Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 53 - 66)

6. Kết cấu của luận văn

2.2. Thực tiễn thi hành công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác

2.2.2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

2.2.2.1. Những hạn chế, bất cập

* Về kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của CQĐT

Để đảm bảo công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm có hiệu quả, đạt chất lượng cao thì trước hết VKS cần phải nắm được toàn bộ thông tin về tội phạm đã xảy ra. Tuy nhiên công tác kiểm sát này còn tồn tại rất nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể như sau:

Đặc điểm của CQĐT hiện nay được tổ chức thành rất nhiều đầu mối như: Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm về kinh tế, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy, tội phạm môi trường, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan an ninh điều tra... Mặc dù thông tư số 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/9/2014 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, phân loại tin báo, tố giác về tội phạm của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra cấp Bộ, cấp Tỉnh, Đội điều tra tổng hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không phải lúc nào toàn bộ các tin báo, tố giác về tội phạm được tiếp nhận tập chung về một mối tại các đơn vị có thẩm quyền trên, mà còn rải rác ở tất cả các đơn bị khác. Thậm chí một số CQĐT cấp quận, huyện vẫn chưa thành lập Đội điều tra tổng hợp, việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm ở những đơn bị này tập chung tại Đội Cảnh sát hình sự, ngoài ra các đội nghiệp vụ khác cũng trực tiếp tiếp nhận, phân loại, giải quyết. Việc tổ chức tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của CQĐT còn nhiều bất cập như trên dẫn đến việc VKS tổ chức nắm thông tin, kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm tại các CQĐT gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay hệ thống tổ chức của Công an nhân dân còn có Công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là công an cấp xã). Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên. Do đặc điểm là lực lượng ở cấp cơ sở thấp nhất nên Công an xã được tiếp xúc hàng ngày, sâu xát với đời sống nhân dân do đó lượng tin báo, tố giác về tội phạm nhận được là tương đối lớn.

Tại khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 06/2008/PL-UBTVQH12 quy định một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Công an xã đó là “Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã…”. Tại Chương II, Thông tư số 12/2010/TT-BCA của Bộ công an quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an xã đó là: “Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã”. Với những quy định trên cho thấy hoạt động phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công an xã về cơ bản chính là hoạt động phân loại, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Lực lượng Công an xã sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm sẽ tiến hành phân loại, điều tra ban đầu, nếu những tin báo, tố giác về tội phạm đó thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì ra quyết định xử lý, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo bằng văn bản lên Công an cấp trên. Tuy nhiên, thực trạng giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm hiện nay ở cấp xã còn tồn tại nhiều sai sót, bất cập. Do đây là lực lượng bán chuyên trách nên nhận thức về pháp luật còn yếu dẫn đến việc giải quyết không đúng quy định. Một số địa phương còn tình trạng giải quyết tin

báo, tố giác về tội phạm theo kiểu xuề xòa, hòa giải dân sự, một số hành vi vi phạm đáng lẽ phải bị khởi tố về mặt hình sự, thì lại ra quyết định xử lý hành chính, thậm chí không ra quyết định xử lý. Mặt khác hiện nay cũng không có quy định nào về thời hạn Công an xã phải chuyển các tin báo, tố giác về tội phạm tiếp nhận được cho Công an cấp trên dẫn đến nhiều trường hợp vụ việc rất nghiêm trọng có dấu hiệu của tội phạm Công an xã tiếp nhận, tuy nhiên họ không báo cáo, không chuyển cho CQĐT cấp trên mà tự giải quyết. Ví dụ như vụ án giao cấu với trẻ em xảy ra tại xã Khánh An -Yên Khánh - Ninh Bình, Nguyễn Văn Hải (19 tuổi) đã nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với người yêu là cháu Đinh Hồng Nga (15 tuổi) là học sinh lớp 9. Sau khi có đơn tố cáo của gia đình cháu Đinh Hồng Nga về hành vi giao cấu với trẻ em của Nguyễn Văn Hải. Gia đình cháu Nga đã gửi đơn đến Ban công an xã để giải quyết, nhưng thay vì chuyển đơn lên Công an huyện theo thẩm quyền, bởi vì đây là trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì công an xã Khánh An lại trực tiếp gặp các bên để hòa giải sau đó gia đình cháu Nga đã rút đơn tố cáo, nên vụ việc không được khởi tố. Chỉ sau khi Nguyễn Văn Hải bị bắt về hành vi Hiếp dâm trong một vụ án khác thì hành vi giao cấu với trẻ em của Hải mới bị phát hiện. Đây là điển hình của việc các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa mà trình độ hiểu biết pháp luật còn rất thấp nên thông thường người dân gửi đơn tố cáo đến cho công an cấp cơ sở mà không gửi lên công an từ cấp huyện trở lên. Từ những phân tích trên cho thấy mặc dù cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm hiện nay tuy nhiên hoạt động này của Công an cấp xã vẫn chưa được sự kiểm tra, giám sát của VKSND dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm trong xã hội còn nhiều.

