Giao kết hợp đồng mua bán nợ 55

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng mua bán nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 63 - 67)

Giao kết hợp đồng mua bán nợ là việc bên bán nợ và bên mua nợ bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán nợ.

2.3.1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng mua bán nợ

Hợp đồng mua bán nợ là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản quy định tại BLDS, nên các nguyên tắc giao kết hợp đồng quy định tại Điều 390 BLDS được áp dụng đối với hợp đồng mua bán nợ. Theo đó, khi giao kết hợp đồng mua bán nợ các bên phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

i) Tự do giao kết hợp đồng mua bán nợ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội: Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia giao kết hợp đồng mua bán nợ. Bằng ý chí tự do của mình, Bên mua nợ và bên bán nợ có quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, bên mua nợ và bên bán nợ cũng phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức khác cũng như lợi ích của toàn xã hội.

Chỉ khi nào các bên bình đẳng với nhau về mọi phương diện trong giao kết hợp đồng thì ý chí tự nguyện của mỗi bên mới thật sự được bảo đảm. Vì vậy, những hợp đồng mua bán nợ được giao kết thiếu bình đẳng và không có sự tự nguyện của các bên sẽ không được pháp luật thừa nhận.

2.3.2. Trình tự giao kết hợp đồng mua bán nợ

Trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán nợ các vấn đề pháp lý cơ bản cần được làm rõ bao gồm: (i) Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ; (ii) Chấp nhận đề

nghị hợp đồng mua bán nợ; và (iii) Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán nợ.

2.3.2.1. Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ

Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ là việc một trong các bên tham gia vào giao dịch mua bán nợ thể hiện rõ ý định muốn giao kết hợp đồng mua bán nợ với bên còn lại. Trên thực tế, đối với trường hợp bán nợ cho VAMC, TCTD phải rà soát các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được mua bán nợ và gửi VAMC hồ sơ đề nghị mua nợ gồm: i) Giấy đề nghị mua nợ theo mẫu của VAMC; ii) Thông tin chi tiết và đánh giá thực trạng từng khoản nợ xấu về các khoản nợ xấu theo yêu cầu của VAMC; iii) Văn bản cam kết về khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của TCTD bán nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ; iv) Bản sao hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tài sản do người đại diện hợp pháp của TCTD bán nợ xác nhận; v) Bản sao hồ sơ, giấy tờ liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và bên nợ vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ do người đại diện hợp pháp của TCTD bán nợ xác nhận [46, Điều 17, Khoản 1]. Như vậy, đối với trường hợp VAMC là bên mua nợ, bên bán nợ phải đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ bằng văn bản với nội dung mang tính cụ thể và thể hiện ý chí muốn giao kết hợp đồng của bên bán nợ. Trong trường hợp này, pháp luật quy định tương đối chặt chẽ đối với việc đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ. Ngoài việc phải tuân thủ hình thức bằng văn bản, kèm theo đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ còn phải có các hồ sơ tài liệu chi tiết của khoản nợ và bản cam kết về việc khoản nợ đủ điều kiện tham gia mua bán.

chi tiết về việc đề nghị giao kết hợp đồng đối với trường hợp mua bán nợ không có sự tham gia của VAMC, nên về nguyên tắc việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện theo các quy định hiện hành tại BLDS. Theo đó, đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ có thể do bên bán nợ (chào bán) hoặc bên mua nợ tiến hành (chào mua).

2.3.2.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ hay một phần nội dung của đề nghị. Cũng giống như đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ là hành vi pháp lý có thể làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các bên trong hợp đồng mua bán nợ.

Đối với trường hợp bán nợ cho VAMC, pháp luật quy định trình tự chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng gồm: i) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị mua nợ của TCTD, VAMC phải tiến hành kiểm tra hồ sơ và yêu cầu TCTD bán nợ bổ sung hồ sơ khi cần thiết; ii) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ TCTD, VAMC xem xét, thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và có văn bản trả lời TCTD về việc mua hoặc không mua các khoản nợ xấu. Trường hợp không mua nợ, văn bản trả lời phải nêu rõ lý do [46, Điều 18]. Với các quy định này, có thể thấy pháp luật hiện hành quy định chặt chẽ đối với việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ. Theo đó, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của bên mua nợ phải được thực hiện thông qua văn bản và phải thực hiện trong một thời gian ấn định là 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị giao kết hợp đồng của bên bán nợ.

Hình 2.4: Sơ đồ giao kết hợp đồng mua bán nợ của VAMC

Nguồn: Thông tư số 19/2013/TT-NHNN

Một điểm cần lưu ý là bản thân sự im lặng của một trong các bên không cho phép khẳng định là chấp nhận nhưng cũng có hoàn cảnh cho phép hiểu rằng im lặng là chấp nhận nếu có ngoại lệ. Sự im lặng của một bên chỉ được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán nợ khi các bên đã có thỏa thuận hoặc

theo thói quen mà các bên đã coi sự im lặng là đồng ý [11, tr.49]. Tuy nhiên, các

quy định của pháp luật hiện hành tại BLDS lại công nhận im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng khi thỏa mãn hai điều kiện là các bên có thỏa thuận trước và các bên có xác định thời hạn trả lời nhưng hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng [61, Điều 404, Khoản 2]. Quy định này không phù hợp, chưa tôn trọng sự thể hiện ý trí của các bên tham gia hợp đồng mua bán nợ.

2.3.2.3. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán nợ

Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng, vì thời điểm giao kết hợp đồng giúp xác định sự gặp gỡ ý chí, thống nhất ý chí của bên bán nợ và bên mua nợ, cơ sở để công nhận hiệu lực của hợp đồng mua bán nợ. Về nguyên tắc theo quy định tại BLDS khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có qui định khác, thì hợp đồng mặc nhiên có hiệu lực vào thời điểm giao kết. Thời điểm giao kết thường là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của

hợp đồng mua bán nợ. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Do hợp đồng mua bán nợ được thể hiện bằng hình thức văn bản, nên theo Điều 404 BLDS, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Đối với trường hợp bán nợ cho VAMC, pháp luật quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo đồng ý mua nợ của VAMC, TCTD và VAMC tiến hành ký kết hợp đồng mua, bán nợ [46, Điều 18, Khoản 4]. Tuy nhiên, các quy định này không nêu rõ thời điểm hợp đồng mua bán nợ được giao kết.

Đối với trường hợp thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp có sự im lặng, cần lưu ý là nguyên tắc chính (im lặng không phải là đồng ý) cần phải được ưu tiên và quy định trước rồi sau đó mới quy định các trường hợp loại trừ khác (các bên có thoả thuận im lặng là đồng ý) [11, tr.49]. Do đó, khi các bên trong hợp đồng mua bán nợ thỏa thuận sự im lặng là chấp nhận đề nghi giao kết hợp đồng, thì thời điểm giao kết hợp đồng phải được xác định rõ là thời điểm cuối cùng của thời hạn trả lời giao kết hợp đồng mua bán nợ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng mua bán nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)