nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 5 năm hoặc cải tạo lao động và bị phạt tiền hoặc chỉ bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền lời bất chính:
1. Một mình hoặc hợp sức với người khác dùng lợi thế tập trung tài chính hoặc ưu thế cổ phần của mình hoặc lợi dụng ưu thế thông tin nắm được, liên kết hoặc liên tục mua bán, thao túng giá cả TTCK;
2. Thông đồng với người khác để tiến hành giai dịch chứng khoán với nhau hoặc mua bán mà không nắm giữ chứng khoán vào thời gian, theo giá cả và phương thức đã định trước làm ảnh hưởng đến giá cả và khối lượng giao dịch chứng khoán;
3. Tự coi mình là bên giao dịch duy nhất, tự mình mua bán với mình không có sự chuyển quyền sở hữu chứng khoán gây ảnh hưởng đến giá cả hoặc khối lượng giao dịch chứng khoán;
4. Dùng các thủ đoạn khác để thao túng giá giao dịch chứng khoán.
Đơn vị, pháp nhân nào phạm tội nói trên thì phạt tiền; đối với người trực tiếp phụ trách hoặc người chịu trách nhiệm trực tiếp khác thì bị phạt tù đến 5 năm hoặc cải tạo lao động.”
Từ các nhận định trên, tác giả kiến nghị SĐ, BS Điều 181c Bộ luật Hình sự 2009, nhằm tạo điều kiện cho các nhà thực thi pháp luật ứng biến với các biến dạng của loại tội phạm này một cách hiệu quả. Cụ thể, SĐ, BS Điều 181c như sau:
“Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Tự mình hoặc thông đồng với người khác để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;
b) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán
c) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để thao túng giá chứng khoán.”
Bên cạnh việc hoàn thiện cấu thành của những tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2009, các nhà làm luật có thể nghiên cứu bổ sung thêm những tội danh hay những hành vi khách quan mới cho việc cấu thành tội phạm; vì với tốc độ phát triển cao của TTCK, trong tương lai không xa chắc chắn sẽ có thêm nhiều hành vi vi phạm mang tính nguy hiểm cao mới xuất hiện. Chúng ta có thể học hỏi quy định của pháp luật ở các quốc gia khác có hệ thống pháp luật phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Một định hướng quan trọng khác trong nhóm biện pháp về lập pháp đó là cần có quy định truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Việc quy định cụ thể trách nhiệm đối với các tổ chức khi có người phạm tội sẽ giúp hạn chế tối đa trường hợp đùn đẩy trách nhiệm cho một người và lơ là trong quản lý. Tuy đây sẽ là nhiệm vụ tương đối khó khăn vì từ trước đến nay, trong pháp luật hình sự Việt Nam chưa hề có tiền lệ quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm nhưng quy định TNHS đối với pháp nhân là xu hướng tất yếu của thế giới, đối với hầu hết các tội phạm kinh tế chứ không riêng gì TPCK. Ở các nước theo hệ thống Common law, TNHS của pháp nhân đã được quy định cách đây tương đối lâu (thế kỷ XIX), các quốc gia theo hệ thống Châu Âu lục địa, tuy muộn hơn nhưng đã bắt đầu có xu thế thừa nhận quan điểm pháp nhân cũng phải chịu TNHS47. Bản chất TTCK tồn tại được chủ yếu thông qua các chủ thể là tổ chức, ví dụ như các quỹ đầu tư, các công ty cổ phần, công ty chứng khoán, ngân hàng... Chúng ta có thể thấy các vụ án liên quan đến chứng khoán gần đây có sự xuất hiện của một loạt các cá nhân là lãnh đạo cao cấp của các tổ chức; họ đã móc nối với nhau để thực hiện hành vi phạm tội nhưng trong chính tổ chức đó lại không hề có một sự thanh tra, giám sát hay ngăn chặn nào. Sau khi tội phạm bị phát hiện, cá nhân bị xử lý nhưng pháp nhân thì vẫn tồn tại và không chịu bất cứ một chế tài hình sự nào trong khi bản chất chính là, có pháp nhân thì cá nhân mới có thể thực hiện hành vi, và chính hành vi của cá nhân đã mang lại khoản lợi không nhỏ cho tổ chức. Vì không bị xử lý hình sự nên vi phạm trong nhiều lĩnh vực đang có chiều hướng gia tăng, nhiều đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí nộp phạt xong rồi họ vẫn tiếp tục vi phạm đơn giản vì số tiền họ nộp phạt chẳng đáng là bao so với những gì họ thu lại từ hành vi vi phạm đó. Vô hình chung, chúng ta đã bỏ qua một chủ thể vô cùng quan trọng của pháp luật hình sự nói chung và pháp luật hình sự chứng khoán nói riêng. Cần phải quy định tổ chức có thể trở thành chủ thể của tội phạm mới có thể đưa tổ chức vào điều chỉnh dưới quy định của Bộ luật Hình sự 2009, để các cá nhân khác trong tổ chức có trách nhiệm hơn khi thực hiện nhiệm vụ của mình và của chính tổ chức đó đồng thời mang lại sự công bằng giữa các tổ chức có hành vi phạm tội và tổ chức không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên không phải pháp nhân nào cũng có thể trở thành chủ thể của tất cả các loại tội phạm, chỉ nên áp dụng quy định này trong các loại tội phạm về môi trường, an toàn công cộng và đặc biệt, phổ biến nhất đó là tội phạm 47 Vũ Hải Anh, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của một số nước trên thế giới.
