Hoàn thiện pháp luật về đảm bảo an toàn cho người lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những vấn đề pháp lý về bảo đảm an toàn lao động cho người lao động và thực tiễn thi hành trong ngành xây dựng (Trang 73 - 77)

7. Bố cục luận văn

3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành

3.2.1. Hoàn thiện pháp luật về đảm bảo an toàn cho người lao động

Về các quy định quản lí nhà nước về pháp luật ATLĐ

Hiện nay, công tác đảm bảo ATLĐ được phân cấp giữa nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Cơ quan quản lí trực tiếp về ATLĐ ở trung ương hiện nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục an toàn, vệ sinh lao động), ở địa phương là các sở, các phòng lao động - thương binh và xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan khác cũng có liên quan tới công tác ATLĐ như Bộ Y tế, Bộ Xây dựng… tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lí nhà nước về ATLĐ mà các cơ quan này có trách nhiệm khác nhau trong công

tác quản lí an toàn- vệ sinh lao động, đồng thời, các Bộ, Ngành này còn phải phối hợp với nhau trong việc thực hiện chức năng quản lí ATLĐ, thực hiện chức năng quản lí lĩnh vực này. Nhìn chung các cơ quan tham gia trong lĩnh vực này đã có hoạt động tịch cực nhưng hiệu quả không cao bởi sự phân tán về tổ chức, việc quy định chức năng, nhiệm vụ đôi khi chồng chéo, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, thiếu sự thống nhất trong điều hành và thực hiện. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp thống nhất, phù hợp, phân tách chức năng, thẩm quyền của từng cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức công đoàn và các tổ chức đại diện cho NSDLĐ nhằm đảm bảo tính khả thi các chính sách.

Cần bổ sung các quy định về quản lí nhà nước ở tầm vĩ mô trong lĩnh vực ATLĐ. Chi phí cho các hoạt động đảm bảo ATLĐ là khoản chi phí lớn nằm trong cấu thành đầu vào của quá trình sản xuất. Để thiết lập điều kiện lao động thuận lợi an toàn, hạn chế ở mức thấp nhất các yếu tố nguy hiểm thì đòi hỏi doanh nghiệp phải chi phí lớn cho các thiết bị bảo hộ an toàn cho NLĐ, đặc biệt là ngành xây dựng thì mức độ bảo hộ an toàn càng được đòi hỏi ở mức độ cao hơn bất cứ ngành nghề nào khác. Để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư chi phí thì nhà nước cần có chính sách điều tiết hợp lí ở tầm vĩ mô, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Pháp luật về an toàn- vệ sinh lao động cần bổ sung thêm các quy định về chính sách tín dụng phân biệt giữa đầu tư để phát triển sản xuất với đầu tư cho công tác BHLĐ, xây dựng hành lang pháp lý với mục đích đưa ra các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong những khoản tín dụng đầu tư cho công tác BHLĐ… Bên cạnh đó, có thể tùy vào điều kiện mà tạo lập nên những hành lang pháp lý để khuyến khích các nghiệp đoàn làm công tác bảo vệ môi trường, hoặc sản xuất các thiết bị BHLĐ, theo đó có thể bổ sung nội dung quy định về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với những ưu đãi về thuế, vốn vay,…tương tự như những quy định về doanh nghiệp xã hội trong Luật doanh nghiệp 2014.

Về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam

Đối với các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thì trước mắt cần rà soát lại một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những tiêu chuẩn, quy phạm ban hành trước đây đã lỗi thời.

Về các quy định nội bộ của doanh nghiệp

Để đảm bảo ATLĐ cần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về trình độ và kiến thức tối thiểu về ATLĐ mà NSDLĐ cần phải có và đưa ra chế tài thích đáng khi có vi phạm xảy ra. Từ đó mới có thể nâng cao được ý thức trách nhiệm của NSDLĐ trong lĩnh vực này. Các cán bộ ở công đoàn cơ sở, đặc biệt là các an toàn viên, vệ sinh viên phải được cấp kinh phí hoạt động riêng, đảm bảo thời gian cho công tác ATLĐ, được học tập, huấn luyện về ATLĐ thường xuyên, nguồn kinh phí này cần được hình thành trên cơ sở đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tất cả những điều này phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, lấy đó làm cơ sở, làm hành lang pháp lí cho việc triển khai thực hiện được nhanh chóng và đảm bảo tính khả thi.