* Về kiểm sát việc phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu tin báo, tố giác về tội phạm

Hàng năm Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận rất nhiều những thông tin khác nhau về tội phạm, phần lớn những vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử xuất phát từ những nguồn thông tin này. Tuy nhiên không phải thông tin nào khi tiếp nhận cũng là tin báo, tố giác về tội phạm mà vẫn còn tồn tại nhiều thông tin dạng nặc danh, nhiều thông tin chuyển không đúng đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để giải quyết vấn đề trên khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT quy định:

Sau khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, CQĐT phải tiến hành phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu. Nếu xác định thông tin đó là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thủ trưởng CQĐT phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và gửi ngay một bản đến VKS cùng cấp để kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm... [51].

Trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp thời gian phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu của CQĐT kéo dài quá lâu, đôi khi đến hết cả thời hạn giải quyết theo luật định trong khi đó, thời điểm VKS được tiến hành kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm lại bắt đầu kể từ khi CQĐT có quyết định phân công Điều tra viên giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và gửi đến VKS chứ không hề cho phép VKS được tham gia vào ngay quá trình phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu của CQĐT đã dẫn đến tình trạng giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm còn kéo dài, VKS gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm sát.

* Về kiểm sát việc xác minh, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm

VKS trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là mối quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà pháp luật quy định bắt buộc cả hai cơ quan phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Đây là mối quan hệ biện chứng, tức là vừa có sự phối hợp, lại vừa chế ước lẫn nhau, đan xen, bổ sung nhưng không loại trừ, hạn chế nhau [18, tr.41]. Thực tế cho thấy rằng, công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm đạt được hiệu quả cao khi giữa CQĐT và VKS có sự phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình giải quyết. Trong quá trình xác minh, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm CQĐT phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác như như lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, khám nghiệm hiện trường, tử thi thu thập các dấu viết liên quan đến tội phạm. Một trong số những biện pháp đó đòi hỏi có sự kiểm sát, phối hợp của VKS như các trường hợp khám nghiệm, khám xét... VKS tiến hành kiểm sát đối với những công tác trên đảm bảo việc thực hiện của CQĐT đúng quy trình của pháp luật, đảm bảo những thông tin về tội phạm được thu thập cẩn thận, triệt để. Thực tiễn hiện nay cho thấy trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm CQĐT đã thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, VKS thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc phân loại, xử lý đối với những tin báo, tố giác về tội phạm và CQĐT thụ lý, giải quyết chống bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên bên cạnh đó quá trình kiểm sát, phối hợp giải quyết giữa VKS và CQĐT vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như trong quá trình thực hiện các thao tác nghiệp vụ như khám nghiệm hiện trường vẫn tồn tại nhiều trường hợp CQĐT không thực hiện hoặc có tổ chức khám nghiệm nhưng không thông báo cho VKS biết để thực hiện kiểm sát nên không đảm bảo thủ tục pháp lý, có nhiều thiếu sót, làm mất đi những dấu vết, vật chứng mang dấu hiệu của tội phạm sau này không thể khắc phục được. Điển hình là vụ án Trần Thị Lệ Hoa ở tỉnh Bạc Liêu, bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội Giết người, Cơ

