Cơ sở lý luận của việc xác định vị trí, vai trò Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam và vai trò, trách nhiệm của viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 41 - 47)

KIỂM SÁT TRONG THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM DÂN SỰ

1.3.1. Cơ sở lý luận của việc xác định vị trí, vai trò Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự

Không thể xác định hay lý giải được các quy định của pháp luật về vai trò, trách nhiệm của VKS trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự nếu không mở rộng phạm vi nghiên cứu đến vấn đề có tính chất quyết định và bao trùm: vị trí, vai trò của VKS trong tố tụng dân sự. Đối với những người quen thuộc với hệ thống pháp luật Việt Nam thì chắc không mấy ngạc nhiên với chế định VKSND trong pháp luật tố tụng dân sự của nước này. Đó làchế định đặc thù cơ bản nhất phân biệt luật tố tụng dân sự Việt Nam với luật tố tụng dân sự nhiều nước trên thế giới. Nếu vị trí, vai trò của VKS Việt Nam trong tố tụng dân sự là điều đương nhiên và cần thiết thì đối với nhiều nước, vị trí, vai trò của Viện công tố (VKS) trong tố tụng dân sự không phải lúc nào cũng hiển nhiên như vậy. Bởi lẽ, thứ nhất, không phải nước nào cũng có chế định Viện công tố (VKS) trong tố tụng dân sự; thứ hai, ngay cả khi có chế định Viện công tố hay chế định VKS trong tố tụng dân sự thì mỗi Viện công tố hoặc mỗi VKS lại có những phương thức hoạt động khác nhau cũng như chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khác nhau tùy theo từng nước. Trong mô hình của các nước theo truyền thống thông luật Common Law và luật lục địa Civil Law (ngoại trừ Cộng hòa Pháp), Công tố viên (Kiểm sát viên) chủ yếu tham gia vào lĩnh vực hình sự. Tuy một số nước theo mô hình này có chế định Viện công tố (VKS) trong tố tụng dân sự như Mỹ, Đức, Nhật Bản… nhưng nhìn chung vai trò của Viện công tố (VKS) trong lĩnh vực dân sự ở những nước này tương đối hạn chế hơn so với vai trò tương tự của VKS (Viện công tố) các nước XHCN. Ở những nước nêu trên, tố tụng dân sự được xây dựng theo

quan niệm: càng ít có sự can thiệp của Nhà nước, càng ít có sự can thiệp của pháp luật thì quan hệ dân sự càng vận hành có hiệu quả [27, tr. 11]. Trong mô hình các nước đề cao vai trò của Nhà nước, như trường hợp của Liên Xô (cũ), Việt Nam và một số nước XHCN khác, hình thành chế định VKS có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tương đối rộng và đa dạng trong tố tụng dân sự. Trong hệ tố tụng dân sự các nước XHCN, có những nhiệm vụ, quyền hạn của VKS mà trong các hệ tố tụng dân sự khác hoàn toàn không có hoặc không quen thuộc, ví dụ như chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm… Vì vậy, để tìm hiểu nguyên cớ của những quy định về vị trí, vai trò VKS trong tố tụng dân sự Việt Nam nói riêng cũng như các nước XHCN nói chung, cần thiết phải xuất phát từ các quan điểm trong hệ thống pháp luật XHCN về bản chất và các nguyên tắc tố tụng dân sự đặc thù chi phối chế định VKS, kết hợp với việc tham khảo, so sánh chế định Viện công tố (VKS) cùng với những nguyên tắc đặc thù chi phối chúng trong tố tụng dân sự các nước theo truyền thống thông luật Common Law và luật lục địa Civil Law.

Nguyên tắc pháp chế XHCN với nghĩa là sự đòi hỏi các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân phải thực hiện đúng, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động của mình là nguyên tắc chủ đạo, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật các nước XHCN. Trong tố tụng dân sự, nguyên tắc pháp chế XHCN cũng luôn được nhấn mạnh là nguyên tắc cơ bản hàng đầu. BLTTDS Việt Nam chính thức ghi nhận nguyên tắc pháp chế XHCN tại Điều 3: "Mọi hoạt động tố tụng dân sự của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này".Quy định này cho thấy, ở khía cạnh áp dụng pháp luật, nguyên tắc pháp chế XHCN đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng (TAND, VKSND), những người tiến hành tố tụng (Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên), những người tham gia tố tụng (đương sự, người bảo vệ quyền

và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người đại diện) và mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân thủ triệt để, nghiêm chỉnh và thống nhất các quy định của BLTTDS trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật trong tố tụng dân sự, các cơ quan và những người có trách nhiệm phải áp dụng biện pháp để khắc phục vi phạm pháp luật đó một cách nhanh chóng, công minh, hiệu quả và đúng pháp luật.

