3.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân
3.2.1. Rà soát, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình thì việc rà soát, hệ thống hoá các quy định của pháp luật bình đẳng giới trong các lĩnh vực này hiện nay là một công việc hết sức cần thiết và không thể thiếu. Một hệ thống pháp luật muốn phát huy tốt hiệu lực thì không thể không coi trọng công tác rà soát và hệ thống các văn bản hiện có.
Việc rà soát và hệ thống hoá văn bản của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình là để phân loại và xác định những văn bản, những quy phạm nào không cần, không còn hiệu lực hoặc chồng chéo, trùng lặp và cần phải sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, thông qua quá trình rà soát và hệ thống hoá văn bản của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực này có thể xác định những văn bản, quy phạm nào cần hợp nhất, cần nâng cấp hoặc ban hành mới; những sơ hở nào cần được khắc phục, điều chỉnh.
Trong những năm qua, công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản pháp luật nói chung và của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, lỗi thời đã được loại ra khỏi hệ thống pháp luật. Từ đó, pháp luật bình đẳng giới nói chung, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng không ngừng được hoàn thiện và phát triển tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ghi nhận và bảo vệ quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, pháp luật bình đẳng giới và pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Để pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình luôn theo kịp và phản ảnh đúng các quan hệ xã hội thì phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung trên cơ sở rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện về kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội song bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật và hoàn
thiện của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Do vậy, bên cạnh việc tạo môi trường pháp lý, định hướng cho hoạt động bình đẳng giới đúng mục đích, có hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi của hội và của phụ nữ, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách mạnh mẽ.
Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình trước hết phải bắt đầu từ việc rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan đến bình đẳng giới, tập trung trong các văn bản luật và văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật có liên quan. Đồng thời, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình đòi hỏi phải chú trọng mối quan hệ giữa nội dung các quy định của pháp luật với cơ chế pháp lý nhằm bảo đảm nội dung đó được thực hiện trong thực tế. Nội dung của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải được thể chế hoá đầy đủ chủ trương và chính sách của Đảng đối với việc phát huy vai trò của mỗi giới trong xã hội, thể hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mỗi giới. Cùng với đó, cơ chế pháp lý cũng phải bảo đảm chuyển tải những nội dung trên bởi các quy định, thủ tục đơn giản, thuận tiện và thể hiện được nguyên tắc bình đẳng và dân chủ của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật bình đẳng giới. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền lập pháp, lập quy cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình theo hướng: các luật ban hành cần phải đảm bảo tính khả thi, dễ hiểu, quy định cụ thể và giảm bớt tình trạng phải chờ quá nhiều văn bản hướng dẫn mới thi hành được. Đồng thời để các văn bản pháp luật dễ đi vào cuộc sống, nhà nước cần có sự phân định rõ ràng phạm vi lập pháp, lập quy, giữa thẩm quyền lập quy của Trung ương với thẩm quyền lập quy của các cấp
chính quyền địa phương. Điều này thể hiện rõ bản chất dân chủ của nhà nước pháp quyền.