Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam và vai trò, trách nhiệm của viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 98 - 104)

hành thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự

Đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW về việc hoàn thiện các quy định về thủ tục giám đốc thẩm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giám đốc thẩm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là các quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm; trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, tôi xin đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam cụ thể như sau:

Một là, BLTTDS cần phải công nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự và những người có quyền và lợi ích liên quan. Bên cạnh đó, cần xây dựng một thủ tục kháng cáo giám đốc thẩm để bảo đảm cơ chế thực hiện quyền với các nội dung về chủ thể có quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo, nội dung đơn kháng cáo và thủ tục nộp đơn… Việc ghi nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm không làm mất đi tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm. Điều tạo nên tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm thể hiện ở chỗ: khác với kháng cáo phúc thẩm thông thường, kháng cáo giám đốc thẩm không đương nhiên dẫn tới việc mở phiên tòa giám đốc thẩm mà cần có thủ tục tố tụng "riêng và đặc biệt" nhằm kiểm tra, xem xét việc kháng cáo giám đốc thẩm đó có cơ sở hay không rồi mới quyết định việc mở phiên tòa giám đốc thẩm.

Cần lưu ý rằng việc công nhận quyền kháng cáo giám đốc thẩm không đồng nghĩa với việc hạn chế quyền khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm của các bên đương sự. Cả hai loại quyền này cùng tồn tại song song. Tuy nhiên, các đơn khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm của các bên đương sự khi gửi tới Tòa án, VKS sẽ không được thụ lý để giải quyết theo cơ chế hiện hành mà sẽ chỉ được thụ lý và xem xét như một nguồn thông tin hay một loại căn cứ để các cơ quan này tiến hành việc kháng nghị giám đốc thẩm. Đối với thông báo của

cơ quan, tổ chức và công dân về phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, thì không nên quy định trong BLTTDS (sửa đổi) mà cần xây dựng cơ chế khác để giải quyết, chẳng hạn như cơ chế giải quyết mang tính chất phản biện xã hội.

Hai là, BLTTDS cần xây dựng một thủ tục tố tụng để kiểm tra, xem xét kháng cáo giám đốc thẩm với một số nội dung sau:

Thứ nhất, nội dung đơn kháng cáo giám đốc thẩm phải được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong luật, trong đó, phải nêu rõ căn cứ kháng cáo (bao gồm cả căn cứ pháp luật và căn cứ thực tế), những chứng cứ, tài liệu có liên quan để chứng minh căn cứ đó là đúng;

Thứ hai, đương sự khi kháng cáo giám đốc thẩm phải nộp tạm ứng án phí giám đốc thẩm hoặc một khoản tiền dự phạt như ở các nước. Khoản tiền dự phạt này phải đủ lớn để hạn chế những trường hợp lạm dụng quyền kháng cáo giám đốc thẩm của đương sự. Đồng thời, có cơ chế miễn giảm cho những đối tượng chính sách, người nghèo hoặc một số tranh chấp dân sự đặc biệt khác. Nếu kháng cáo giám đốc thẩm được chấp nhận đưa ra xem xét tại phiên tòa giám đốc thẩm thì khoản tiền dự phạt được trả lại; còn nếu đương sự cố tình lạm dụng quyền kháng cáo giám đốc thẩm nhất là những trường hợp kháng cáo giám đốc thẩm rõ ràng không có căn cứ, nhằm mục đích mang tính cầu may hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để kéo dài thời gian thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì khoản tiền dự phạt sẽ bị sung công quỹ;

Thứ ba, kháng cáo giám đốc thẩm sẽ được giao cho một Thẩm phán xem xét. Trong trường hợp Thẩm phán ra quyết định chấp nhận mở thủ tục giám đốc thẩm, Tòa án phải mở phiên tòa giám đốc thẩm để xét lại vụ án bị kháng cáo. Trong trường hợp Thẩm phán ra quyết định không chấp nhận kháng cáo giám đốc thẩm, đương sự được quyền kháng cáo phúc thẩm quyết định này. Nếu có kháng cáo, Chánh án (hoặc một Hội đồng do Tòa án thành

lập) sẽ giải quyết và quyết định này là quyết định cuối cùng, không bị kháng cáo, kháng nghị.