Khác với nội dung nguyên tắc pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự, nội dung nguyên tắc pháp chế trong hệ tố tụng dân sự Common Law và hệ tố tụng dân sự các nước châu Âu lục địa là bảo đảm bình đẳng về mặt tố tụng giữa các bên và bảo đảm Tòa án độc lập xét xử, nên ở những nước này, trong mọi trường hợp, duy nhất chỉ Tòa án với tư cách là một thiết chế tư pháp mới có chức năng bảo đảm pháp chế (thông qua hoạt động xét xử); còn ở các nước XHCN, xuất phát từ nội dung chủ yếu của nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự là sự bảo đảm mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải thực hiện đúng, nghiêm chỉnh pháp luật tố tụng dân sự nói chung cũng như bảo đảm tính pháp chế của bản án, quyết định của Tòa án nói riêng, đồng thời, xuất phát từ quan niệm cho rằng bảo đảm pháp chế không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng Tòa án mà cũng là nhiệm vụ của tổng thể các cơ quan nhà nước, nên trong hệ tố tụng dân sự các nước XHCN, VKS đã được quy định như một chế định cần thiết bảo đảm pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự. Chính vì thế mà pháp luật tố tụng dân sự nhiều nước XHCN, ví dụ như BLTTDS Liên bang Nga năm 1964 (Điều 12), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự Việt Nam năm 1989 (Điều 9), BLTTDS Việt Nam năm 2004 (Điều 21) đều khẳng định bảo đảm quan trọng của việc tuân thủ nguyên tắc pháp chế XHCN là chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS trong tố tụng dân sự.

Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự là nguyên tắc đặc thù cơ bản nhất của ngành luật này, cho nên dù được thể hiện hay không được thể hiện bằng quy phạm cụ thể trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự thì việc thừa nhận quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự ở tất cả các nước là vấn đề hiển nhiên không phải tranh cãi. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hệ tố tụng dân sự các nước XHCN với hệ tố tụng dân sự các nước Civil Law hoặc Common Law do sự khác biệt về tổ chức quyền lực nhà nước và quan niệm về nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc Tòa án độc lập xét xử đã dẫn đến những sự khác biệt trong việc thể hiện nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong pháp luật của các nước này. Nếu xét một cách tổng thể, nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự được vận dụng ở các nước Common Law và Civil Law gần như mang ý nghĩa tuyệt đối. Các bên tự quyết định việc đưa tranh chấp ra tòa, theo đuổi quyết định của Tòa án đối với vấn đề đó và chỉ các bên quyết định việc mở trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm (nếu có) trên cơ sở kháng cáo của mình. Sự can thiệp của Nhà nước vào quy trình này là rất hạn chế, thể hiện ở việc Tòa án không được xem xét những tình tiết mà các bên không đưa ra và không xác minh, thu thập chứng cứ theo quyết định riêng của mình; quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm của Viện công tố, Tòa án chỉ được chấp nhận trong một số ít trường hợp; Công tố viên (Kiểm sát viên) hoặc Chưởng lý ở một số nước có thể được ủy quyền thay mặt Nhà nước hoặc nhân danh lợi ích công đưa một số loại việc dân sự ra Tòa, tuy nhiên, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng dân sự để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và nghĩa vụ của Công tố viên (Kiểm sát viên) hay Chưởng lý về cơ bản không lớn hơn so với quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự khác trong vụ án.

Các nước XHCN lại quan niệm rằng việc giải quyết một vụ việc dân sự phải vừa bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, vừa bảo đảm sự chủ động can thiệp của các cơ quan Tòa án, VKS trong những trường hợp cần thiết thì mới bảo vệ một cách toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, đồng thời củng cố pháp chế và bảo vệ lợi ích của Nhà