kinh tế, và TPCK không nằm ngoài quy luật này. Theo đó, điều kiện để truy cứu TNHS của pháp nhân là có một cá nhân thực hiện tội phạm trong khuôn khổ hoạt động hoặc vì lợi ích của pháp nhân. Cụ thể, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức khi có người phạm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán và tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán. Thực tế, có rất nhiều trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội dựa trên “ý chí của công ty” – nói cách khác, công ty chính là chủ thể tiếp tay cho hành vi phạm tội. Để đối phó với quy định của pháp luật hiện hành, các chủ thể trong công ty có thể thỏa thuận để chọn ra người thực hiện hành vi phạm tội – người “hy sinh” nhưng cũng sẽ nhận lại những khoản lợi đáng kể, không ngoại trừ cam kết cố gắng hết sức để người này chịu hình phạt thấp nhất. Nếu như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sẽ không đạt được kết quả tốt nhất. Nếu TNHS đối với pháp nhân được thông qua, chúng ta có thể bổ sung hình phạt cấm công ty niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán trong một khoản thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn.
Thứ hai, chúng ta cần xây dựng bộ máy quản lý vững mạnh và đưa ra các biện pháp kiểm soát thị trường một cách có hiệu quả.
Cần siết chặt hơn nữa kỷ luật, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động giao dịch trên TTCK, kiện toàn cơ sở hạ tầng cho việc quản lý thị trường. Thanh tra, kiểm tra là bước không thể thiếu trong bất cứ một quá trình thực thi pháp luật nào; thông qua đó, vi phạm sẽ bị phát hiện và xử lý. Trong những năm qua, có vẻ như việc kiểm tra, giám sát đã được tiến hành nhưng còn yếu và chưa mang lại hiệu quả cao. Để việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả hơn, chúng ta cần xây dựng một cơ chế kiểm tra, giám sát doanh nghiệp niêm yết và các giao dịch trên TTCK một cách hợp lý và rõ ràng. Khi kết quả thanh tra, kiểm tra tốt thì bước xác định vi phạm mới có thể được triển khai và vi phạm có thể bị truy cứu TNHS mới được xem xét một cách có hiệu quả.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan quy định và thực thi pháp luật cũng như tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một nội dung quan trọng trong biện pháp này, có như vậy thì công tác triển khai pháp luật vào thực tế mới có chất lượng. Việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đòi hỏi sự lãnh đạo và quan tâm của những người đứng đầu một cách sâu sát và cụ thể hơn nữa. Hiện nay, văn bản hiếm hoi thể hiện sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán đó là Thông tư liên tịch số 46/2009/TTLT-BTC-BCA với vỏn vẹn 6 điều trong
nội dung chính, chủ yếu xoay quanh việc chuyển giao các vụ án thuộc trách nhiệm xử lý của UBCKNN và cơ quan điều tra. Chúng ta hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan với nhau và vấn đề này cần được bổ sung và điều chỉnh từ văn bản cho đến thực tế thực thi. Việc tăng cường hợp tác quốc tế là vấn đề cần được đặt ra ngay lập tức. Hiện tại TTCK Việt Nam đã vươn ra ngoài phạm vi khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát hành chứng khoán hay đầu tư ra nước ngoài cũng như các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoàn toàn có thể đầu tư vào TTCK Việt Nam. Đây là điều kiện cho TPCK trong và ngoài nước cấu kết hoạt động liên quốc gia. Từ nhận thức trên cùng với lợi thế về việc tham gia Interpol và các hiệp ước quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm, Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để có thể kết hợp điều tra, truy bắt, xử lý… khi cần thiết.
Thứ ba, phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật đồng thời cường nhận thức về TPCK cho các chủ thể tham gia trên thị trường .
