7. Kết cấu của luận văn
2.1. Thực trạng pháp luật về quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam
2.1.3. Thực trạng quy định về quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định của thuế TNCN, thì hàng năm khi kết thúc niên độ kế toán, các cơ quan chi trả thu nhập phải thực hiện quyết toán thuế đối với khoản thu nhập đã chi trả, khoản thuế TNCN thuộc diện phải khấu trừ của các cá nhân thu nhập trong năm, tình hình nộp tiền thuế đã khấu trừ vào NSNN. Việc quyết toán thuế TNCN đối với tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh (nếu có) trong năm thuộc trách nhiệm của người có thu nhập chịu thuế.
Về mặt nguyên lý, đơn vị chi trả thu nhập sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ theo đúng quy định đối với các khoản thu nhập được chi trả tại đơn vị. Cá nhân sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản thu nhập theo quy định của pháp luật. Do đó, cá nhân phải tự thực hiện quyết toán thuế nếu thuộc diện phải nộp thêm thuế hoặc thuộc diện hoàn thuế. Trong điều kiện hiện nay để giải quyết kịp thời quyền lợi của người nộp thuế, giảm thủ tục hành chính trong điều kiện hệ thống đại lý thuế chưa phát triển, quy định ủy quyền quyết toán của các cá nhân thu nhập duy nhất một nơi đã được nhà nước ban hành để cá nhân có thể hoàn thuế hoặc nộp thêm thuế thông qua đơn vị chi trả thu nhập thay vì phải nộp từng hồ sơ riêng nếu tự quyết toán thuế. Có thể nói đây là một giải
pháp rất hữu ích, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế lợi dụng chính sách này, nhiều cá nhân dù có thu nhập từ nhiều nơi vẫn cố tình ủy quyền cho cơ quan chi trả quyết toán thuế thay, trong lúc cơ quan chi trả thu nhập không bao quát hết các nguồn thu nhập từ bên ngoài, dẫn đến công tác nhận ủy quyền quyết toán sai quy định, vi phạm Luật quản lý thuế. Ngoài ra còn có trường hợp người nộp thuế không ủy quyền, nhưng kế toán một số đơn vị chi trả cố tình đưa vào diện ủy quyền để quyết toán thay và làm thủ tục hoàn số thuế nộp thừa. Có những trường hợp cơ quan chi trả thực hiện quyết toán thuế thay cho các cá nhân, đề nghị hoàn thuế nhưng không thực hiện chi trả tiền thuế thừa cho các cá nhân trong đơn vị. Như vậy, vấn đề ủy quyền quyết toán thuế thay cho các cá nhân có tính hai mặt; một mặt tích cực giảm bớt thời gian và chi phí người nộp thuế, cơ quan thuế, bên cạnh đó vấn đề lợi dụng chính sách vẫn còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế cũng như ảnh hưởng đến số thu cho NSNN.
2.1.4. Thực trạng quy định về truy thu, hoàn thuế, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân
Hoàn thuế thu nhập cá nhân là một khâu trong quy trình quản lý thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Việc giải quyết hoàn thuế nhanh gọn đúng chính sách sẽ là động lực góp phần kích thích tính tự giác thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp của ngành thuế cũng như của công chức thuế. Ngược lại, nếu việc giải quyết hoàn thuế thu nhập cá nhân không nhanh gọn, không đúng quy trình, không đúng chính sách sẽ là một trở lực lớn cho quá trình triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế:
1, Điều 16, Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế quản lý thuế thì thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế của các cơ quan chi trả thu nhập cũng như các cá nhân quyết toán thu nhập cá nhân chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Trên thực tế sẽ có một số lượng lớn các cá nhân nộp hồ sơ quyết toán đề nghị hoàn thuế TNCN trong khoảng thời gian từ 01/01 đến 31/3 hàng năm. Trong thời gian này phần lớn các cơ quan chi trả thu nhập chưa hoàn thành quyết toán thuế TNCN năm nên cơ quan thuế chưa có dữ liệu chi tiết từng cá nhân nhận thu nhập. Khi xử lý hồ sơ hoàn thuế trong trường hợp này, cán bộ thụ lý hồ sơ sẽ không có cơ sở dữ liệu để đối chiếu chứng từ khấu trừ thuế TNCN với thông tin tại đơn vị chi trả thu nhập, dẫn đến khai thiếu thuế nhập chịu thuế, thiếu số thuế TNCN phát sinh trong kỳ, khai tăng số thuế đế nghị hoàn.