nước cũng là lợi ích của toàn xã hội. Chính vì vậy, vai trò kiểm soát từ phía Nhà nước đối với việc giải quyết vụ việc dân sự là rất lớn. Pháp luật về tố tụng dân sự ở những nước này ghi nhận vai trò chủ động của Tòa án trong việc xác định chân lý khách quan của vụ án như bảo đảm khả năng thực tế cho các bên đương sự tham gia tố tụng tự định đoạt các quyền của họ, chủ động khi tiến hành xét hỏi tại phiên tòa cũng như trong việc xác minh, thu thập chứng cứ, theo đó Tòa án không chỉ giới hạn ở những tài liệu, chứng cứ đã được đương sự xuất trình mà còn có thể (nếu xét thấy cần thiết) áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ do pháp luật quy định để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Ngoài ra, Tòa án có quyền kiểm tra theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án trong mối quan hệ với tất cả những người tham gia mà không phụ thuộc vào yêu cầu của họ. VKS, với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, có thể hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự khi trật tự pháp luật, lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội bị ảnh hưởng hoặc xâm hại. VKS có trách nhiệm khởi tố một số loại việc dân sự (theo nghĩa rộng bao gồm cả quan hệ lao động, hôn nhân và gia đình), tham gia phiên tòa xét xử và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm trong những trường hợp do pháp luật quy định…

Nguyên tắc xét xử hai cấp ở các nước XHCN với những nét đặc thù của nó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong tố tụng dân sự, đặc biệt là thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự của VKS. Nguyên tắc xét xử hai cấp ràng buộc trách nhiệm của Tòa án phải xét xử lại vụ án dân sự (trong phần bị kháng cáo) mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị đương sự kháng cáo hợp pháp. Bên cạnh đó, nhiệm vụ và nhu cầu bức thiết bảo đảm một cách đầy đủ nhất việc tuân thủ nguyên tắc pháp chế XHCN trong xã hội nói chung và trong tố tụng dân sự nói riêng dẫn đến việc cho phép VKS kiểm tra toàn diện đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án. Do vậy, song song với quyền kháng cáo phúc thẩm của đương sự, thẩm quyền kháng nghị phúc

thẩm các vụ án dân sự cũng được trao cho VKS (Kiểm sát viên) không phụ thuộc VKS (Kiểm sát viên) có tham gia tố tụng với tư cách là cơ quan nhân danh Nhà nước khởi tố (khởi kiện) vụ án dân sự hay không. Điểm này khác một cách cơ bản với hệ thống kháng cáo phúc thẩm trong tố tụng dân sự các nước theo truyền thống Common Law và Civil Law, nơi chưa bao giờ chấp nhận sự can thiệp mang tính thường xuyên vào thủ tục phúc thẩm bằng biện pháp kháng cáo, kháng nghị của bên thứ ba (kể cả của VKS) không phải là một bên đương sự tham gia tố tụng.

Với vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm pháp chế trong tố tụng dân sự, VKS ở các nước XHCN có vị trí đặc biệt quan trọng trong thủ tục giám đốc thẩm. Trong hệ tố tụng dân sự các nước này, giám đốc thẩm được quan niệm là một thủ tục tố tụng đặc biệt để kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khác với các nước theo truyền thống Common Law và Civil Law, luôn luôn có khuynh hướng triệt để áp dụng nguyên tắc Nhà nước không can thiệp vào quan hệ dân sự và quan hệ tố tụng dân sự của cá nhân, tổ chức, chính các bên đương sự vừa là người xác định phạm vi, nội dung tranh chấp, đồng thời cũng là người quyết định phạm vi tố tụng tiếp theo, bao gồm cả giai đoạn tố tụng giám đốc thẩm dân sự thông qua đơn kháng cáo, khiếu nại giám đốc thẩm của mình, các nước XHCN chỉ trao thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho một số nhà chức trách nhất định có thẩm quyền xét xử và thẩm quyền kiểm sát. Để bảo đảm tính ổn định của các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, các bên đương sự hoặc các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội chỉ có thể yêu cầu hoặc đề nghị bất kỳ người nào có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm kèm theo những tài liệu, chứng cứ chứng minh về sự cần thiết phải xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Đối với VKS, phát hiện các sai lầm trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm xuất phát từ chức năng được Nhà nước giao cho cơ quan này. Kháng nghị giám đốc thẩm của VKS dựa trên sự thận trọng, chính xác và

vô tư của người không có lợi ích liên quan tới vụ án như một bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của thủ tục giám đốc thẩm, không chỉ có ý nghĩa khôi phục lại nguyên tắc pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự bị xâm phạm, bảo đảm lợi ích của Nhà nước mà còn tính tới quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam và vai trò, trách nhiệm của viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 41 - 47)