xử phạt. Thực trạng này, là một thực trạng phát sinh từ thực trạng các cuộc hội họp, hay biểu tình không được đăng ký. Không đăng ký thì không hợp pháp, không hợp pháp thì không được bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.
Thứ ba, Việc hội họp, triển khai các hoạt động vẫn gặp nhiều khó khăn,
cản trở pháp lý. Hầu hết những cuộc biểu tình ở Việt Nam là trái pháp luật vì không được đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?
2.2.3. Nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại
Nguyên nhân đầu tiên: Các quy định của pháp luật không hợp lý, khiến cho thủ tục đăng ký rườm rà, khó khăn cho người dân. Như phân tích các quy định pháp luật ở trên chúng ta có thể thấy có một số vấn đề như Cơ quan đăng ký là UBND, bắt buộc đăng ký trên 5 người là có hợp lý,…
Theo Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam [54]: Hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực quyền con người nói riêng, còn chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn tới khó khăn, thậm chí hiểu sai, trong quá trình vận dụng và thực thi pháp luật ở cơ sở. Đây chính là vật cản lớn nhất đối với sự phát triển của xã hội cũng như trong việc thực thi các quyền con người. Nhận diện thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược Xây dựng và Hoàn thiện Hệ thống Pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trước mắt là rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm
pháp luật nhằm loại bỏ các văn bản luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, tính khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và dễ thực hiện của các văn bản quy phạm pháp luật này. Đối với Quyền tự do hội họp, như những phân tích ở trên có thể thấy rằng Các quy định còn dàn trải ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có những quy định điều chỉnh hoạt động biểu tình, một trong những hình thức