Các hình thức hối lộ phổ biến

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các tội phạm về hối lộ theo Luật hình sự Việt Nam và Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng Luận văn ThS. Luật 60 38 01 04 (Trang 33 - 36)

Như vậy, từ những phân tích ở trên cho thấy, hối lộ về bản chất là sự mua bán, trao đổi về giá trị của quyền lực với một hình thức lợi ích, một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, nhất là về phía người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ dứt khoát phải là người nắm giữ quyền lực và đã “bán” quyền lực đó để thu lợi bất chính cho mình. Do đó, hành vi hối lộ thực hiện được hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Trong đó, đưa và nhận hối lộ đóng vai trò then chốt, môi giới hối lộ như một chất xúc tác, tạo điều kiện thuận lợi hơn, an toàn hơn cho hành vi hối lộ nói chung được thực hiện trót lọt. Để đấu tranh chống hối lộ, cần thiết phải nhìn rõ bản chất (hình thức) của ba loại hành vi này.

1.2.1. Phân loại

Dưới góc độ pháp lý chung, theo Từ điển Bách khoa toàn thư Mở (Wikipedia), các hình thức hối lộ hiện nay trên thế giới được thể hiện dưới hai hình thức là hối lộ vật chất và hối lộ phi vật chất như sau:

a) Hối lộ vật chất:

- Tiền là thứ phổ biến nhất, do bởi nó nhẹ và có giá trị cao, là phương tiện trao đổi tiền tệ. Thời phong kiến ở phương Đông, người ta không dùng tiền mà thường dùng vàng hoặc bạc.

- Ngọc hoặc châu báu hoặc của lạ của một vùng nào đó, là những thứ thường được dùng trong thời phong kiến, được các quý bà (là người có uy quyền hoặc có chồng là người có uy quyền);

- Người, ở đây thường là người con gái được đưa đi làm dâu hoặc hiến cho vua, hoặc đơn giản chỉ là để cho người nhận được quan hệ tình dục với người bị đem đi hối lộ.

b) Hối lộ phi vật chất

Các hình thức đưa và nhận hối lộ truyền thống - giao dịch tiền, quyền - hiện nay đã lạc hậu. Thay vào đó là hình thức hối lộ phi vật chất, hối lộ phi vật chất được chia thành ba loại:

- Hối lộ tình dục: là điển hình của hối lộ phi vật chất; người đưa hối lộ thông qua phục vụ tình dục để mong đạt được lợi ích;

- Hối lộ thông tin: là người đưa hối lộ cung cấp thông tin cho người nhận hối lộ để mưu cầu lợi ích; người nhận hối lộ cũng nhận được lợi ích từ thông tin được cung cấp. Thông tin này chủ yếu là về thăng chức, thuyên chuyển, bí mật thương mại, thông tin mật về kết án; v.v...;

- Hối lộ thành tích: là hình thức hối lộ giữa cấp trên và cấp dưới trong cùng hệ thống, cùng ngành; người đưa hối lộ cố ý chuyển thành tích công việc cho cấp trên hưởng. Cũng có trường hợp cấp trên muốn được thăng chức cao hơn nên cố ý chiếm thành tích của nhân viên. Khi được thăng chức cao hơn, cấp trên sẽ điều động cấp dưới trở thành vị trí cao hơn và có lợi hơn; v.v...

Những hình thức hối lộ khác nhau này được pháp luật hình sự và pháp luật phòng, chống tham nhũng của mỗi quốc gia nghiên cứu, tiếp thu và tùy từng mức độ, cách thức khác nhau để đưa vào cho phù hợp.

1.2.2 Tiếp cận các hình thức hối lộ theo luật hình sự Việt Nam

Đối chiếu với quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, các hình thức cụ thể trong các tội phạm về hối lộ được thể hiện như sau:

Một là, từ phía người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ là chủ thể đặc biệt - có quyền hạn, chức vụ. Khi có quyền lực trong tay, người có quyền lực và bị thoái hóa, biến chất, lại thiếu sự giám sát chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động công. Hoạt động nhận hối lộ sẽ diễn ra, thậm chí gợi ý, ép phải đưa hối lộ. Nếu không đưa hối lộ, họ tìm mọi cách làm khó dễ, thậm chí làm cho hỏng việc, trễ việc và tốn kém thời gian, công sức, chi phí... Vì lòng tham, họ bất chấp luật pháp, quy định, lợi dụng vị trí của mình để bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay cho những hành vi phạm pháp nhằm mục đích trục lợi.