Thủ tục này khá gần gũi với cơ chế giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm hiện nay nhưng có nhiều ưu điểm hơn, như: có trình tự, thủ tục chặt chẽ, rõ ràng, tránh việc gửi đơn tràn lan, nhiều lần, không có căn cứ hoặc không đúng nơi cần gửi… Cũng cần nói thêm là, nếu chúng ta đặt trọng tâm vào việc xem xét vấn đề áp dụng pháp luật, thì các cơ quan tư pháp không nhất thiết phải nghiên cứu hồ sơ mới phát hiện vi phạm pháp luật mà chỉ cần xem xét đơn là đã có thể trả lời, do đó thời gian giải quyết đơn cũng sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn, tiết kiệm hơn. Kinh nghiệm xem xét và giải quyết đơn yêu cầu giám đốc thẩm rất nhanh chóng ở các nước là minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Ba là, BLTTDS cần triệt để tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự, hạn chế đến mức có thể sự can thiệp của công quyền vào quan hệ dân sự bằng cách bỏ thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án; quy định rõ phạm vi kháng nghị của Viện trưởng VKS chỉ trong những vấn đề liên quan đến lợi ích công và trật tự công cộng hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng. Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng nhưng các đương sự không kháng cáo giám đốc thẩm mà chỉ có kháng nghị của Viện trưởng VKS thì Hội đồng giám đốc thẩm chỉ khắc phục vi phạm đó chứ không quyết định những vấn đề về nội dung vụ án, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

Bốn là, BLTTDS cần sửa căn cứ "Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án" quy định tại khoản 2 Điều 283 thành: "Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án đã được Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm xác định". Việc đi theo hướng này sẽ có tác dụng kép, một mặt, góp phần tăng cường tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm là tập trung xem xét vấn đề áp dụng pháp luật; mặt khác, vừa góp phần nâng cao vai trò,

trách nhiệm xét xử của Tòa án, bảo đảm "việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ…", vừa góp phần đề cao yếu tố tranh tụng, chủ yếu là giữa các bên đương sự tại phiên tòa xét xử.

Năm là, BLTTDS cần bỏ căn cứ hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật "Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này" quy định tại Khoản 1 Điều 299 bảo đảm nhất quán với nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Điều 6) và các quy định khác của Bộ luật.

Sáu là, BLTTDS cần cụ thể hóa những căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm trên cơ sở luật hóa một số căn cứ được viện dẫn trong thực tiễn giám đốc thẩm vụ án dân sự:

Căn cứ thứ nhất: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án gồm một số trường hợp sau:

- Kết luận trong bản án hoặc quyết định không dựa trên cơ sở những chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa dẫn đến việc kết luận trái với nội dung chứng cứ.

- Không xem xét những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với kết luận của vụ án. (Đó là những tình tiết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự phải được xem xét tại phiên tòa, nếu thiếu nó thì chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án).

- Có những mâu thuẫn giữa các chứng cứ có ý nghĩa cơ bản đối với vụ án nhưng trong bản án Tòa án không nêu lên được những căn cứ để Tòa án chấp nhận chứng cứ này mà bác bỏ chứng cứ kia.

