Để đạt hiệu quả cao trong việc hoàn thiện và thực thi pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm, cần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tiến hành đồng bộ các biện pháp, đồng thời phải căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, trên cơ sở đẩy mạnh hơn nữa vai trò các cấp, các ban, ngành tại các địa phương. Việc nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân có ý
nghĩa quyết định. Đảm bảo sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện pháp luật lao động - việc làm, cụ thể bằng các kế hoạch, chương trình hành động. Theo chúng tôi cần phải tập trung vào những vấn đề sau:
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về lao động -
việc làm để tiến hành hệ thống hóa, pháp điển hóa các quy định pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cũng như đòi hỏi của thực tiễn. Sau khi Bộ luật Lao động ra đời, đến nay đã
có Luật Bảo hiểm xã hội, Luật bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số, Luật người khuyết tật… Đây là những vấn đề cần được cụ thể hóa trong Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo tính đồng bộ và liên thông của cả hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động về việc làm, cần chú trọng tới việc thích ứng các quy phạm quốc tế về lao động - việc làm, đồng thời cần tổ chức thực hiện nghiên cứu dưới dạng một hoặc nhiều đề tài khoa học với sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan và các nhà khoa học ở các lĩnh vực luật pháp, kinh tế, xã hội ở cả trong và ngoài nước. Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cần chủ trì xây dựng một Chương trình hành động và tổ chức phối hợp với các bên trong quan hệ lao động, các nhà khoa học chuyên ngành luật lao động để cùng nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động nhằm đáp ứng yêu cầu điều chỉnh đối với giải quyết việc làm trong bối cảnh hiện nay và sau này.
- Tăng cường quản lý nhà nước về việc làm, thực hiện pháp luật lao động về việc làm, kết hợp công tác kế hoạch hóa với cập nhật tình hình biến động lao động - việc làm, kết quả thực hiện pháp luật lao động trên thực tế, bảo đảm điều chỉnh các biện pháp thực hiện trong từng thời kỳ. Nhà nước tập
trung ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, từng bước thiết lập thể chế thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường, đồng thời thực hiện trợ giúp giải quyết việc làm đối với các đối tượng lao động đặc thù (lao động là người tàn tật, lao
động là người dân tộc, lao động nữ...) nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường. Để góp phần đẩy mạnh tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lao động - việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp chính như: Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản trong lĩnh vực giải quyết việc làm như Nghị quyết số 30/2008/NQ - CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có tạo việc làm; Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế… Chỉ đạo việc ổn định và mở rộng thị phần tại các thị trường nhận lao động Việt Nam hiện có, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; phát triển thêm các thị trường lao động mới; ban hành và thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao đẩy mạnh xuất khẩu lao động; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài; củng cố, nâng cao năng lực các Ban Quản lý lao động ở ngoài nước. Chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm, lao động nông thôn, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động yếu thế, lao động thanh niên...; gắn dạy nghề với tạo việc làm…
- Thúc đẩy công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chính sách và pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, người lao động. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch về chính sách, chế độ, quy
định đối với người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện của các cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động. Đặc biệt, cần thiết phải đề cao vai trò của công đoàn cũng như đảm bảo hoạt động của tổ chức này trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm, bảo vệ quyền lợi, không phân biệt đối xử
trong lao động... để tạo ra cơ chế ba bên hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực việc làm và giải quyết việc làm.
- Đồng thời có các biện pháp khuyến khích sự năng động và chủ động
tự tạo việc làm cho bản thân và cho người khác của người lao động, không thụ động, trông chờ vào Nhà nước. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy thị
trường lao động phát triển trên phạm vi cả nước; tăng cường trợ giúp người lao động để họ có đầy đủ thông tin tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm; có hình thức giáo dục pháp luật phù hợp để người lao động có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình... Đối với nông thôn, một giải pháp tích cực nhất là tạo việc làm tại chỗ để có thể khai thác hết tiềm năng lao động và nguồn tài nguyên cho phát triển nông nghiệp. Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ, thu hút nông dân đầu tư cải tạo đất trống, đồi núi trọc, phát triển thành các trang trại với quy mô khác nhau, về lâu dài cần đa dạng hóa sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường thâm canh tăng chu kỳ mùa vụ, chú trọng cải tiến sản xuất nông nghiệp bằng vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại kinh tế nông thôn, chú trọng phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gia đình, công nghiệp nhỏ chế biến nông sản và các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, củng cố và mở rộng các làng nghề truyền thống, kết hợp việc đô thị hóa nông thôn và phát triển nông thôn toàn diện. Đối với lực lượng lao động trẻ, cần chú trọng đến đào tạo chất lượng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, theo kinh nghiệm của một số nước thì có thể gắn đào tạo nghề với người sử dụng lao động, trên cơ sở gắn kết trách nhiệm và lợi ích của cơ quan đào tạo, người đi học, người sử dụng lao động sau đào tạo.
- Đối với người sử dụng lao động thì khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm trên cơ sở tuân thủ pháp luật lao động về lao động và việc làm. Khuyến khích và ưu đãi đối với sự thành lập và
hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cần có biện pháp giám sát, cưỡng chế
việc thực thi các quy định tại các doanh nghiệp cũng như ban hành chế tài áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm.
- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách và hình thành các quỹ an sinh xã hội. Đặc biệt triển khai thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm thất
nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Để phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, phù hợp với đặc điểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ: Có các chính sách tín dụng ưu đãi để khuyến khích người nghèo, người yếu thế có nhiều cơ hội việc làm; nghiên cứu khả năng và cơ chế hỗ trợ người làm việc trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người thất nghiệp, nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động; chú trọng các chương trình đào tạo chuyển đổi nghề đối với người lao động tại các vùng bị ảnh hưởng do mặt nước biển dâng, chuyển đổi khí hậu; gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, dạy nghề với công tác định hướng, hướng nghiệp cho người lao động nhằm hỗ trợ chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức., từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; xây dựng chương trình việc làm công để đáp ứng nhu cầu tạm thời cho người lao động khi chưa có việc làm, trong bối cảnh mất việc làm hàng loạt do tác động của chuyển đổi cơ cấu đất đai, cải cách khủng hoảng kinh tế...
- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về pháp luật việc làm của đối tượng lao động đặc thù như lao động nữ, lao động người khuyết tật, lao động chưa thành niên, lao động nông thôn… Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
cần có biện pháp cụ thể thúc đẩy các tỉnh/thành về việc thành lập Quỹ việc làm của đối tượng lao động đặc thù; Trang bị kiến thức tiếp xúc, làm việc với đối tượng lao động đặc biệt cho các cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp
nhận người lao động vào làm việc; Nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn các doanh nghiệp về việc tiếp nhận đối tượng đặc thù vào làm việc.
- Đối với hoạt động giới thiệu việc làm, cần nhanh chóng hoàn thiện
quy hoạch hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm và cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp giới thiệu việc làm; đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, hoạt động cho vay giải quyết việc làm, đầu tư nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm… Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.
- Đối với lao động xuất khẩu, cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường lao động thế giới và các nước để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp cho việc xuất khẩu lao động sang các nước, tránh để tình trạng phân tán như hiện nay. Thành lập hiệp hội bảo vệ quyền lợi người lao động đi xuất khẩu, hoặc nâng cao vai trò của công đoàn trong lĩnh vực này nhằm không để bất cứ người lao động đi xuất khẩu bị thiệt thòi bị ngược đãi hay bị vi phạm pháp luật lao động.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trên mọi vùng, miền, khu vực, các loại hình doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức. Thúc
đẩy, hỗ trợ các hoạt động thông tin tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và người dân về các chủ trương, chính sách, thông tin việc làm, thị trường lao động, xuất khẩu lao động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Chẳng hạn như đối với khu vực nông thôn, có thể tuyên truyền, phổ biến thông qua các buổi tập huấn ngắn hạn hoặc lồng ghép sinh hoạt khối xóm, bản làng, phát tờ rơi, sổ tay hoặc tài liệu về pháp luật lao động. Đối với học sinh, sinh viên tại các trường, cơ sở đào tạo thì thông qua các chương trình đào tạo, các buổi nói chuyện, thăm, nghe giới thiệu trực tiếp tại các Trung tâm giới thiệu việc làm để giới thiệu pháp luật lao động. Xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động thông qua hệ thống truyền thanh tại cộng đồng cũng như trên
các phương tiện thông tin đại chúng. Phát hành các ấn phẩm, sách báo về chính sách pháp luật lao động - việc làm…
- Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật lao động cũng như cán bộ làm công tác giới thiệu việc làm hiểu biết pháp luật lao động nói chung và pháp luật về việc làm, giải quyết việc làm nói riêng từ trung ương xuống cấp xã, trong các doanh nghiệp, tổ chức.
- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động hướng tới mục tiêu hiệu quả và chất lượng: về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường
lao động, hoàn thiện cổng thông tin điện tử việc làm, điều tra thị trường lao động, dự báo thị trường lao động theo quý, 6 tháng và hàng năm để các nhà làm luật có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề việc làm và giải quyết việc làm. Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động được thành lập và hoạt động cập nhật, thường xuyên hơn nhằm hình thành một hệ thống đồng bộ từ thu thập, xử lý tới phân tích, dự báo, quản lý và cung cấp thông tin thị trường lao động theo các cấp trình độ, các ngành nghề, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu về đào tạo và phát triển kinh tế của các vùng, ngành, các khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường thu thập thông tin liên quan đến lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động thông qua hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao năng lực dự báo thị trường lao động để kịp thời ban hành những chính sách, quy định pháp luật ứng phó thích hợp với tình hình lao động - việc làm.
Trên đây là một số đề xuất về các quy định của pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm cũng như tổ chức thức hiện để đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn. Hi vọng với nhiều sự quan tâm, trao đổi, đóng góp ý kiến của các luật gia, các nhà nghiên cứu luật pháp, nhân dân nói chung, pháp luật lao động sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn để góp phần to lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, tạo đời sống ổn định cho người dân, đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững và phồn vinh.
KẾT LUẬN
Với vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế - xã hội, với người lao động nói chung cũng như các đối tượng lao động đặc thù, thông qua các quy định và tổ chức thực thi các quy định trên thực tế, pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm đã đạt được những thành tựu và kết quả khả quan nhất định. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, với nhiều thuận lợi, cơ hội cũng như không ít khó khăn và thách thức trong việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động, pháp luật