1.2. Khái niệm, đặc điểm của hợp đồng mua bán nợ
1.2.3. Đặc điểm của hợp đồng mua bán nợ
Hợp đồng mua bán nợ thực chất là một dạng của hợp đồng mua bán tài sản với mục đích hướng đến là chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ từ bên bán nợ sang bên mua nợ, vì thế đương nhiên hợp đồng mua bán nợ mang đầy đủ các đặc điểm chung như: i) Hợp đồng mua bán nợ là một hợp đồng song vụ (bên bán nợ và bên mua nợ đều có các quyền và nghĩa vụ nhất định, không bên nào chỉ có quyền hoặc chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ, nghĩa vụ của bên này là quyền lợi của bên kia và ngược lại); ii) Hợp đồng mua bán nợ là hợp đồng có đền bù (khi bên bán nợ hoặc bên mua nợ đã thực hiện cho bên kia một lợi ích, thì sẽ nhận được từ phía bên kia một lợi ích tương ứng). Tuy vậy, hợp đồng mua bán nợ cũng có những đặc điểm riêng để phân biệt với các hợp đồng mua bán tài sản thông thường khác. Các đặc điểm này bao gồm:
1.2.3.1. Chủ thể của hợp đồng mua bán nợ
Về nguyên tắc mọi chủ thể trong xã hội đều có thể tham gia vào hoạt động mua bán nợ nếu đáp ứng theo các điều kiện được pháp luật quy định. Trên thực tế, hợp đồng mua bán nợ có đặc điểm nổi bật là có sự tham gia của một số chủ thể đặc biệt như:
i) TCTD được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, TCTD tham gia vào hợp đồng mua bán nợ thường với tư cách là bên bán nợ nhằm mục đích giảm áp lực về tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
ii) VAMC ra đời trong bối cảnh nợ xấu của các TCTD tại Việt Nam tăng cao và thực hiện chức năng mua bán nợ xấu của các TCTD của Việt Nam. VAMC được coi là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận. Mặc dù về mặt chính sách, VAMC có thể tham gia vào hợp đồng mua bán nợ với tư cách là bên bán nợ hoặc bên mua nợ, nhưng trên thực tế, VAMC chủ yếu tham gia vào hợp đồng mua bán nợ với tư cách là bên mua nợ.
iii) DATC ra đời với mục tiêu chủ yếun xử lý các khoản nợ tồn đọng của
doanh nghiệp nhà nước, góp phần làm lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh
nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, ngoài việc mua các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, DATC đã từng bước mua các khoản nợ của TCTD và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác.
Các nội dung về chủ thể của hợp đồng mua bán nợ được làm rõ và nêu chi tiết, cụ thể tại Chương 2 của Luận văn này.
1.2.3.2. Đối tượng của hợp đồng mua bán nợ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng của hợp đồng mua bán nợ là các khoản nợ, nhưng xét về bản chất pháp lý đối tượng của hợp đồng mua bán nợ là quyền đòi nợ - một dạng quyền tài sản theo quy định tại Điều 322 và Điều 449 BLDS. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể về quyền đòi nợ, nhưng có thể thấy bản thân thuật ngữ “quyền đòi nợ” tự nó đã thể hiện những đặc điểm riêng biệt để nhận biết. Trước tiên nó là quyền năng dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, giúp bên có quyền được yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Quyền đòi nợ
là một dạng quyền tài sản nên chúng ta không thể nắm giữ trực tiếp được và có tính chất hỗn hợp vì nó phản ánh rõ nhất nợ vừa là một mối quan hệ về mặt pháp luật, đồng thời lại là một loại quyền tài sản [61, Điều 449]. Quyền đòi nợ cho phép chủ
nợ được yêu cầu bên nợ phải trả một khoản tiền cùng với lợi tức, hoa lợi phátp sinh
(hoàn trả số tiền nợ bao gồm cả khoản lãi phát sinh). Ngoài ra, quyền đòi nợ còn có ý nghĩa rộng hơn khi phản ánh một loạt các quyền phát sinh khi bên nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như: được quyền khởi kiện, quyền xử lý tài sản bảo đảm, kiểm tra mục đích vay vốn (trong hoạt động tín dụng) và các quyền khác có liên quan do việc bên nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Đối tượng của hợp đồng mua bán nợ có đặc thù là bên bán nợ thường chào bán các quyền đòi nợ đối với khoản nợ xấu, các khoản nợ không có khả năng hoặc ít có khả năng thu hồi. Trên thực tế, khoản nợ được mua, bán trong hợp đồng mua bán nợ không chỉ là những khoản nợ trong hạn, nợ có tài sản bảo đảm mà còn bao gồm cả những khoản nợ quá hạn, nợ không có tài sản bảo đảm. Vì thế, hợp đồng mua bán nợ là loại hợp đồng chứa đựng nguy cơ rủi ro rất cao cho bên mua nợ. Ngoài ra, rủi ro của bên mua nợ còn thể hiện ở chỗ, bên mua nợ rất khó đánh giá và tiên liệu một cách chính xác và khách quan về khả năng thu hồi của khoản nợ được giao bán. Vì lý do này nên bên mua nợ chỉ chấp nhận mua với giá thấp hơn giá trị thực tế của khoản nợ đã được ghi trong hồ sơ, sổ sách, phần chênh lệch này được xem như sự bù đắp cho những rủi ro mà bên mua nợ phải đối mặt khi chấp nhận ký kết hợp đồng mua, bán nợ. Trong hoạt động mua bán nợ, thông thường bên bán nợ không được nhận được mức tiền cao hơn so với giá trị thực tế của khoản nợ.
1.2.3.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Trong hợp đồng mua bán nợ, nghĩa vụ quan trọng nhất của bên bán nợ là phải chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cho bên mua nợ. Trên thực tế, mục đích hướng đến của các bên khi tham gia vào hợp đồng mua bán nợ không chỉ là chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ (quyền yêu cầu bên nợ thực hiện trả nợ gốc, nợ lãi..) mà còn chuyển quyền sở hữu đối với các quyền liên quan phát sinh từ quyền đòi nợ như: quyền xử lý tài sản bảo đảm (trong hoạt động tín dụng).... Ngoài
ra, bên bán nợ còn phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cho bên mua nợ [61, Điều 449, Khoản 1].
Nghĩa vụ quan trọng nhất của bên mua nợ trong hợp đồng mua bán nợ là phải trả tiền cho bên bán nợ. Bên cạnh đó, khi tham gia vào hợp đồng mua bán nợ, bên mua nợ có quyền yêu cầu bên bán nợ chuyển giao toàn bộ hồ sơ và hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cho mình.
1.2.3.4. Cơ sở xác lập
Hợp đồng mua bán nợ có một đặc điểm cần lưu ý là được thực hiện trên cơ sở một giao dịch đã được xác lập trước đó và giao dịch này làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của bên nợ đối với bên bán nợ. Các giao dịch này được coi là giao dịch cơ sở có hệ quả xác lập, hình thành khoản nợ, tạo ra quyền đòi nợ cho bên bán nợ, nên giao dịch này được xem là nhân tố tạo ra hàng hóa cho thị trường mua bán nợ.