Các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 63 - 65)

dân sự

Hiện nay, trong Luật Bình đẳng giới không có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vấn đề quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự không được pháp luật Việt Nam quy định. Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có một số quy định đề cập đến vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực này, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 5: ”Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau”. Như vậy, bình đẳng giới trong quan hệ dân sự là nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2005 và cũng là nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự nước ta.

Các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự được quy định tập trung trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật này đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng,

tự do ý chí, độc lập về tài sản giữa các chủ thể. Dưới góc độ giới, có thể thấy như sau:

Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về tôn trọng, bảo vệ quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được bảo hộ như nhau trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu; ghi nhận sự bình đẳng giữa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Ví dụ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2005: “mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau” và không bị hạn chế về mặt giới tính theo quy định tại Điều 16. Như vậy, theo những quy định này, mọi người, không phân biệt nam giới hay nữ giới, đều có năng lực pháp luật dân sự, tức là có khả năng có quyền và nghĩa vụ dân sự như nhau. Hay như quy định tại các Điều 19, Điều 22 và Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2005 nêu rằng cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự…

Thứ hai, Bộ luật Dân sự đã ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng; tạo cơ chế pháp lý để thực hiện tinh thần của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), theo đó, mọi cá nhân, tổ chức được làm những gì mà pháp luật không cấm, với điều kiện các việc làm đó không vi phạm lợi ích công cộng, đạo đức xã hội; ghi nhận nhiều biện pháp để bảo đảm sự an toàn, bình đẳng về mặt pháp lý cho các chủ thể, nhất là đối với phụ nữ, người khác là người yếu thế trong các quan hệ dân sự nói chung và kinh doanh nói riêng. Ví dụ như quy định “các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” nêu tại Khoản 2 Điều 220 Bộ luật

Dân sự năm 2005, theo đó, cho dù là nam giới hay nữ giới trong cộng đồng sở hữu tài sản chung đều có quyền như nhau trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của cộng đồng. Điều đó tức là nếu tài sản chung được quản lý, sử dụng, định đoạt chỉ thông qua ý chí của nam giới hay nữ giới thì đều sẽ bị coi là trái pháp luật và hành vi đó sẽ bị coi là vô hiệu.

Thứ ba, nhiều quy định trong Bộ luật Dân sự đã tương thích với thông lệ quốc tế, trong đó vấn đề tôn trọng và bảo vệ bình đẳng giữa các chủ thể nói chung và dưới góc độ giới nói riêng, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế. Cụ thể, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã thể hiện sự phù hợp và tương thích với các Điều 1, 2, 3, 5, 9, 11, 13, 14, 15, 16 và Điều 23 của Công ước CEDAW, cũng như các khuyến nghị chung của Ủy ban CEDAW liên quan đến việc bảo đảm các quyền con người của phụ nữ và nam giới trong xã hội và trong các quan hệ dân sự. Ngoài ra, về cơ bản, các quy định liên quan của Hiến chương Liên Hợp Quốc (1945), Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966)… mà Việt Nam là thành viên đều đã được Việt Nam nội luật hóa trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Trên thực tế, nhiều quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự đã được thừa nhận trong pháp luật trước khi Việt Nam là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người đã nêu.

Thứ tư, đối với hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2005 bước đầu đã thể hiện được vai trò là luật chung, luật nền về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, thông qua việc ghi nhận những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)