Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và không ngừng nâng cao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 91 - 95)

3.1. Quan điểm về hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân

3.1.2. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và không ngừng nâng cao

nâng cao năng lực, kỹ thuật lập pháp trong hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình

Trong những năm qua, thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy pháp luật không thể có hiệu lực và hiệu quả khi không có tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và được xây dựng với kỹ thuật lập pháp cao. Điều này có nghĩa là khi mà bộ phận cấu thành nên pháp luật thiếu tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện, kỹ thuật văn bản và còn có những quy định mâu thuẫn thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện pháp luật. Vì vậy, muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật cho từng lĩnh vực cụ thể thì không thể chỉ chú ý đến việc hoàn thiện từng bộ phận pháp luật mà phải chú ý đến mối liên hệ, tính hệ thống giữa các bộ phận đó. Ngược lại, để bảo đảm tính hệ thống, khi hoàn thiện từng bộ phận của pháp luật phải đặt nó trong tổng thể các yêu cầu khách quan, mục tiêu, phương hướng hoàn thiện pháp luật. Do pháp luật bình đẳng giới là đặc thù, là bộ phận của pháp luật nói chung, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình lại là một bộ phận đặc thù của pháp luật bình đẳng giới nên trong mối tương quan này, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới phải được đặc trong chỉnh thể thống nhất hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hoàn thiện hệ thống pháp luật bình đẳng giới nói riêng.

Về tính thống nhất, khi hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải đảm bảo các quy định pháp luật này không mâu thuẫn, chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, sự phối hợp tác động điều chỉnh quy định theo một chiều hướng nhất định và sự thống nhất giữa nội dung với đối tượng phản ánh, tức là các quan hệ kinh tế, xã hội hiện thực, nhằm bảo đảm giá trị thực tế của hệ thống pháp luật bình đẳng giới. Cùng với đó, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải đặt trong mối tương quan

chung về hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoàn thiện pháp luật bình đẳng giới. Việc hoàn thiện phải đồng bộ, thống nhất với nhau, cùng một nhịp thay đổi, cùng một nhịp phát triển.

Khi hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải xác định cụ thể, đầy đủ phạm vi tác động và các quan hệ xã hội cụ thể mà pháp luật này tác động. Đặc biệt là các phạm vi còn thiếu, các quan hệ xã hội chưa điều chỉnh hoặc sẽ phát sinh cần phải có những quy định, những dự tính hoặc những sửa đổi, bổ sung kịp thời để điều chỉnh bằng pháp luật các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.

Về kỹ thuật lập pháp, trong xây dựng pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải áp dụng kỹ thuật lập pháp tiên tiến... Thực tế cho thấy kỹ thuật, trình độ lập pháp của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, vì vậy cần tăng cường nghiên cứu học tập kinh nghiệm lập pháp của các nước có trình độ lập pháp phát triển. Đó là xét về tổng thể, còn trong việc xây dựng pháp luật về bình đẳng giới nói chung, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng, rất nên học tập kinh nghiệm lập pháp của một số nước có thành tích cao trong lĩnh vực này, cụ thể như các nước Bắc Âu.

3.1.3. Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải bảo đảm phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

Việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới không chỉ là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà còn là nhu cầu tự thân của xã hội, là đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Nhu cầu tham gia các tổ chức quốc tế, các công ước quốc tế mang tính toàn cầu, khi đó sẽ kéo theo nhu cầu hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của

khu vực và quốc tế nói chung và của quốc gia nói riêng trong bối cảnh hội nhập và mở cửa. Đáp ứng các chuẩn mực quốc tế là nghĩa vụ của các quốc gia khi tham gia sân chơi toàn cầu, vì vậy, pháp luật Việt Nam phải ngày càng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế nói chung, quyền bình đẳng giới nói riêng, trong đó có quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình không chỉ đơn thuần là việc sửa chữa, chỉnh lý văn bản trên cơ sở pháp luật quốc tế, và càng không phải sao chép hoàn toàn pháp luật quốc tế, mà thực chất là phải dựa trên những nội dung và nguyên tắc của pháp luật quốc tế để từ đó có sự so sánh, lựa chọn những quy phạm nào phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá; những quy phạm pháp luật nào khắc phục được sự khác biệt về truyền thống, phong tục tập quán, khác biệt về chế độ chính trị giữa các nước. Bình đẳng giới hiện nay là vấn đề mang tính toàn cầu, vì vậy việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung và pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng đòi hỏi phải có sự lựa chọn phương thức hội nhập riêng, sáng tạo tránh rập khuôn, máy móc và không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, với trình độ dân trí.

Trong quan hệ quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã cam kết tôn trọng và đảm bảo thực thi các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền bình đẳng giới và quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá năm 1966, và đặc biệt là Công ước về quyền trẻ em năm 1989 và Công ước về xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979. Điều 2 của CEDAW quy định quyền bình đẳng giới như sau: “...Đưa

nguyên tắc bình đẳng giữa nam nữ vào Hiến pháp nước họ hoặc vào các văn bản pháp lý thích hợp khác nếu chưa đưa vào các văn bản thực hiện các nguyên tắc này trong thực tế bằng pháp luật và các biện pháp thích hợp khác.

Thông qua biện pháp pháp luật và các biện pháp thích hợp khác, kể cả trừng phạt trong những trường hợp cần thiết nhằm cấm mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ.

Tổ chức về mặt luật pháp các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới và thông qua các Toà án quốc gia có thẩm quyền và các cơ quan nhà nước khác bảo đảm việc bảo vệ phụ nữ một cách có hiệu quả chống lại mọi hành động phân biệt đối xử...”.

Với tư cách là thành viên Công ước CEDAW, nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan đến việc thực thi quyền bình đẳng giới nói chung, quyền bình đẳng của phụ nữ trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới, không chỉ thuần tuý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhằm cụ thể hoá quyền hiến định về bình đẳng nam nữ được Hiến pháp Việt Nam công nhận, mà còn là một việc cần phải làm là một nghĩa vụ pháp lý của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Việc xây dựng một hệ thống pháp luật trong nước hoàn chỉnh cần chú ý đến việc nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết cũng như các thông lệ quốc tế, nhất là Công ước CEDAW. Cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bình đẳng giới của các nước và các tổ chức quốc tế, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật trong nước, phù hợp với tình hình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là những việc làm cần thiết để hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 91 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)