quan tiến hành tố tụng hai cấp đã xét xử đối với Hoa tuyên phạt 7 năm tù về tội Giết người nhưng bị cáo vẫn kêu oan. Vụ án trên đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và ra quyết định tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật, yêu cầu làm rõ nạn nhân là bà Hai bị ngộ độc bằng loại thuốc sâu gì, lấy ở đâu, chiếc ca đựng thuốc sâu là của ai...tuy nhiên do CQĐT và VKS không phối hợp ngay từ khi khám nghiệm hiện trường nên đã để thất lạc những vật chứng quan trọng của vụ án, vụ án xảy ra đã lâu, không tiến hành khám nghiệm hiện trường lại được. Do vậy không thể làm rõ được yêu cầu của Quyết định giám đốc thẩm dẫn đến hậu quả là không thể tiếp tục truy tố bị can để xét xử lại [18, tr.42.43].

Một số trường hợp trong quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Điều tra viên, Kiểm sát viên chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Bản thân Kiểm sát viên chưa kịp thời đưa ra những yêu cầu điều tra để làm rõ những tình tiết vụ án, hoặc Điều tra viên không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên. Ví dụ như vụ Huỳnh Văn Nén phạm tội Giết người, Cướp tài sản tại Đồng Nai hay vụ Phạm Thị Út phạm tội Giết người xảy ra tại nhà ông Trương Ngọc Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai vụ án trên, Kiểm sát viên không đề ra được yêu cầu điều tra để thu thập chứng cứ, không chỉ ra được cần khám xét cái gì, không kiểm sát biên bản khám nghiệm hiện trường...Do vậy khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên lập biên bản không thể hiện được vị trí, khoảng cách giữa các vật chứng, không mô tả đầy đủ dấu vết tại hiện trường, vẽ sơ đồ sơ sài, không đủ thành phần tham gia khám nghiệm ký tên mà Kiểm sát viên vẫn không phát hiện ra. Hậu quả cả hai vụ án đều bị Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội [18, tr.42,43]

Trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm còn tồn tại nhiều trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên đánh giá sai những tài liệu, chứng cứ thu thập được dẫn đến tình trạng xử lý oan, sai. Điển hình là vụ án xảy ra tại

tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Năm 2001, bà Phan Thị Hà (em bà Phan Thị Thu, sống ở nước ngoài) mua lô đất của ông Nguyễn Thượng Uyển với giá 194 nghìn USD, đặt cọc 30 nghìn USD, 164 nghìn USD còn lại bà Hà đưa bà Thu giữ hộ để trả tiếp cho ông Uyển sau khi hoàn tất thủ tục mua bán. Sau đó, việc mua bán đất không thành, ông Uyển trả tiền cọc lại cho bà Thu (giữ hộ bà Hà). Khi về Việt Nam, bà Hà phát hiện số tiền của mình bị bà Thu chiếm dụng mua bất động sản nên đòi lại. Sau khi trừ nợ bằng 02 lô đất, bà Thu viết giấy nhận còn nợ bà Hà 50 nghìn USD, 50 triệu đồng và 5 lượng vàng và sẽ sắp xếp bán các tài sản khác để trả nợ nốt cho bà Hà. Ngày 25/05/2005, sau quá trình thu thập, đánh giá những chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc, Điều tra viên và Kiểm sát việc thống nhất quan điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phan Thị Thu về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ngày 21/02/2006, bà Thu bị Tòa án tuyên phạt 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 06/2006, bản án này bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Ngày 05/02/2007, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 và bà Thu đã được trả tự do ngay tại tòa vì không phạm tội. Lúc này, bà Thu đã bị tạm giam 20 tháng tù [53].

Theo quy định hiện hành thì VKS chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và chuyển ngay cho CQĐT mà không có thẩm quyền trực tiếp điều tra, xác minh trong các trường hợp cần thiết cũng dẫn đến những hạn chế nhất định trong công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Bởi lẽ có những trường hợp vì nguyên nhân nào đó CQĐT không tiến hành việc điều tra xác minh hoặc tuy có thực hiện những không đảm bảo khách quan, không tích cực dẫn đến kết quả giải quyết vụ việc không chính xác. Lại có trường hợp sau khi điều tra xác minh tin báo, tố giác về tội phạm CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. VKS sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc xét thấy quyết định không khởi tố của CQĐT là không có căn cứ và yêu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 53 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)