1.3. Khái quát sự hình thành và phát triển của luật hình sự
1.3.1. Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến pháp điển
Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân cò non trẻ phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Đất nước rơi vào tình trạng một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Trong tình hình đó, nhân dân ta
phải thực hiện ba nhiệm vụ lớn, đó là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm, và giữ vững chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta. Chính vì vậy, sau ba ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước ta đã ban hành nhiều sắc lệnh. Trong đó có sắc lệnh số 223-SL ngày 17/11/1946, sắc lệnh này được ban hành nhằm trừng trị các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, phù lạm hoặc biển thủ công quỹ. Sắc lệnh số 223/SL quy định các Tòa án trừng trị một số tội phạm liên quan đến tài sản; sắc lệnh số 267/SL ngày 15/6/1956 quy định về việc trừng trị âm mưu hoạt động phá hoại làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch xây dựng kinh tế và văn hóa. Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/10/1970 quy định về việc trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân của những người có chức vụ.
Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1976 sắc lệnh số 03/SL, ngày 15/3/1976 được Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ban hành, sắc lệnh này quy định thêm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn và quy định tội nhận và đưa hối lộ. Nghị quyết hội nghị lần 06 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đã đề ra chủ trương “Kiên quyết đấu tranh những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội nhất là tệ nạn ăn cắp, hối lộ ức hiếp quần chúng”. Ngày 20/5/1981, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh trừng trị tội hối lộ. Pháp lệnh này ra đời đã thay thế các văn bản trước đó về tội hối lộ, lần đầu tiên trong Pháp lệnh, tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ được quy định tại điều luật một cách độc lập. Pháp lệnh thể hiện tinh thần đấu tranh rất mạnh mẽ và triệt để đối với tội nhận. Cũng trong pháp lệnh này, tại Điều 9 quy định một trường hợp đặc biệt: “Người nào bị ép buộc đưa hối lộ, nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội”. Chính sự phân hóa cao độ đối với những đối tượng thực hiện hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ,
môi giới hối lộ có nhằm khuyến khích việc phát hiện tội hối lộ để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm thường rất khó phát hiện này.
Ngày 27/6/1985 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII đã thông qua Bộ luật hình sự và đã có hiệu lực ngày 01/01/1986. Bộ luật hình sự năm 1985 đã kế thừa và phát triển những thành tựu của luật hình sự Việt Nam từ Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là Bộ luật hình sự đầu tiên của Nhà nước ta, Bộ luật gồm 2 phần: Phần chung và Phần các tội phạm, tổng cộng có 20 Chương với 280 Điều, trong đó quy định các tội về tham nhũng một cách tương đối và đầy đủ tạo điều kiện cho việc xử lý tội phạm tham nhũng thời gian qua. Riêng về tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 226 và được sửa đổi, bổ sung ba lần, lần thứ nhất vào ngày 12/8/1991, lần hai vào ngày 22/12/1992 và lần thứ ba vào ngày 10/5/1997. Mặc dù đã sau ba lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Nhiều trường hợp nhận hối lộ rất nghiêm trọng thậm chí đặc biệt nghiêm trọng, nhưng do quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ hoặc cách xác định các tình tiết của vụ án, về các dấu hiệu cấu thành tội nhận hối lộ, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, để lọt tội phạm.