Thực tế diễn biến các hành vi vi phạm trên TTCK đang ngày càng tinh vi, bởi ranh giới giữa một bên là thủ thuật đầu tư, một bên là hành vi phạm tội rất mong manh. Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong các cơ quan thi hành pháp luật cũng là một vấn đề quan trọng không thể thiếu. Quy định tốt nhưng người thực hiện lại không tốt thì xét cho cùng pháp luật cũng không có tác dụng. Nhà nước cần mở các khóa huấn luyện thật sự có chất lượng, do các chuyên gia, vừa có cả người đã trực tiếp soạn thảo văn bản vừa có cả người đã có kinh nghiệm tham gia trực tiếp trong lĩnh vực hoạt động và thực thi quy định giảng dạy. Trong giai đoạn đầu này, mỗi khi có một vụ việc cụ thể về hành vi phạm tội giao dịch chứng khoán, nên có buổi thảo luận để làm rõ những điều mà cơ quan điều tra, truy tố, xét xử chưa nắm rõ cho đến khi đã có một khối lượng tương đối các vụ việc được giải quyết, hay nói cách khác, những nhà “hành pháp” đã “quen tay” và đảm bảo có tính chính xác cao trong quyết định của mình. Đến lúc đó, các quyết định xử lý sẽ mang tính chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm; quyền lợi của công dân mới được đảm bảo, quyền lực nhà nước mới thật sự có ý nghĩa.
Việc tăng cường nhận thức về TPCK là phương án phổ biến và cần thiết để áp dụng pháp luật một cách công bằng và có hiệu quả. Như đã đề cập ở phần bất cập trong việc thực thi pháp luật, vì còn quá mới nên các nhà đầu tư chưa có nhiều thông tin về TPCK, thậm chí các doanh nghiệp có bộ phận pháp chế cũng chưa chắc đã nắm được
rõ các quy định của pháp luật trong vấn đề này. Việc nâng cao nhận thức cho người dân sẽ làm hạn chế hành vi phạm tội vì thiếu kiến thức đồng thời tăng tính răn đe, tôn trọng pháp luật đối với các đối tượng đang hoặc sẽ có ý định phạm tội. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có thể đăng tải các quy định mới về TPCK với giải thích cụ thể những điểm quan trọng chứ không phải chỉ dừng lại ở mức nêu tên văn bản. Thêm vào đó, các vụ án được khởi tố, xử lý nên được tận dụng để tuyên truyền như bài học mang tính giáo dục và có tầm ảnh hưởng đến nhiều đối tượng xã hội. Ở các trung tâm giao dịch, các công ty chứng khoán… cũng nên đặt ra nội quy cụ thể, đảm bảo được nhắc nhở đến từng cá nhân hoặc thể hiện dưới hình thức và ở nơi ai cũng có thể nhận thấy và hiểu được, ngay khi bắt đầu ý định đầu tư hoặc tiến hành công việc, trong đó cần nhấn mạnh đến TNHS mà nhà đầu tư hoặc đối tượng hành nghề có thể phải chịu nếu vi phạm pháp luật. Thêm vào đó, cũng cần khuyến khích tinh thần khai báo, tố giác tội phạm trong nội bộ chính các tổ chức tham gia hoạt động chứng khoán và trong bộ phận các nhà đầu tư.
TPCK tuy chỉ dừng ở mức tội phạm ít nghiêm trọng nhưng để chấn chỉnh được loại tội phạm này, đưa nó vào đúng khuôn khổ của pháp luật cần rất nhiều thời gian và sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các cá nhân, tổ chức có liên quan đến quá trình hoạt động chứng khoán.
KẾT LUẬN
Bộ luật Hình sự 2009 đã đưa ba tội danh mới về chứng khoán vào phạm vi điều chỉnh, gồm “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán”, “Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán” và “Tội thao túng giá chứng khoán”. Chỉ sau thời gian đầu đưa vào thực thi, các loại tội phạm trên đã thể hiện bản chất mới lạ, phức tạp, nguy hiểm và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động trên thị trường chứng khoán. Quá trình áp dụng cũng cho thấy chúng ta chưa có đầy đủ các yếu tố cần thiết để điều chỉnh và xử lý loại tội phạm này một cách có hiệu quả, từ quy phạm pháp luật, đội ngũ thi hành, quy chế thanh tra, kiểm tra cho đến biện pháp tác động lên tâm lý nhà đầu tư. Tuy tình trạng vi phạm các quy định về chứng khoán diễn ra khá phổ biến và ở mức độ nghiêm trọng cao nhưng mới chỉ có duy nhất một vụ án về hành vi thao túng giá của Lê Văn Dũng được xử lý theo tội danh về chứng khoán theo quy định của Bộ luật Hình sự 2009. Vụ án này là bước đệm quan trọng cho việc giải thích và áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 2009 vào thực tiễn xét xử. Nó cũng là minh chứng cho sức mạnh của Nhà nước trong việc kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán ở cấp độ nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm cho đến khi các quy định của Bộ luật Hình sự 2009 nói riêng và các văn bản hướng dẫn liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thực sự đi vào cuộc sống.
Để đẩy nhanh quá trình hiệu quả hóa công tác đấu tranh với tội phạm chứng khoán, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp một cách khẩn trương, nhanh chóng, quan trọng nhất là hoàn thiện quy phạm pháp luật về tội phạm chứng khoán; tiếp theo sau đó là tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quy định và thực thi pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ thi hành pháp luật và tuyên truyền có hiệu quả các quy định của pháp luật đồng thời đánh động đến nhận thức của nhà đầu tư. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhận thức rõ rằng một cơ cấu hoàn chỉnh không thể