Về mặt chủ quan, người nhận hối lộ nhận thức việc nhận quà biếu, của hối lộ là vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp. Nhưng chủ thể nhận hối lộ vẫn quyết tâm thực hiện hành vi nhận hối lộ do nhu cầu hoặc lòng tham.

Hai là, từ phía người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ thường là các cá nhân hoặc đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Hành vi đưa hối lộ là dùng tiền bạc hoặc vật chất để mua chuộc người ra quyết định, người có chức có quyền để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhận được lợi ích hoặc bản thân cá nhân nào đó thực hiện được một việc có lợi cho mình (có thể hợp pháp hoặc phi pháp). Đối với các cá nhân, có thể xảy ra hai trường hợp, hoặc là họ chủ động hối lộ dưới hình thức quà cáp, biếu xén do được gợi ý hay ép buộc. Lợi ích mà người đưa hối lộ đạt tới cũng vô cùng đa dạng: có thể đó là lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình hoặc gia đình, bạn bè, cơ quan của mình, hoặc cũng do gặp khó khăn về thủ tục hay bị sách nhiễu, gây khó dễ nên tìm cách “bôi trơn”. Cũng có khi người đưa hối lộ nhằm vào một lợi ích bất hợp pháp, sau khi đã hạch toán giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được họ quyết định đầu “tư” bằng cách hối lộ để đạt được lợi ích phi pháp của mình. Như vậy, nếu như hành vi nhận hối lộ luôn là hành vi có lỗi thì tính chất của hành vi đưa hối lộ rất khác nhau và cần được xử lý khác nhau thì mới phù

hợp. Người đưa hối lộ nhiều khi do bị “ép buộc”. Trong đa số các trường hợp, người đưa hối lộ nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Ba là, từ phía người làm môi giới hôi lộ. Đây là hành vi chỉ xuất hiện khi chuyện đưa hoặc nhận hối lộ không thể thực hiện trực tiếp. Bản chất của môi giới hối lộ là kết nối cho các nhu cầu “cung - cầu” gặp nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn, do mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa tội làm môi giới hối lộ với tội đưa hối lộ và nhận hối lộ nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này phải tương ứng với thời điểm hoàn thành hai tội phạm trên mới chính xác. Tính chất nguy hiểm của hành vi làm môi giới hối lộ chỉ thể hiện khi có hành vi hối lộ (đưa hoặc nhận hối lộ).

Theo quy luật xã hội và tâm lý con người, sẽ xuất hiện các đối tượng “trung gian”. Một số trường hợp, người môi giới không vì mục đích kiếm lời mà chỉ muốn giúp người đưa hối lộ hoặc người nhận hối lộ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người môi giới thực hiện hành vi môi giới để kiếm lợi, trục lợi từ một trong hai phía hoặc từ cả hai phía đưa và nhận. Hành vi này cũng nguy hiểm cho xã hội và thậm chí có những người đã coi môi giới là một nghề. Các hành vi “môi giới” thường được thực hiện một cách lén lút, bí mật.

Đặc biệt, cũng cần lưu ý, hành vi làm môi giới chủ yếu nhằm giúp các bên đi đến thỏa thuận hối lộ chứ không can thiệp vào nội dung thỏa thuận. Nếu người thực hiện vai trò trung gian hối lộ xuất phát từ lập trường chủ quan của mình (không phải do yêu cầu của người đưa hoặc nhận hối lộ) thì đó là người đồng phạm đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ chứ không phải người làm môi giới hối lộ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các tội phạm về hối lộ theo Luật hình sự Việt Nam và Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng Luận văn ThS. Luật 60 38 01 04 (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)