Tuy nhiên, nếu sửa căn cứ nêu trên thành "Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án đã được Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm xác định" thì phạm vi căn cứ sẽ được thu hẹp. Theo đó, chỉ những bản án, quyết định mà kết luận của Tòa án không

phù hợp hoặc mâu thuẫn rõ ràng với những chứng cứ đã được Tòa án công nhận và thẩm tra tại phiên tòa mới được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Căn cứ thứ hai: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể là:

- Thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự không đúng thẩm quyền;

- Thụ lý vụ việc khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện (không phải là người có quyền, lợi ích bị xâm hại, chưa đến thời hạn khởi kiện lại đối với yêu cầu xin ly hôn, xin ly hôn khi người vợ đang có thai…) hoặc chưa đủ điều kiện khởi kiện (chưa qua hòa giải ở cơ sở khi pháp luật bắt buộc phải qua hòa giải ở cơ sở mới được khởi kiện…);

- Người đại diện theo ủy quyền không đủ tư cách đại diện (đang có án tích...);

- Vi phạm các quy định về thu thập chứng cứ, xuất trình chứng cứ và đánh giá chứng cứ (thu thập chứng cứ không theo đúng quy định tại Chương VII của BLTTDS, chứng cứ giả mạo, giám định viên không có thẩm quyền, chứng cứ không được xem xét tại phiên tòa…) khi những chứng cứ này có ảnh hưởng đến việc ra bản án, quyết định bị kháng nghị;

- Nội dung tranh chấp đã được giải quyết bằng một bản án khác;

- Thành phần Hội đồng xét xử không đúng với quy định của pháp luật (thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án ở thủ tục khác, trừ trường hợp được xét xử nhiều lần theo quy định của pháp luật…);

- Các đương sự không được triệu tập hợp lệ để tham gia tố tụng;

- Xét xử vắng mặt đương sự, trừ trường hợp pháp luật cho phép xét xử vắng mặt đương sự;

- Xác định sai tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng hoặc những người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến vụ án không được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

- Vắng mặt đại diện VKS trong trường hợp VKS bắt buộc phải tham gia phiên tòa;

- Trong quá trình xét xử đã vi phạm quy định về ngôn ngữ dùng trong tố tụng dân sự;

- Không có biên bản phiên tòa hoặc có biên bản phiên tòa không có chữ ký của thư ký phiên tòa hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;

- Nội dung quyết định của bản án mâu thuẫn với biên bản nghị án hoặc mâu thuẫn với biên bản phiên tòa.

Căn cứ thứ ba: Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gồm các trường hợp sau:

- Áp dụng điều luật không đúng với bản chất của quan hệ có tranh chấp (quan hệ tranh chấp là đòi tài sản thì lại áp dụng quy định về đòi thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, quan hệ tranh chấp là chia tài sản trong hôn nhân lại áp dụng các quy định về chia tài sản khi ly hôn…);

- Giải thích sai nội dung điều luật áp dụng;

- Áp dụng quy định của pháp luật không đúng với thời điểm ký kết, thực hiện hợp đồng hoặc xảy ra sự kiện (cần áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 thì lại áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật dân sự năm 2005, áp dụng pháp luật đã bị hủy bỏ, hết hiệu lực pháp luật…);

- Áp dụng không đúng quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu kháng cáo, kháng nghị để ra bản án.

Bảy là, BLTTDS cần bổ sung một số căn cứ kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm cho phù hợp với thực tiễn xét xử giám đốc thẩm trong thời gian qua và trên cơ sở tham khảo pháp luật các nước:

- Việc thu thập chứng cứ của Tòa án theo yêu cầu của đương sự chưa được thực hiện đầy đủ;

- Tòa án chưa giải quyết hết các yêu cầu của đương sự;

- Vi phạm nguyên tắc thống nhất, công bằng trong hoạt động xét xử (có hai bản án đã có hiệu lực pháp luật khác nhau về những trường hợp tương tự nhau, giải thích hoặc áp dụng pháp luật không tuân theo những quyết định của bản án, quyết định giám đốc thẩm với tư cách là án lệ…);

- Bản án, quyết định về hình sự, hành chính… làm căn cứ cho bản án, quyết định dân sự bị hủy bởi một bản án, quyết định khác có hiệu lực;

- Thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa… có hành vi tham ô, nhận hối lộ trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến làm sai lệch nội dung vụ án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ tiến hành thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam và vai trò, trách nhiệm của viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm vụ việc dân sự (Trang 98 - 104)