- Về quy định chứng từ trong hồ sơ hoàn thuế: theo điểm b.2.2, Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 07 năm 2013 của chính phủ hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN của các cá nhân là bao gồm “Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó”. Thực tế, cá nhân khi thực hiện quyết toán thuế hầu hết không kèm theo bản chụp chứng từ khấu trừ thuế TNCN, nên đối với trường hợp phải nộp thêm thuế cơ quan thuế không thề đối chiếu với chứng từ và dữ liệu cơ quan chi trả thu nhập. Hơn thế nữa, một số cá nhân khi hoàn thuế lại không nộp bản chính chứng từ khấu trừ thuế TNCN mà thực hiện nộp bản chụp chứng từ khấu trừ hoặc bản chụp liên báo soát chứng từ lưu tại đơn vị chi trả thu nhập, không đúng với quy định hồ
sơ hoàn thuế. Trường hợp, cá nhân hoàn thuế không phải nộp hồ sơ hoàn thuế có nghĩa là cơ quan thuế căn cứ vào hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế để thực hiện hoàn thuế. Điều này không phù hợp với quy trình hoàn thuế của cơ quan thuế hiện nay, cá nhân phải lập hồ sơ hoàn thuế và thực hiện theo quy trình quy định. Đối với trường hợp một cá nhân quyết toàn thuế và đề nghị hoàn thuế hoặc nộp thêm thuế, khi cá nhân đã nộp thêm thuế hoặc cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế xong là hoàn thành nghĩa vụ, người nộp thuế trong trường hợp này không cần phải giữ chứng từ khấu trừ thuế này. Nếu người nộp thuế đã được hoàn thuế mà chỉ nộp bản chụp, bản chính vẫn giữ sẽ dễ dẫn đến trường hợp bị lợi dụng việc lập nhiều bản chụp liên báo soát để nộp ở nhiều hồ sơ hoàn thuế tại nhiều cơ quan thuế khác nhau nhằm lấy tiền hoàn thuế của nhà nước trong điều kiện công tác quản lý thuế của ngành chưa bao quát hết.
Việc quy định về miễn thuế, giảm thuế phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, tình hình biến động kinh tế ở mỗi nước. Ở Việt Nam việc miễn thuế, không xác định trên tiêu chí của người nộp thuế mà xác định trên thu nhập chịu thuế.
Trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13, theo quy định tại Điều này nhiều khoản thu có tính chất tương tự như các khoản thu nhập chịu thuế quy định trong luật nhưng không phải nộp thuế:
- Khoản 2 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định miễn thuế đối
với thu nhập từ nhà ở, quyền sử dụng đất ở gắn với tài sản trên đất của cá nhân chỉ có duy nhất một nhà ở, đất duy nhất. Việc quy định này có một bất cập là các cơ quan nhà nước rất khó có thể xác định được nhà ở, đất mà cá nhân chuyển nhượng là duy nhất. Vì chủ yếu các cơ quan nhà nước chỉ dựa vào tờ khai và cam kết của cá nhân chuyển nhượng nhà ở, đất ở nên không
tránh khỏi việc trốn thuế.
- Khoản 7 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định không đánh thuế từ thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng không phù hợp. Vì việc gửi tiền tại ngân hàng cũng là một hình thức đầu tư phát sinh lợi nhuận cũng giống như tổ chức tín dụng cho vay tiền phải nộp thuế lãi cho vay.
- Khoản 6 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định không đánh thuế thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất. Quy định này phù hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân khi tiến hành chuyển đổi đất nông nghiệp để phát triển các ngành nghề có thu nhập cao nhằm nâng cao đời sống của họ so với các cá nhân làm nghề khác. Tuy nhiên qua thực tiễn quản lý thu cho thấy có trường hợp chưa hợp lý đó là hộ gia đình, cá nhân không phải là nông dân mà trước đây được nhà nước giao đất nông nghiệp hoặc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để sản xuất nhưng không trực tiếp sản xuất mà thuê người sản xuất nông nghiệp, nay chuyển đổi đất nông nghiệp có phát sinh thu nhập nhưng không nộp thuế.
Bên cạnh những bất cập về miễn thuế, thì giảm thuế thu nhập cá nhân cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Theo Điều 5 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 quy định đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Việc quy định này chưa thực sự rõ ràng giữa trường hợp miễn thuế và giảm thuế, nếu mức độ thiệt hại mà cá nhân gặp phải ít thì số thuế được giảm một phần, nhưng nếu mức độ thiệt hại mà cá nhân gặp phải nhiều thì mức độ giảm khả năng sẽ bằng số thuế phải nộp (theo quy định là không vượt quá số thuế phải nộp) như vậy là rơi vào trường hợp miễn thuế. Thêm vào đó, việc quy định đối tượng được giảm thuế căn cứ vào mức độ thiệt hại, vấn đề đặt ra là thẩm quyền xác minh thiệt hại thuộc về ai hiện nay vẫn chưa
được quy định.