Về các quy định nhằm hạn chế ảnh hưởng của môi trường, điều kiện làm việc tới sức khỏe NLĐ

Cần cụ thể hóa các quy định về trang bị phương tiện kĩ thuật ATLĐ. Ban hành các văn bản pháp luật nêu rõ trong những điều kiện lao động nhất định cần phải có những phương tiện bảo hộ ATLĐ tương ứng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng… có vậy mới đảm bảo được tính bắt buộc, khả thi của các quy định về trang bị phương tiện ATLĐ. Đây cũng là cơ sở pháp lí quan trọng để các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và xử lí theo quy định của pháp luật. Về việc cấp phát trang bị phương tiện bảo hộ: để nâng cao ý thức của NLĐ thì cần phải có chế tài kỉ luật tương ứng, trách nhiệm vật

chất tương ứng đối với việc NSDLĐ không sử dụng phương tiện BHLĐ, sử dụng không đúng mục đích, không bảo quản tốt phương tiện BHLĐ… Bổ sung các quy định chi tiết về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, kiểm soát môi trường lao động, xử lý sự cố ứng cứu khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng; các chế độ BHLĐ cho NLĐ và các chế độ cho người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nguyên tắc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng bằng hiện vật; giáo dục an toàn, vệ sinh lao động và tư vấn an toàn, vệ sinh lao động,máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trách nhiệm của chủ đầu tư và người sử dụng lao đông trong việc lập, phê duyệt Phương án về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của NLĐ và môi trường, khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, vệ sinh lao động. Thêm vào đó, cần bổ sung thêm các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khả năng lao động tối thiểu tương ứng với từng loại hình công việc. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, NSDLĐ lấy đó là cơ sở cho việc tuyển dụng.

Về các quy định khắc phục hậu quả do điều kiện lao động không an toàn tác động lên sức khỏe NLĐ

Ngoài việc quy định tuổi nghề phù hợp đối với NLĐ, cần liên tục rà soát và bổ sung thêm danh mục bệnh nghề nghiệp, bệnh phát sinh trong quá trình lao động vào danh mục đã được ban hành kèm Thông tư 15/2016.TT- BYT để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc khai báo, thống kê chính xác các vụ TNLĐ, cần tăng mức phạt đối với các doanh nghiệp cố tình không khai báo hoặc không thống kê theo định kì và đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể hơn. Thêm vào đó cần tiếp tục thúc đấy quá trình xây dựng quỹ bồi thường TNLĐ với trách nhiệm đóng góp

trước tiên thuộc về NSDLĐ. Thông qua hoạt động của quỹ này, công tác bảo hiểm cũng như là công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ khi bị TNLĐ sẽ được thực hiện tốt hơn. Quy định rõ về TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.Quy định về phân loại TNLĐ theo mức độ nghiêm trọng đối với NLĐ, bao gồm TNLĐ nhẹ, TNLĐ nặng và TNLĐ chết người. Quy định về trách nhiệm khai báo TNLĐ chết người hoặc TNLĐ nặng làm bị thương từ 02 NLĐ trở lên của NSDLĐ.

Về các quy định về thanh tra và xử lí vi phạm trong lĩnh vực ATLĐ

Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra nhà nước về ATLĐ, phát huy tối đa tác dụng của các quy định về BHLĐ, cần kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra về an toàn- vệ sinh lao động, đảm bảo sự phối hợp thống nhất và có hoạt động có hiệu quả giữa các cơ quan. Ngoài ra cần có những quy định về quy trình tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cấp thể thanh tra… Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa thanh tra nhà nước về ATLĐ với sự hoạt động của công đoàn cơ sở. Để làm được điều này cần phải có những quy định cụ và hướng dẫn thực hiện để tạo hiệu quả cao nhất, chứ không còn dừng lại ở mức khuyến nghị như trước đây. Song song với đó, là cũng phải nên xem xét, tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATLĐ để đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những vấn đề pháp lý về bảo đảm an toàn lao động cho người lao động và thực tiễn thi hành trong ngành xây dựng (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)